TS. Võ Trí Thành: Quá vội khi nhận định chính sách tiền tệ đi theo xu hướng nới lỏng
Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có thông báo điều chỉnh giảm loạt lãi suất điều hành từ 0,5 - 1 điểm phần trăm, áp dụng từ ngày 15/3. Tuy nhiên lần này sẽ không áp dụng với trần lãi suất huy động. Những mức lãi suất được điều chỉnh gồm: Lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên.
Trong thông cáo mới nhất, NHNN đánh giá việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành là một giải pháp linh hoạt và phù hợp với điều kiện thị trường ở thời điểm hiện tại. Giúp cho việc thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ thuận lợi hơn. Từ đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Khó nới lỏng chính sách dù áp lực đã giảm
Động thái này của NHNN được một số chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là tín hiệu cho thấy xu hướng điều hành chính sách tiền tệ sẽ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng. Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý Trung ương (CIEM) thì cho rằng, vẫn còn quá sớm để nhận định về xu hướng chính sách tiền tệ nới lỏng.
Vị chuyên gia cho hay: “Chưa thể chắc chắn là NHNN sẽ nới chính sách tiền tệ. Hiện nay, chúng ta vẫn còn đối mặt với những điều kiện ngặt nghèo và các rủi ro tài chính cao hơn. Áp lực này khá lớn đối với chính sách tài chính.
Thời gian qua, áp lực này có giảm những việc chuyển hẳn sang chính sách nới lỏng thì chưa thể chắc chắn. Đang từ tăng 5% mà giảm còn chỉ tăng 3% được được gọi là nới lỏng thì tôi cho là hơi quá”.
Phân tích thêm về các yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất, theo ông Thành, với điều kiện bên ngoài, áp lực từ tỷ giá giảm đáng kể. Trong thời gian tới, các ngân hàng trung ương lớn thế giới khó có thể tăng mạnh lãi suất lần nữa. Có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tăng lãi suất, tuy nhiên sẽ có những bước tăng nhỏ hơn, kết thúc sớm hơn dự báo sau các vụ ngân hàng Mỹ sụp đổ.
Có dự báo rằng, trong tháng 3 này, Fed có thể không tăng lãi suất, nhưng ở các đợt tiếp theo thì không thể chắc chắn việc Fed có tăng 0,5 hay 0,75 điểm % nếu lạm phát tại Mỹ diễn biến phức tạp hay không? Dù họ chỉ tăng tới giữa năm rồi đi ngang, thì cũng đã là mức lãi suất khá cao.
“Yếu tố thứ hai là lạm phát, áp lực bên ngoài giảm do lạm phát toàn cầu qua đỉnh. Mới đây, lạm phát Mỹ chỉ còn 6^. Trong nước cũng vậy, vẫn chịu áp lực lạm phát khá lớn phía trước, nhưng mức tăng CPI tháng 2 đã thấp hơn tháng 1, cầu tiêu dùng yếu.
Câu chuyện về lạm phát tới đây sẽ còn nhiều yếu tố tác động, chẳng hạn biến động giá dầu, tăng giá điện hay tăng lương. Những yếu tố này có thể khiến lạm phát tăng trở lại, tạo áp lực tới chính sách tiền tệ của NHNN” - Vị chuyên gia nói.
Thêm một điểm tích cực khá quan trọng đối với việc giảm lãi suất điều hành của NHNN là thanh khoản thị trường đã cải thiện đáng kể, cộng với chính các ngân hàng thương mại đã nỗ lực trong việc giảm lãi suất. Các nhà băng đã cải thiện được tình hình thanh khoản, điều này rất quan trọng trong việc giảm lãi suất và ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát.
Ông Thành cho biết: “Trong thời gian tới, nếu không còn các yếu tố thuận lợi thì NHNN khó có thể tiếp tục hạ lãi suất. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì nên thực hiện giảm lãi suất điều hành, vì nó tác động tích cực đến tâm lý thị trường. Động thái này góp phần hạ lãi suất huy động - cho vay xuống, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp những lúc khó khăn”.
Kiểm soát lạm phát cần tốt hơn nữa
Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc điều chỉnh giảm một loạt lãi suất của NHNN là động thái cực tốt, hành động này đi trước một bước so với dữ liệu lạm phát của tháng 3 tại Việt Nam và kỳ họp sắp tới của NHTW Mỹ.
Vị này nhìn nhận, quyết định này mang tính đón đầu nhưng cũng có rủi ro nhất định nếu lạm phát trong nước không giảm tiếp trong thời gian tới.
Nhưng rủi ro này rất nhỏ, CPI tiếp tục tăng chậm lại và ở dưới mức 4% trong tháng này. Ngược lại, nếu vẫn giữ mức lãi suất cao thì điều kiện tín dụng trong nước sẽ bị siết chặt quá lâu, kết hợp với cầu xuất khẩu bên ngoài yếu dần sẽ dẫn tới những đổ vỡ không thể cứu vãn.
Lãi suất điều khi được giảm sẽ truyền dẫn tới những loại lãi suất khác trong nền kinh tế cùng giảm. Lập tức lãi suất cho vay của các nhà băng đối với một số doanh nghiệp cũng giảm theo sau đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ giảm.
PGS. TS. Phạm Thế Anh nhận định, lãi suất cho vay trung hạn với doanh nghiệp có thể giảm xuống 11% từ mức 13 - 14%. Lãi suất cho vay ngắn hạn có thể giảm nhiều hơn, từ hơn 10% xuống hơn 8%.
Khi lãi suất cho vay giảm thì điều kiện tiếp cận vốn càng dễ hơn, khi đó các doanh nghiệp cũng tìm được nguồn vốn cần thiết để sản xuất kinh doanh, những thị trường tài sản đỡ căng thẳng hơn trước đó.
“Đây là hành động khá phù hợp. Tôi kỳ vọng vào thời gian tới, lạm phát sẽ tiếp tục hạ, thông điệp chính sách của Fed bớt thận trọng thì lãi suất của Việt Nam mới tiếp tục giảm để hỗ trợ được các doanh nghiệp và thị trường” - Ông Thế Anh đánh giá.
Kỳ vọng các nhà băng tiếp tục giảm lãi suất
Sau quyết định của NHNN vào chiều ngày 14/3, đến ngày 15/3 đã có 4 ngân hàng thương mại vốn nhà nước đi đầu bằng việc giảm thêm 0,2% lãi suất huy động với các khoản tiền gửi từ 12 tháng, xuống còn 7,2%.
Vào ngày 6/3, nhóm ngân hàng này cũng đã giảm 0,25/năm tiền gửi kỳ hạn 6 - 12 tháng. Các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng giảm thêm 0,5%. Động thái lần này của NHNN đã khiến nhiều nhà băng cũng phải tính toán lại phương án, cố gắng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay một cách thực chất, tới được tay doanh nghiệp cần hỗ trợ.
Với hơn 30.000 tỷ đồng dư nợ đang cho vay lĩnh vực ưu tiên, Vietcombank lên kế hoạch giảm trực tiếp lãi suất cho những khoản vay mới theo đúng quy định.
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường cho biết: “Sẽ lập tức rà soát, ban hành lại các quy định về những mức lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Khi mặt bằng lãi suất hạ xuống thì sẽ kích cầu tín dụng”.
Không chỉ đối với lĩnh vực ưu tiên, động thái giảm lãi suất của NHNN được nhận định là có thể lan tỏa đến nhiều nhóm ngành khác, kể cả bất động sản, nhất là với những dự án đã có phương án vay vốn khả thi, đáp ứng nhu cầu thực của người dân theo tinh thần Nghị quyết 33 của Chính phủ. Đầu tháng 3, tín dụng tăng khá chậm khi chỉ đạt 1,1%. Nếu mặt bằng lãi suất kéo giảm xuống sẽ kích cầu nhu cầu vốn cho đầu tư, chi tiêu.