Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra quyết định giảm các loại lãi suất điều hành kể từ ngày 15/3. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn vay cũng giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Được biết, đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong năm nay. Giới chuyên gia cho rằng, động thái này là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh các kênh huy động vốn đang bị tắc nghẽn.
Không chỉ các chuyên gia, giới doanh nghiệp cũng khấp khởi mừng thầm trước những động thái này của Ngân hàng Nhà nước. Điều họ quan tâm hơn nữa là các ngân hàng thương mại sẽ nhanh chóng điều chỉnh hạ thấp lãi suất trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đây cũng là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với người dân và doanh nghiệp, nếu lãi suất huy động ngân hàng tiếp tục duy trì 9-10% thì rất khó để người dân chuyển tiền qua kênh đầu tư khác, họ sẽ ưu tiên phân bổ vốn nhàn rỗi vào tiền gửi và tiết kiệm, doanh nghiệp khó huy động vốn cho đầu tư phát triển. Người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và lãi suất hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư khác trên thị trường vốn.
“Không giảm lãi suất sẽ là vấn đề thách thức vô cùng lớn cho thị trường vốn và cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cũng như những cân đối lớn cho các năm tiếp theo”, đại diện một doanh nghiệp về bất động sản nói.
Theo các chuyên gia, quy định này cho phép các ngân hàng vẫn có thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn để thu hút người gửi tiền, đảm bảo tính thanh khoản, nhất là trong bối cảnh áp lực nợ xấu gia tăng. Tín dụng là dòng tiền phải chảy ra và trở về, tuy nhiên nếu rơi vào nợ xấu, dòng tiền này sẽ đi ra mà không quay lại, gây khó khăn cho thanh khoản.
Đánh giá về động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Văn Hảo – Tổng giám đốc công ty Nam Bộ Invest cho biết, đây là một thông tin vui và chắc chắn sẽ tác động tích cực đến nhiều ngành nghề, trong đó có bất động sản. Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành là một bước đi rất hợp lý và kịp thời.
Trong thời gian vừa qua, không chỉ có doanh nghiệp bất động sản mà các doanh nghiệp ở các ngành nghề khác như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn khi khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tắc nghẽn thanh khoản. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước hạ suất điều hành sẽ giúp kích thích lại nền kinh tế từ việc đầu tư sản xuất và tiêu dùng.
Theo ông Hảo, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành chắc chắn sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp bất động sản. Nếu trong trường hợp mức lãi suất ưu đãi này không hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp địa ốc thì cũng tác động đến người mua nhà. Khi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thì người mua nhà sẽ cân nhắc đến việc “xuống tiền” cho các sản phẩm bất động sản, từ đó sẽ giúp cải thiện thanh khoản của thị trường.
Ngoài ra, bất động sản liên quan đến rất nhiều đến các ngành nghề khác. Cho nên, khi các ngành nghề khác dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng thì cả nền kinh tế này chắc chắn sẽ được hưởng lợi ít nhiều. “Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, mức độ tác động ra sao, tích cực đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác. Tôi mong rằng, khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại sẽ sớm có sự điều chỉnh lãi suất cho vay để các doanh nghiệp, người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng”, ông Hảo chia sẻ.
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất cho vay sau động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và những tác động tới thị trường bất động sản.
Chuyên gia Đinh Trọng Thị phân tích, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
“Ngay từ các cuộc họp từ cuối năm 2022, chúng tôi đã có đề xuất về việc Ngân hàng Nhà nước nên hạ lãi suất điều hành. Đến nay là thời điểm, điều kiện thuận lợi bởi các nguyên nhân.
Thứ nhất, đồng Việt Nam tương đối ổn định, cân bằng với đồng đô la Mỹ và có thời điểm đã tăng giá hơn đồng đô la Mỹ.
Thứ hai, lạm phát ở Việt Nam tương đối ổn định. Các khả năng xảy ra trường hợp đột xuất không nhiều. Trong khi đó, lạm phát của thế giới đang cớ xu hướng giảm nhanh. Lạm phát giảm thì giá cả hàng hóa cũng giảm đi, đầu vào sản xuất kinh doanh sẽ ổn định hơn, ít khả năng tăng giá cao, sản xuất kinh doanh trong nước cũng ổn định, xuất nhập khẩu tháng 1-2 tốt, đơn hàng quay trở lại, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đều khả quan.
Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay
Thứ ba, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt. Thời gian vừa qua, khi đồng Việt Nam tăng giá so với đồng đô la Mỹ thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào để tăng dự trữ ngoại hối.
Như vậy, đã đến lúc chúng ta cần giảm lãi suất điều hành để từ đó kéo giảm lãi suất huy động của các ngân hàng và góp phần kéo giảm lãi suất cho vay. Đây cũng là xu hướng ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 này”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này kỳ vọng, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp hạ lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay, tháo gỡ khớ khăn cho hàng ngàn doanh nghiệp và cả khách hàng.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng cho vay bất động sản đang là vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư cũng như người dân. Do đó, động thái giảm lãi suất đợt này đặc biệt hơn rất nhiều, vì lãi suất cho vay giảm nhanh, giảm nhiều và giảm trước so với lãi suất huy động. Tức là ngân hàng đã chấp nhận hy sinh quyền lợi của mình trước, để giúp khơi thông nguồn vốn bất động sản, đặc biệt hỗ trợ người dân có cơ hội mua được cho mình căn nhà để sinh sống.
Đánh giá tác động của việc giảm lãi suất điều hành tới thị trường bất động sản, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh nhận định, thị trường bất động sản và doanh nghiệp, người mua nhà sẽ hưởng lợi. Bởi bản thân các doanh nghiệp đầu tư có nhu cầu và khả năng vay vốn của ngân hàng sẽ được giảm lãi suất, chịu chi phí vốn thấp hơn, khả năng sản xuất kinh doanh tốt hơn, có thanh khoản cao hơn.
Việc vay vốn trên thị trường lãi suất cũng sẽ hạ hơn bởi lãi suất thị trường sẽ đi cùng với lãi suất ngân hàng. Các huy động vốn của họ từ trái phiếu hay nguồn lực khác cũng sẽ bớt áp lực lãi suất hơn. Sẽ có lợi cho hoạt động đầu tư của họ.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, điều hành lãi suất giảm sẽ giúp nguồn vốn chảy vào thị trường bất động sản ấm lên, nhưng ấm tới đâu lại phụ thuộc vào chính doanh nghiệp bất động sản. Bởi ngân hàng hạ lãi suất mà doanh nghiệp không đủ điều kiện vay thì cũng không giải quyết được bài toán. Doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện mình, đáp ứng các điều kiện như không có nợ xấu, có khả năng trả nợ đúng hạn thì mới tiếp cận được nguồn vốn. Như vậy điều quan trọng nhất vẫn nằm trong tay doanh nghiệp.
Có thể nói, trước thông tin lãi suất giảm, trước mắt là lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì lãi suất cao sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là tin vui cho toàn thị trường. Đặc biệt là ngành bất động sản.
Lý do là bởi hiện nay giá vốn đang ở mức rất cao. Nếu lãi suất giảm sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn đồng thời tác động tốt trong việc hạch toán giá thành.
Bàn về nội dung này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội đánh giá, thời gian qua, giá nguyên vật liệu, giá nhân công cao,… cộng với lãi suất cao đã khiến ngành bất động sản không có lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường, hạn chế lao động, thu hẹp kinh doanh,… Những điều này đã tác động rất lớn tới tâm lý chung tới doanh nghiệp, nhà đầu tư và tới cả thị trường. Lần này, việc hạ lãi suất chỉ áp dụng trong ngắn hạn, bằng nội tệ đối các lĩnh vực ưu tiên nên phạm vi ảnh hưởng chưa nhiều. Có thể sau này, khi mặt bằng lãi suất chung có điều kiện giảm thì sẽ có nhiều tác động tích cực hơn với thị trường, doanh nghiệp cũng có thể tìm được nhiều vốn mới với lãi suất hấp dẫn hơn, vừa tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu,…
Tuy nhiên, nhìn chung thị trường, trước tin hạ lãi suất điều hành sẽ giúp điều chỉnh hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đây cũng được coi như làn gió mới giúp chủ doanh nghiệp yên tâm hơn khi đặt vấn đề làm các dự án, giá vốn giảm đi. Giá vốn giảm sẽ giúp giá cả không bị thổi lên.
Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội phân tích thêm, cùng với hàng loạt nỗ lực tháo gỡ về mặt chính sách của Chính phủ thì việc nới room tín dụng và hạ lãi suất điều hành sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Đây là những giải pháp cụ thể để hỗ trợ thị trường.
Nhận định về thị trường bất động sản trong thời gian tới, sau khi có hàng loạt chính sách vĩ mô được áp dụng, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, đến nửa cuối năm 2023 thị trường sẽ hồi phục và phát triển ổn định trở lại. Bởi bản chất thị trường vẫn tốt, sức cầu đang rất lớn, chỉ cần gỡ vướng nhanh các nút thắt.
Ông Nguyễn Thế Điệp phân tích thêm, khi kinh tế khó khăn, việc giảm 1-2% lãi suất cũng là rất quý. Nhưng để nói tới mức kỳ vọng thì giảm 4-5% là lý tưởng nhất. Tuy nhiên, để được giảm như vậy cũng cần có thời gian. Nếu lãi suất giảm sâu thì nền kinh tế Việt Nam cũng như thị trường bất động sản sẽ có những thay đổi rất sâu. Đó là cơ hội cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp phát triển.