TS. Hồ Quốc Tuấn: Nới biên độ tỷ giá lên 5% không quá bất ngờ
BÀI LIÊN QUAN
Dragon Capital: Định giá cổ phiếu đã giảm xuống mức thấp trong lịch sử, NHNN có thể tăng lãi suất vào quý 4 và đầu năm sauLãi suất liên tục tăng khiến người đi vay “thấp thỏm không yên”Lãi suất huy động tăng mạnh với tần suất liên tục, có ngân hàng trả lãi lên tới 8,7%Sáng ngày 17/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay đối với USD/VND từ mức ±3% lên ±5% để có thể chủ động thích ứng trước những diễn biến khó lường của thị trường quốc tế, đồng thời định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) cùng với các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Động thái này của NHNN đồng nghĩa với việc giá trần USD của ngân hàng có thể giao dịch ở mức gần 24.800 VND/USD và kéo mức chênh lệch giữa VND/USD so với thời điểm đầu năm tăng lên đáng kể.
Nới biên độ tỷ giá lên 5% không quá bất ngờ
Chia sẻ về việc này, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) nhận định, đối với những người thường xuyên theo dõi thị trường tiền tệ, động thái này của NHNN là không quá bất ngờ. Điều này đồng nghĩa với việc, biên độ dao động tỷ giá sẽ tăng thêm 2%, kéo theo giá trần USD của ngân hàng có thể giao dịch đạt gần 24.800 VND/USD.
Theo như đánh giá của ông Tuấn, hai thị trường này được đưa ra bởi thị trường đang ở trong trạng thái tỷ giá USD/VND cao nhất trong lịch sử, chưa kể lãi suất ngân hàng cũng đã vượt 9%. Trong bối cảnh dư địa của các loại lãi suất cùng với dự trữ ngoại hối không còn dồi dào, nguồn cung ngoại tệ dù có dấu hiệu thoải mái hơn nhưng sức cầu biến động, có thể còn tiếp diễn trong 3 tháng còn lại. Chính vì thế, NHNN đã quyết định nới biên độ thêm 2%, điều chỉnh tỷ giá là điều phù hợp.
Cũng theo TS. Hồ Quốc Tuấn, động thái của NHNN được coi là phù hợp với chiến lược ổn định nhưng không bất động. Nếu như không bán dự trữ ngoại hối lên đến hơn 20 tỷ đồng như thời điểm vừa qua, VND hoàn toàn có thể bị mất giá giống như yên Nhật hoặc euro. “Tuy nhiên, lựa chọn ổn định không có nghĩa là cố thủ mức tỷ giá hiện tại, mà cần phải điều chỉnh mức thay đổi phù hợp,” ông Tuấn nhìn nhận.
Dư địa tỷ giá của VND có thể kéo thêm vài %
Phân tích về câu chuyện điều hành tỷ giá, theo TS. Hồ Quốc Tuấn NHNN đang giữ vai trò là người cân chỉnh thanh trượt, cân đo đong đếm khi nào thì nên thả những quân bài tối thượng lên bàn. Ông cũng cho rằng, nếu như muốn giữ tỷ giá, điều quan trọng là phải cân nhắc 4 nhân tố cán cân thanh toán chính, bao gồm: cán cân thương mại, kiều hối cùng với những khoản chuyển giao một lần khác, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI và dòng vốn gián tiếp (FII).
Tại Việt Nam, nếu như chỉ tập trung vào lượng dự trữ ngoại hối, đây chỉ là một cái nhìn phiến diện bởi phải cân chỉnh theo đúng kết quả cân bằng vĩ mô ở trên. Nếu như có thể cân bằng sức ép về cán cân thương mại từ dòng vốn FDI, FII tổng thể và kiều hối, sức ép tỷ giá trên thị trường nhiều khả năng sẽ tự thân cân bằng được. Việc can thiệp chỉ là điều chỉnh để thời điểm cũng như kỳ hạn của các dòng tiền vào và ra khớp nhau.
Thời điểm hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiếp tục gia tăng lãi suất để chống lại lạm phát, điều này khiến đồng USD mạnh lên nhưng cũng sắp đến mức cuối cùng mà những chuyên gia dự báo. Kinh tế Mỹ tăng trưởng không mạnh mẽ như dự kiến, sức ép lên Fed sẽ ngày càng gia tăng.
Có thể, lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 6/2023. Điều đáng nói, USD không thể nào mạnh mãi được, chưa kể vị thế đầu tư nhiều tỷ USD đang đổ ngược từ EU và châu Á vào Mỹ trong năm nay có thể đảo chiều. Hiện nay, mức lãi suất đang cách đỉnh dự đoán trung bình khoảng 1,75-2%, tức là không còn quá xa nữa. Tình trạng USD tăng mạnh là do dòng vốn đảo ngược từ nhiều nước về lại Mỹ. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm tới lại bị dự đoán thấp hơn so với một số đối thủ.
Do đó, tốc độ chạy vốn ra khỏi nhiều nền kinh tế khác hoàn toàn có thể dừng lại, đến năm sau có thể đảo chiều và khiến USD không còn quá mạnh mẽ như trước nữa. Hai điều này sẽ giúp cân bằng áp lực lãi suất cũng như tỷ giá như hiện tại. Để gánh cho lãi suất trong giai đoạn cao, dư địa tỷ giá của VND có thể kéo thêm một vài % nữa. Một khi căng thẳng thanh khoản vào cuối năm qua đi, đến đầu năm khi có hạn mức tín dụng mới, điều hành lãi suất và tỷ giá sẽ có thêm nhiều dư địa hơn.
Ông Tuấn cũng cho biết, vấn đề của nền kinh tế hiện nay không phải ở tỷ giá mà là do thanh khoản của nền kinh tế. Bên cạnh đó, áp lực từ USD chỉ là bề nổi còn phần chìm của tảng băng chính là thanh khoản của nền kinh tế khi tăng trưởng cung tiền thấp nhưng hạn mức tín dụng và khả năng phát hành trái phiếu lại chạm trần. Với sức ép từ điều hành tỷ giá, lãi suất tăng cao sẽ còn rất ít dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp.
Chính vì thế, NHNN cần phải cố gắng hài hòa 2 biến số là lãi suất và tỷ giá ở trong tầm khống chế. Nguyên nhân bởi, nếu lãi suất tăng quá mạnh sẽ khiến doanh nghiệp và nền kinh tế “chết yểu”, tỷ giá tăng quá mạnh sẽ nhiều khả năng dẫn đến vòng xoáy kỳ vọng tỷ giá-lạm phát-phá giá. Trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau, áp lực sẽ vô cùng lớn cho đến khi nào lãi suất USD ngừng tăng cùng với chỉ số USD Index quay đầu.
Nhận định về động thái của NHNN, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa (Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia) cũng chỉ ra 2 lý do khiến NHNN quyết định tiến hành điều chỉnh biên độ tỷ giá. Cụ thể, chuyên gia khẳng định lạm phát của Mỹ vẫn đang ở mức cao đặc biệt là vấn đề lạm phát cơ bản. Chính vì thế, nhiều khả năng Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất, kéo theo đồng USD tăng giá và các đồng tiền khác bị trượt giá so với USD, bao gồm cả VND.
“Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã bị mất giá mạnh so với USD. Cụ thể, yen Nhật mất giá khoảng 40%, euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%, NDT của Trung Quốc mất giá khoảng 8%. VND là một trong số ít những đồng tiền mất giá ít nhất, khoảng 4,5%”, TS. Nghĩa thông tin. Vì thế, trong bối cảnh áp lực vẫn còn lớn từ việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, NHNN cần phải linh hoạt đối với cả tỷ giá hối đoái và lãi suất.
Ông Nghĩa cũng bổ sung, nguyên nhân thứ hai có thể do sức ép từ cán cân vãng lai. Cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, thế nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn và cán cân tài chính vẫn đang trong trạng thái yếu. Do đó, động thái điều chỉnh biên độ của NHNN mang lại hai lợi ích. Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ có khung mua bán rộng hơn, đáp ứng mức độ biến động tỷ giá trên thị trường. Thứ hai, NHNN sẽ giảm được tần suất can thiệp cùng với bán ra nhiều ngoại tệ.