TS. Cấn Văn Lực: Rất nhiều hồ sơ vay vốn đang xếp hàng chờ, dòng tiền sẽ không đi vào những kênh đầu cơ
BÀI LIÊN QUAN
TS. Cấn Văn Lực: Thị trường BĐS suy giảm để bước vào giai đoạn phát triển lành mạnhTS. Cấn Văn Lực: Nhà đầu tư nhiều khi phải chấp nhận “thà cắt lỗ còn hơn mất hết”TS. Cấn Văn Lực: Lãi suất không thể và không nên tăng nhanh, mạnh trong thời gian tới bởi sẽ “đè ép” doanh nghiệpMới đây, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã tham gia Chương trình Land show do VTV thực hiện. Trong chương trình này, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, thời điểm hiện tại thị trường bất động sản đang có 3 thách thức lớn, bao gồm: Thị trường đang điều chỉnh rất mạnh sau hơn 2 năm tăng giá tương đối “nóng bỏng”, vấn đề pháp lý vẫn chưa được xử lý một cách quyết liệt và cuối cùng là vấn đề về nguồn vốn.
Phía chuyên gia cho biết, dòng vốn tín dụng đã tăng lên rất nhanh trong đầu năm nay, nhưng đến khoảng quý 3 vừa qua, khi Ngân hàng Nhà nước tạm thắt chặt lại do những lo ngại về vấn đề lạm phát và những vấn đề về thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý, động thái của Ngân hàng Nhà nước cũng tạo tín hiệu quan trọng nhằm thúc đẩy những kênh dẫn vốn khác tích cực hơn, điển hình như đầu tư công và vốn đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp người mua nhà đã phải xếp hàng hồ sơ tín dụng để chờ ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới, vì thế mà những doanh nghiệp bất động sản cũng không thể nào thu được nguồn tiền. Chính vì thế, việc nới room tín dụng cùng với những biện pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ cũng được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn ban đầu cho thị trường bất động sản.
Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, tình trạng người mua nhà xếp hồ sơ chờ vay vốn nhưng lại không vay được do hết room tín dụng vào thời điểm hiện tại đang khá phổ biến. Thậm chí, có nhiều trường hợp người dân mua nhà để ở, phục vụ nhu cầu thực và đã nộp 70-80% giá trị hợp đồng nhà. Họ chỉ còn thiếu 20-30% nữa là có thể nhận nhà nhưng lại rơi đúng vào thời điểm ngân hàng hết hạn mức giải ngân. Thế nên, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn trong khi doanh nghiệp cũng không thể thu được nguồn tiền.
Chưa kể, nhiều dự án dang dở đang rất cần nguồn vốn để có thể hoàn thiện, trong khi các doanh nghiệp cũng có những kiến nghị với ngân hàng về việc xem xét giải ngân cho những dự án sắp hoàn thiện, có tính hiệu quả và cũng hướng đến người dùng có nhu cầu nhà ở thật. Chính vì thế, việc nới room tín dụng và cấp tín dụng cho người mua nhà được kỳ vọng sẽ giúp “tan băng” phần nào cho thị trường bất động sản.
Không có thời gian để dòng tiền có thể đi vào những kênh đầu cơ
Quyết định điều trình tăng trưởng tín dụng năm 2022 thêm 1,5% cho đến 2% đối với toàn hệ thống tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 5/12 vừa qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo như tính toán, sẽ có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng sẽ được “bơm” thêm vào thị trường vốn.
Nhận định về quyết định điều chỉnh tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, động thái này xảy ra là do 3 lý do. Thứ nhất, tình hình bên ngoài đã tương đối ổn định, trong khi lạm phát, lãi suất cùng với tỷ giá trên toàn cầu đã giảm nhiệt đáng kể. Kể từ tháng 8 năm nay, lạm phát Mỹ đã qua đỉnh, trong khi lạm phát tại châu u đã qua đỉnh vào tháng 10 vừa qua. Do đó, tốc độ tăng lãi suất đang bắt đầu giảm xuống, đồng thời áp lực mất giá VNĐ cũng đã giảm trong tháng 11 năm nay.
Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đã được cải thiện đáng kể. Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đã tăng 12.2% trong khi huy động vốn tăng khoảng 5,5%, so với những tháng trước đã tăng lên một chút. Do đó, người dân cũng đã quay trở lại gửi tiền ngân hàng nhiều hơn.
Chưa kể, nhu cầu vốn thời điểm hiện tại đang lớn để có thể đáp ứng các vấn đề về thanh khoản và vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nguồn vốn cho những khoản nợ sắp sửa đáo hạn. Cũng theo những chuyên gia này, dòng vốn trong năm nay cũng đã bị đọng nhiều hơn.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực: “Động thái điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước lần này là phù hợp và đáp ứng phần nào nhu cầu vốn của doanh nghiệp thời điểm cuối năm và đầu năm sau”. Cũng theo nhận định của chuyên gia, dòng vốn lần này đã đi vào sản xuất kinh doanh, trong đó với bất động sản là tương đối nhanh do số lượng hồ sơ đã chờ sẵn. Điều đáng nói, những hồ sơ đang chờ đợi được giải ngân đều đã được ngân hàng rà soát vô cùng kỹ lưỡng trong thời gian qua. Đồng thời, những hồ sơ này phải đảm bảo tính pháp lý và đáp ứng đúng nhu cầu thực.
TS. Cấn Văn Lực nhận định, với những chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, cùng với những kinh nghiệm trong thời gian qua sẽ giúp cho các ngân hàng biết được phải nên làm thế nào. Theo vị chuyên gia này, không cần phải lo lắng về việc dòng tiền sẽ đi vào những kênh đầu cơ bởi thực tế sẽ không có thời gian để làm chuyện đó.
Đồng thời, ông Lực cũng nhắc lại thời điểm năm 2013, Nhà nước đã có gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng cho bất động sản. Tuy nhiên, thị trường này đã nhanh chóng bứt phá, tạo ra niềm tin cho người dân và cả thị trường, giúp cho các doanh nghiệp quyết định đầu tư trở lại.
Vị chuyên gia giả định, vốn tín dụng cho bất động sản bình quân là 20% sẽ có 40.000 tỷ đồng có thể giải ngân cho thị trường bất động sản đến từ việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Ông cũng bổ sung, thị trường bất động sản thời điểm hiện tại mới đang điều chỉnh chứ không rơi vào suy thoái.
Mới ngày 6/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiến hành chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 cũng như đầu năm 2023.
Đối với chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả; có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; đồng thời rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng cũng cần phát huy tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng cho năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% đối với toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.