Trung Quốc “thắt chặt” bất động sản khiến các tỷ phú địa ốc thiệt hại 65 tỷ USD, mất tới 90% tài sản
Theo Nhịp sống kinh tế, tỷ phú bất động sản Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) đã chia sẻ tại một sự kiện từ thiện nổi tiếng năm 2018 rằng mình từng ăn khoai lang để sống qua ngày tại quê nhà, và đã trải qua một tuổi thơ cơ cực.
Hiện tại, Chủ tịch China Evergrande đang ở thời kỳ hoàng kim với khối tài sản 40 tỷ USD. Đã có lúc, ông soán ngôi của Jack Ma - người giàu nhất Trung Quốc. Không ít tỷ phú bất động sản trong năm đó đã đam mê kể về những câu chuyện vượt khó và làm giàu như vị doanh nhân.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Bloomberg đưa tin rằng các tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc đã rơi vào tình cảnh lao đao khi chiến dịch hạ nhiệt giá nhà kéo dài hàng năm trời. Tại Trung Quốc, giá nhà đã lao dốc trong 11 tháng liên tiếp, những đại gia bất động sản hàng đầu đã mất đi 65 tỷ USD.
Cuộc chấn chỉnh này dường như là một báo hiệu trong tương lai rằng số lượng tỷ phú bất động sản tại Trung Quốc sẽ giảm đi. Theo một số chuyên gia, ngành bất động sản nước này đã trải qua thời kỳ hoàng kim và đây không còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nữa. Đó đã là quá khứ.
Bất động sản và các lĩnh vực liên quan trước đây tại Trung Quốc từng chiếm gần 30% GDP nước này, tạo ra những tỷ phú như Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) – Chủ tịch tập đoàn Vạn Đạt.
Bất động sản cũng chiếm tới 60% tài sản của hộ gia đình tại quốc gia tỷ dân. Trong 20 năm qua, đầu tư vào bất động sản là cách làm giàu và đảm bảo tài chính chắc chắn nhất. Suốt từ đầu những năm 2000, giá nhà tại Trung Quốc đã tăng không ngừng, qua đó thúc đẩy càng nhiều người đầu cơ.
Nhờ vay nợ và thậm chí là gọi vốn từ những nguồn tiền khổng lồ bên ngoài Trung Quốc, nhiều nhà phát triển bất động sản đã vươn lên mạnh mẽ. Những nhà đầu tư toàn cầu có lợi nhuận cao đã mua trái phiếu lãi suất cao của ngành bất động sản Trung Quốc. Hệ thống tài chính đang gặp những rủi ro đáng kể do vấn đề nợ nần chồng chất.
Tất cả những yếu tố này đều tăng, tỷ lệ thuận cùng với khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc.
Trên thực tế, kể từ năm 2016, Bắc Kinh đã chú ý tới ngành bất động sản. Lúc đó, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng “Nhà không phải để đầu cơ, mà được xây dựng để ở”. Sang năm 2020, ngành này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định mới.
Một trong những quy định đó là “3 lằn ranh đỏ” nhằm hạn chế khoản vay của các nhà phát triển bất động sản. Công ty đó sẽ không được phép vay thêm tiền của ngân hàng nếu vượt cả 3 lăn ranh đỏ.
Do quy định mới mà các tập đoàn bất động sản Trung Quốc lao đao. Năm ngoái, Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn rơi vào cảnh vỡ nợ, khoản nợ lên tới 300 tỷ USD.
Tính từ năm ngoái, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã vỡ nợ ít nhất 18 tỷ USD trái phiếu bằng đồng USD và khoảng 2,5 tỷ USD trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ.
Theo Bloomberg, trong tháng trước, doanh số của các nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã lao dốc mạnh.
Tài sản của các tỷ phú ngành bất động sản đã bốc hơi nhanh chưa từng thấy trong lịch sử. Khối tài sản của ông Vương Kiện Lâm giảm 61% giá trị so với cuối năm 2019. Hay tài sản của ông Sun Hongbin – nhà sáng lập Sunac China Holdings đã bị mất đi 90%.
Còn ông Hứa Gia Ấn đã mất gần 24 tỷ USD, hiện ông sở hữu khối tài sản trị giá 6,2 tỷ USD. Năm ngoái, Bắc Kinh đã thúc giục ông chi tiền túi để giải quyết vấn đề khủng hoảng của tập đoàn Evergrande.