Trái phiếu bất động sản phát hành mới đã đóng băng trong tháng 7
BÀI LIÊN QUAN
Room tín dụng được nới lỏng: Giảm áp lực tiền vay trái phiếu của doanh nghiệp BĐSIFC dự kiến đầu tư 600 tỷ đồng vào BaF Việt Nam thông qua trái phiếu chuyển đổiThị trường trái phiếu doanh nghiệp: Đâu là giải pháp phát triển bền vững?Theo số liệu từ hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) ghi nhận, dựa trên các công bố từ trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tính đến 29/7 có 28 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được công bố với tổng giá trị là 18.661 tỷ đồng.
Trong đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ yếu trong tháng 7 vẫn đến từ các ngân hàng thương mại với tổng giá trị là 15.058 tỷ đồng (chiếm 81% tổng giá trị phát hành). Cụ thể, ngân hàng đứng đầu là BIDV với khối lượng phát hành là 4.494 tỷ đồng, tiếp theo là MBBank với 3.000 tỷ đồng.
Tiếp đến nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai đã phát hành 2.225 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với mức lãi suất trung bình 6,7%/năm. Trong đó có Công ty Tài chính cổ phần Điện lực với 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh kỳ hạn 10 năm chiếm phần lớn.
Điều đặc biệt là trong tháng 7, theo thống kê từ VBMA, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ là Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An với giá trị phát hành là 210 tỷ đồng và lãi suất 11%/năm.
Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái giá trị phát hành đạt 10.832 nghìn tỷ đồng thì trong tháng 7 năm nay giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của nhóm ngành bất động sản đã giảm tới 98%.
Số liệu tính chung trong 7 tháng đầu năm 2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Tập đoàn Vingroup với trị giá 625 triệu USD, 17 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 8.996 tỷ đồng và 298 đợt phát hành riêng lẻ có trị giá 191.279 tỷ đồng.
Trước đó, do ảnh hưởng từ sự kiện hủy 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào hồi tháng 4, hoạt động phát hành trái phiếu đã phải tạm dừng. Sau đó vào tháng 5 và 6 các doanh nghiệp bất động sản đã hoạt động trở lại trên kênh này để huy động hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên thị trường lại gần như vắng bóng trái phiếu bất động sản phát hành mới trong tháng 7 vừa qua.
Theo các chuyên gia, trong cơ cấu vốn triển khai các dự án của doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu vẫn là dòng vốn chiếm tỷ lệ lớn. Nhất là trong bối cảnh tín dụng ngân hàng đang bị kiểm soát một cách chặt chẽ. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên lộ trình vào cuối năm nay về việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng.
Bộ Tài chính đã đề xuất tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu với mục đích vừa giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, vừa khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn trái phiếu một cách minh bạch, rõ ràng, lành mạnh. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan có liên quan trước ngày 31/7 phải báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.