TP. Hồ Chí Minh: Người dân đổ xô đi làm thủ tục đất đai trước "giờ G"
BÀI LIÊN QUAN
Các địa phương chưa bài bản trong quy hoạch nhà ở đã tạo điều kiện cho đầu cơChuyên gia: Hợp tác khu vực công và tư để phát triển nhà ở vừa túi tiềnTham khảo 5 lưu ý quan trọng trước khi xây, sửa nhà ở có người lớn tuổi sống chungTP.HCM dự kiến ban hành bảng giá đất mới trước ngày 15/10, điều này nhiều người dân tại các quận, huyện, đặc biệt là ở TP.Thủ Đức và huyện Củ Chi cho biết phải gấp rút chuẩn bị và nộp hồ sơ trước thời điểm này, nhất là những trường hợp chuyển mục đích và các hộ dân còn nợ tiền sử dụng đất từ Nhà nước.
Người dân gấp rút làm thủ tục vì lo số tiền phải nộp tăng cao
Trong khoảng hơn nửa tháng trở lại đây, cảnh tượng đông đúc tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của nhiều quận, huyện, TP Thủ Đức đã không còn lạ lẫm. Theo đó, nhiều người dân có mặt từ sáng sớm, bốc số thứ tự và xếp hàng chờ nộp hồ sơ nhà đất. Bên ngoài, từ ghế đá cho đến quán cà phê trong khuôn viên đều chật kín người.
Ông Nguyễn Viết Thuận (huyện Củ Chi) cho biết, trong những ngày qua, ông đã phải tất bật chuẩn bị thủ tục từ UBND xã đến UBND huyện để xin xác nhận, nộp hồ sơ và đóng thuế nhằm mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư cho mảnh đất 172m2 của mình.
Ông Thuận chia sẻ thêm, giá đất của khu vực hiện nay đang ở mức 1 triệu đồng/m2 nhưng dự thảo bảng giá mới của thành phố là 3,4 triệu đồng/m2. Do đó, ông và nhiều người khác đã phải vay mượn từ gia đình, bạn bè, thậm chỉ ngân hàng để đóng tiền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng.
Tương tự, bà Thúy Vy (quận Tân Phú) cũng cho biết, để kịp nộp tiền theo mức giá hiện tại cho khu đất 1.000m2 của gia đình, bà đã thuê dịch vụ và nhờ các mối quan hệ để nộp hồ sơ trước ngày 15/10. Bởi lẽ, đây là khu đất thương mại dịch nên nên khi thành phố công bố dự thảo bảng giá đất mới sẽ kéo theo nghĩa vụ tài chính ở mức cao, khi hồ sơ được chuyển sang Chi cục Thuế quận “mới yên tâm phần nào”.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc TP.HCM ban hành bảng giá đất mới là một bước đi tất yếu nhằm điều chỉnh và cập nhật giá đất cho phù hợp với thực tế thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc chi phí tài chính cho các giao dịch liên quan đến đất đai sẽ tăng, tạo ra áp lực không nhỏ đối với người dân và doanh nghiệp.
Các chuyên gia đề đưa ra dự báo sẽ có nhiều thay đổi trên thị trường bất động sản khi bảng giá đất mới chính thức có hiệu lực. Do vậy, cần có thêm các chính sách hỗ trợ về tài chính và cải thiện thủ tục hành chính để đảm bảo thị trường phát triển bền vững trong tương lai.
Người dân có thể “thở phào”?
Tại Hội nghị triển khai các nghị định thi hành Luật Đất đai 2024 của TP.HCM, ông Đào Trung Chính – Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, bảng giá đất sẽ ngày càng tiệm cận giá thị trường theo quy định.
Hiện, TP.HCM đang thực hiện lộ trình điều chỉnh bảng giá đất theo chiều hướng tăng lên, đặt ra yêu cầu giải quyết vấn đề liên quan đến tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức. Theo đó, đơn giá thuê đất được tính theo tỷ lệ phần trăm (từ 0,25% - 3%) nhân với bảng giá đất và luật pháp cho phép UBND tỉnh, thành phố quy định tỷ lệ phần trăm phù hợp với thực tế địa phương trong khoảng này.
Cũng theo ông Chính, trong một dự án thuê đất, có thể có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, do đó cần xác định từng hệ số cho từng mục đích cụ thể. Một dự án có thể có nhiều hệ số và tỉ lệ phần trăm khác nhau để xác định tiền thuê đất. Ngoài ra, ông Chính đề cập đến một khó khăn khác mà người dân gặp phải khi giá đất tăng, đó là việc tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức.
Theo quy định, tiền chuyển mục đích sử dụng đất được tính bằng chênh lệch giá trị đất trước và sau khi chuyển mục đích. Bộ đã đề xuất phương án miễn, giảm tiền chuyển mục đích, và Thủ tướng sẽ đưa ra quyết định sau khi xin ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng và sửa đổi các quy định về vấn đề này trong nghị định.
Đồng thời, ông Chính cũng đề nghị TP.HCM nghiên cứu và góp ý để nghị định này được hoàn thiện, nhằm đảm bảo việc điều chỉnh bảng giá đất không khiến tiền sử dụng đất và tiền thuê đất mà người dân và doanh nghiệp phải nộp tăng quá cao.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, việc Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn so với dự kiến ban đầu là một cơ hội nhưng cũng mang lại nhiều thách thức cho các địa phương trong việc triển khai, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh, thành phố. Thực tế, dù Luật Đất đai và các nghị định, thông tư hướng dẫn đã được ban hành, việc áp dụng thực tế vẫn gặp nhiều vướng mắc.