TP Hồ Chí Minh kiến nghị gỡ vướng cho kinh doanh xăng dầu
BÀI LIÊN QUAN
Sửa Nghị định 95 kinh doanh xăng dầu: Làm rõ những quy định bất hợp lýCơn khát xăng dầu vẫn chưa được giảiThủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộTheo tienphong.vn, ngày 21/11, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, bà Phan Thị Thắng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đưa ra một loạt kiến nghị nhằm gỡ khó cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh kiến nghị các giải pháp điều hành giá xăng dầu phù hợp với tình hình thực tế của thị trường. Đồng thời, địa phương này đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu chỉ còn 3-5 ngày so với quy định điều chỉnh giá 10 ngày như hiện nay đang áp dụng.
Văn bản của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh nêu, hiện nay nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn. Đã xuất hiện tình trạng khan hiếm và bất ổn trong kinh doanh xăng dâu. Thành phố cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng vào các ngày 1,11 và 21 hàng tháng và không lùi sang ngày làm việc tiếp theo nếu vào ngày nghỉ lễ đã bộc lộ bất cập. Điều này làm ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân cũng như doanh nghiệp.
Ngay từ đầu tháng 10, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện tình trạng bán hàng nhỏ giọt, thiếu xăng dầu. Nguyên nhân là do các thương nhân không nhập hàng do thua lỗ. Có thời điểm trung bình mỗi ngày trên toàn thành phố có từ 9-20% cửa hàng bán lẻ dừng hoạt động do tạm thời thiếu xăng.
Từ thực tế đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho rằng cần phải có giải pháp để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thị trường. Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất giải pháp với Chính phủ rút ngắn thời gian kỳ điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 3-5 ngày để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đề xuất với Thủ tướng, trong các trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính được chủ động quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp.
Đối với chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức, thành phố cho biết, hiện nay giá sản phẩm tăng cao do ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thế giới. Chênh lệch giá trong nước và quốc tế cũng như chi phí từ nhà máy lọc dầu về đến cảng đã tăng cao. Thành phố đưa ra đề xuất điều chỉnh mức áp dụng đã có từ năm 2014, bởi định mức này hiện đã không còn phù hợp với thực tế. Kiến nghị này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất nâng tỉ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu để tính giá cơ sở.
Về các cửa hàng bán lẻ, thành phố kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chia sẻ nguồn lợi nhuận cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Riêng với chiết khấu, thành phố đề nghị duy trì mức tối thiểu là 500 đồng/lít.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định để cứu các doanh nghiệp đang khó khăn như hiện nay.
Trước đó, tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh gây khó khăn cho người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình này, ngày 29/10/2022, tại cuộc họp với các bộ ngành có liên quan gồm: Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội xăng dầu và một số các doanh nghiệp đầu mối lớn, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo thực hiện các giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu. Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại cuộc họp, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh các quy định về chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các chi phí khác về định mức lợi nhuận, chi phí kinh doanh định mức… Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn, lãi suất vay ưu đãi, ngoại tệ để giúp doanh nghiệp đầu mới có nguồn lực nhập khẩu, mua xăng dầu…