Tình hình kinh tế của 3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào 2030 đang ra sao?
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường đất nền tại các điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh đã qua cơn sốt: Giá và mức độ quan tâm đều giảmĐầu tư bất động sản ở Khánh Hòa thời điểm này, nên hay không?Bất động sản Khánh Hòa: Nơi lặng sóng, chỗ khởi sắcThừa Thiên Huế
Theo vneconomy.vn, báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tổng sản phẩm của tỉnh này theo giá so sánh năm 2010 trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,04% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, đây là con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế cả nước mới bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19.
Đi cùng với kết quả tăng trưởng đó, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh này cũng đạt hơn 9.100 tỷ đồng, vượt 32,7% dự toán và tăng 17,6% so với cùng kỳ của năm 2021.
Trong tổng thu ngân sách của Thừa Thiên Huế 9 tháng đầu năm, thu nội địa chiếm phần lớn với hơn 8.600 tỷ đồng (vượt dự toán 34,6%, tăng 19,2% so với cùng kỳ 2021). Hoạt động xuất, nhập khẩu cũng mang về cho tỉnh nguồn thu 470 tỷ đồng (vượt dự toán 2,2% và tăng 15% so với cùng kỳ 2021). Các khoản viện trợ, huy động đóng góp đem về 30 tỷ đồng và cũng vượt dự toán 2,7 lần nhưng lại giảm 74,2% so với cùng kỳ do ảnh hưởng khó khăn từ đại dịch.
Chi ngân sách địa phương ước đạt 7.783 tỷ đồng, bằng 65,3% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 2.579 tỷ đồng, bằng 61% dự toán, chi thường xuyên 5.140 tỷ đồng, bằng 69,7% dự toán.
Về tình hình thu hút đầu tư, báo cáo cho biết, tính đến 21/9/2022, địa phương đã cấp phép cho 24 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 12.189,4 tỷ đồng (gồm 4 dự án FDI vốn đăng ký 257,17 triệu USD, tương đương 5.286,71 tỷ đồng). Trong đó, địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp cấp 9 dự án với tổng vốn đầu tư 2.970 tỷ đồng. Đã cấp điều chỉnh cho 16 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn đầu tư 5 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 521,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 7 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 3.523 tỷ đồng.
Theo mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thừa Thiên Huế sẽ lấy nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh là động lực và phương hướng phát triển.
Khánh Hòa
Theo Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh - GRDP (theo giá so sánh 2010) 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 39.639,5 tỷ đồng, tăng 20,48% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, trong đó GRDP phân theo ngành kinh tế tăng 22,08% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,41%.
Trong tổng mức tăng 20,48% của toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,34%, làm tăng 0,18 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 25,23%, làm tăng 7,66 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 26,19%, làm tăng 11,83 điểm phần trăm.
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2022 tăng 23,23% so cùng kỳ năm. Trong khi đó, chi ngân sách Nhà nước địa phương tăng 5,41%.
Về đầu tư phát triển, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển theo giá hiện hành ước được 41.102,6 tỷ đồng, bằng 66,32% kế hoạch và tăng 14,13% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực vốn Nhà nước 10.352,1 tỷ đồng, chiếm 25,18% tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh và tăng 6,93% (vốn Trung ương quản lý 4.704,43 tỷ đồng; vốn địa phương quản lý 5.647,67 tỷ đồng tăng lần lượt là 7,18% và 6,72%); khu vực vốn ngoài Nhà nước 25.930,24 tỷ đồng, chiếm 63,09% và tăng 15,36%; khu vực có vốn đầu nước ngoài 4.820,26 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết 42/NQ-CP (Chính phủ ban hành ngày 21/3), đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế…
Bắc Ninh
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê Bắc Ninh cho biết, trong quý 3/2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 2,55%. Trong 9 tháng năm 2022 (theo giá so sánh 2010), GRDP của tỉnh ước đạt 100.760 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất trong 9 tháng đầu năm kể từ năm 2019 đến nay.
Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) giảm 0,01%; công nghiệp - xây dựng (CN-XD) tăng 8,92%, đóng góp 6,7 điểm phần trăm (riêng ngành công nghiệp tăng 9,64%, đóng góp 6,89 điểm phần trăm); các ngành dịch vụ tăng 16,5%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm và thuế sản phẩm tăng 2,32%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Về thu ngân sách Nhà nước, thời gian qua mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch, tuy nhiên tốc độ thu ngân sách đang có chiều hướng giảm. Nguyên nhân là bởi chính sách gia hạn thời gian nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cũng như tiền thuê đất.
Do đó, 9 tháng đầu năm nay, Bắc Ninh mới chỉ thu ngân sách đạt 69,4%, giảm 5,5% so với cùng kỳ 2021. Về chi ngân sách Nhà nước cũng chỉ đạt 56,8%, giảm 18% so với cùng kỳ của năm ngoái.
Tính đến hết tháng 9/2022, thu hút vốn đầu tư FDI của Bắc Ninh giảm 12 dự án (tổng cộng là 85 dự án) so với cùng kỳ 2021. Tổng số vốn đăng ký mới đạt 169,5 triệu USD. Con số này giảm hơn 352 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tính riêng tháng 9, Bắc Ninh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 17 dự án, tổng vốn đầu tư là hơn 21 triệu USD. 8 dự án có sự điều chỉnh vốn theo chiều hướng giảm (tổng cộng giảm 10,65 triệu USD). Tỉnh cũng đã ra quyết định thu hồi 3 dự án với tổng vốn 8,95 triệu USD và ra 4 thông báo chấp thuận cho góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn với tổng giá trị 890.000 USD.
Theo Quyết định số 241/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Là một trong ba tỉnh nằm trong diện lên thành phố trực thuộc Trung ương nhưng trong các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hiện Bắc Ninh còn thiếu 2 tiêu chí. Khó khăn nhất đó là tiêu chí về diện tích tự nhiên khi tỉnh này chỉ có diện tích 800km2. Trong khi đó, tiêu chuẩn đối với thành phố trực thuộc Trung ương là 1.500km2.