Gạch không nung là gì? Ưu điểm & ứng dụng của gạch không nung
BÀI LIÊN QUAN
Tìm hiểu về loại gạch nung và gạch không nungTìm hiểu về ưu nhược điểm của gạch không nungQuy trình sản xuất gạch không nung đạt chuẩn bạn nên biếtGạch không nung là gì?
Gạch không nung là một loại gạch xây dựng, sau khi được tạo hình thì tự đóng rắn đạt các chỉ số về cơ học gồm: Cường độ nén, uốn và độ hút nước... mà không phải qua nhiệt độ. Độ bền của viên gạch không nung được gia tăng nhờ vào lực ép/rung hoặc cả ép lẫn rung lên viên gạch và thành phần kết dính của chúng.
Về bản chất trong sự liên kết tạo hình, gạch không nung khác hẳn gạch đất nung. Trong quá trình sử dụng gạch không nung, do các phản ứng hoá đá của nó trong hỗn hợp tạo gạch sẽ tăng dần độ bền của viên gạch theo thời gian. Tất cả các tổng kết và thử nghiệm đã được cấp giấy chứng nhận về: Độ bền, độ rắn viên gạch không nung tốt hơn gạch đất sét nung và đã được kiểm chứng tại nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản,...
Gạch không nung còn được gọi là gạch block, gạch block, gạch bê tông, gạch block bê tông, gạch xi măng,... tuy nhiên với các cách gọi này thì không phản ánh đầy đủ khái niệm về gạch không nung. Sản phẩm gạch không nung có nhiều nhiều kích thước, chủng loại trên một loại gạch để có thể sử dụng rộng rãi từ các công trình phụ trợ nhỏ cho đến các công trình kiến trúc cao tầng, giá thành phù hợp. Có nhiều loại dùng để xây tường, lát nền, kề đê hay trang trí.
Hiện nay, gạch không nung đã khẳng định chỗ đứng vững chắc trong những công trình, dòng gạch này đang dần trở nên phổ biến hơn và được ưu tiên phát triển.
Ưu điểm của gạch không nung
So sánh về hiệu quả kinh tế kỹ thuật sản xuất và sử dụng, sản phẩm gạch không nung có nhiều tính chất vượt trội hơn vật liệu nung. Đó là:
- Không dùng nguyên liệu là đất sét để sản xuất. Đất sét chủ yếu được khai thác từ đất nông nghiệp, việc sử dụng đất sét sản xuất gạch sẽ làm giảm diện tích sản xuất cây lương thực, đây đang là mối đe dọa mang tính toàn cầu hiện nay.
- Không dùng các nhiên liệu như than, củi.. để đốt. Điều này sẽ tiết kiệm nhiên liệu năng lượng, và không thải khói bụi gây ra ô nhiễm môi trường.
- Sản phẩm gạch có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt phòng hoả, chống thấm, chống nước tốt, kích thước chuẩn xác, quy cách hoàn hảo hơn do với vật liệu nung.
- Nguyên vật liệu để sản xuất gạch không nung hết sức phong phú và có sẵn trong nước như mạt đá, cát vàng, xi măng, v.v... Có thể tạo đa dạng loại hình sản phẩm với nhiều màu sắc khác nhau, kích thước khác nhau, thích ứng tính đa dạng trong xây dựng, giúp nâng cao hiệu quả kiến trúc.
- Được sản xuất từ công nghệ và thiết bị tiên tiến của quốc tế, nó có các giải pháp khống chế và đảm bảo chất lượng sản phẩm hoàn thiện, quy cách sản phẩm chuẩn xác. Có hiệu quả trong xây dựng rõ ràng, phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam được bộ xây dựng công bố.
- Vốn đầu tư một dây chuyền sản xuất gạch không nung thấp. Nếu so sánh đầu tư một nhà máy gạch nung và một nhà máy gạch không nung cùng công suất thì chi phí đầu tư của một nhà máy gạch không nung chỉ bằng ¼ so với nhà máy gạch nung.
Nhược điểm Gạch Không Nung
Bên cạnh các ưu điểm ở trên thì gạch không nung cũng có một vài nhược điểm:
Gạch không nung sử dụng cát, đá làm nguyên liệu dẫn đến nhu cầu khai thác cát, đá tăng cao.
Tuy trong quá trình sản xuất và thi công ít gây ô nhiễm môi trường, nhưng sử dụng rất nhiều nguyên liệu thứ phẩm gây ô nhiễm như xi măng hay bột nhôm…
Ứng dụng của gạch không nung
Không phải ngẫu nhiên mà gạch không nung được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia phát triển. Những lợi ích mà nó mang lại không chỉ góp phần tạo sản phẩm bền vững, đẹp mà còn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế. Dưới đây là một trong các ứng dụng cụ thể của gạch không nung.
– Gạch không nung được dùng cho các công trình dân dụng như: Nhà ở, biệt thự, nhà phố cũng như các công trình dân dụng nhỏ.
– Công trình công cộng: Gạch không nung đang dần chiếm lĩnh ở thị trường này, các công trình lớn, tòa nhà, cao ốc, cầu cống, đường sá hay những công trình trường học, bệnh viện, nhà máy.
– Công trình tư nhân: Với đặc tính cách âm, cách nhiệt tốt, gạch không nung được sử dụng rất nhiều trong các nhà máy, công trình sản xuất lớn.
Vật liệu gạch không nung đã và đang được đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng của nhiều công trình xây dựng từ dân dụng đến dự án lớn, cao ốc, nhà máy ở cả thành thị và nông thôn. Vì vậy nó đang được ưu tiên phát triển và dự kiến sẽ dần dần thay thế cho hoàn toàn vật liệu gạch nung truyền thống trên thị trường vật liệu xây dựng ở các công trình.
Ưu điểm của gạch không nung so với gạch nung trong xây nhà cao ốc và kho tàng
- Cường độ chịu lực của gạch không nung có thể đáp ứng dựa theo nhu cầu sử dụng. Đây là đặc tính mà gạch nung không thể có. Đối với các vị trí yêu cầu cường độ rất cao (từ 300 – 400kG/cm2) thì gạch nung không đáp ứng được. Đối với các vị trí yêu cầu cường độ thấp (chỉ mang tính chất tường ngăn) thì cho phép giảm lượng xi măng phối liệu để đảm bảo giá thành vừa phải và tránh lãng phí.
- Gạch không nung có khả năng cách âm, cách nhiệt và chống thấm cao. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào kết cấu của viên gạch và cấp phối vữa bê tông.
- Kích thước viên gạch không nung lớn hơn nhiều so với gạch nung (gấp 5 - 11 lần thể tích viên gạch nung), cho phép giảm chi phí nhân công và đạt được tiến độ nhanh hơn cho các công trình xây dựng. Ngoài ra lượng vữa dùng để xây tường bằng gạch không nung và trát giảm đến 2,5 lần so với gạch đất nung.
- Có thể tiết kiệm được cốp pha trong quá trình xây dựng nhà, giúp đơn giản hoá được một số khâu trong quá trình xây dựng.
- Nếu có chất độn nhẹ (ví dụ như sỏi keramzit, đá basalt nhẹ, than xỉ...) thì trọng lượng của viên gạch giảm đáng kể.
- Đa dạng về chủng loại, màu sắc, kích thước đồng đều và có tính thẩm mỹ cao.
Một số loại gạch không nung đang sử dụng hiện nay
Gạch papanh
Đây là gạch không nung được sản xuất từ phế thải công nghiệp: Xỉ than, vôi bột đã được sử dụng lâu đời ở nước ta. Gạch có cường độ thấp từ 30–50kg/cm2 chủ yếu dùng cho những loại tường ít chịu lực.
Gạch Block (hay là gạch xi măng cốt liệu)
Gạch xi măng cốt liệu được tạo thành từ xi măng, mạt đá và các phụ gia khác. Đây là loại gạch đang được sản xuất và sử dụng nhiều nhất trong các loại gạch không nung. Tại các công trình thì loại gạch không nung này chiếm tỷ trọng lớn nhất. Loại gạch này thường có cường độ chịu lực tốt (>80kg/m3), tỉ trọng lớn (1900kg/m3 ) nhưng các loại kết cấu lỗ thì có khối lượng thể tích nhỏ hơn (1800kg/m3 ).
Gạch Block là loại gạch được khuyến khích sử dụng nhiều nhất và được ưu tiên phát triển mạnh nhất. Nó đáp ứng rất tốt các tiêu chí về kỹ thuật, kết cấu, môi trường và thi công ... ngoài ra nó cũng có thể dùng vữa xây thông thường.
Gạch không nung tự nhiên
Gạch được hình thành từ các biến thể và sản phẩm phong hóa của đá bazan, loại gạch này chủ yếu sử dụng ở những vùng có nguồn puzolan tự nhiên, hình thức sản xuất tự phát, mang tính chất địa phương, có quy mô nhỏ ...
Gạch bê tông bọt siêu nhẹ
Sản xuất bằng công nghệ bọt khí với thành phần cơ bản: Xi măng, tro bay nhiệt điện, cát mịn và phụ gia tạo bọt. Sản phẩm đã kiểm định chất lượng vượt TCXDVN: 2004 về cường độ chịu nén đối với tỷ trọng D800.
Gạch bê-tông khí chưng áp
Tên tiếng Anh là Autoclaved Aerated Concrete – viết tắt AAC. Bê tông khí là hỗn hợp của cát/tro bay với xi măng và vôi. Quá trình dưỡng bằng hơi nước ở áp suất cao trong nồi hấp tạo ra sản phẩm ổn định cả về tính chất vật lý và hóa học. Bê tông khí chứa bong bóng khí rất nhỏ nằm tách biệt, chúng tạo cho bê tông khả năng cách âm và cách nhiệt tốt.
Các lưu ý khi sử dụng gạch không nung để xây nhà
Khi xây dựng các mẫu thiết kế nhà ở bằng gạch không nung, bạn cần phải lưu ý lựa chọn sản phẩm gạch xây phù hợp với kết cấu thiết kế ngôi nhà. Chú ý chọn mua sản phẩm tại các địa chỉ uy tín, có chứng nhận MÁC (chứng nhận khả năng chịu nén của bê tông) rõ ràng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm thợ có kinh nghiệm để thi công loại gạch này, bởi dù nó thi công khá dễ nhưng lại có kích thước lớn hơn 3 đến 4 lần và nặng hơn các loại gạch nung thông thường.
Gạch bê tông cốt liệu có kết cấu khá chắc chắn cho nên khi thi công hệ thống điện nước ngầm trong nhà sẽ có nhiều khó khăn. Vì thế, bạn có thể khắc phục vấn đề này bằng cách sử dụng máy khoan, cắt theo mạch vữa.
Khi xây nhà bằng gạch không nung bạn có thể dùng vữa thông thường, lượng vữa sử dụng không quá nhiều bởi bề mặt của viên gạch nhẵn và khuôn gạch khít nhau.
Sau khi trát vữa và thi công gạch được 03 tiếng thì nên tưới nước từ 03 đến 06 lần/ngày (tùy tình hình thời tiết mà tưới nước cho gạch phù hợp), nên tưới liên tục 04 - 06 ngày để đảm bảo chất lượng cho công trình.
Với những thông tin trên, chắc hẳn bạn đã hiểu về gạch không nung và các loại gạch không nung phổ biến hiện nay. Đồng thời bài viết cũng đã chia sẻ thông tin về các ưu điểm khi sử dụng dòng gạch này giúp bạn có thể tham khảo để lựa chọn được sản phẩm gạch xây dựng phù hợp với công trình và thân thiện với môi trường.