meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Bảo tồn và gìn giữ lò gạch gốm Mang Thít 

Thứ ba, 07/06/2022-15:06
Lò gạch gốm Mang Thít là làng nghề truyền thống sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tuổi đời hàng trăm năm. Ngay từ đầu làng, bạn đã có thể thấy những lò nung đỏ au trên nền trời xanh tạo nên một khung cảnh rất đỗi thân thương.

Vẻ đẹp cổ kính của lò gạch gốm Mang Thít


Lò gạch gốm Mang Thít được mệnh danh là "Vương quốc đỏ"
Lò gạch gốm Mang Thít được mệnh danh là "Vương quốc đỏ"

Tỉnh Vĩnh Long không chỉ nổi tiếng với những miệt vườn trái cây trĩu quả đặc trưng của miền Tây sông nước, các loại hình du lịch sinh thái độc đáo, thú vị, mà nơi đây còn nổi tiếng với “Vương quốc Đỏ” – lò gạch Mang Thít.

Theo đó, “Vương quốc đỏ” là danh xưng của dân gian dành cho mảnh đất Vĩnh Long với các làng nghề gạch, làng nghề gốm thủ công truyền thống lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Lò gạch gốm Mang Thít trải dài hơn 30km thuộc thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Mang Thít, nằm bên những dòng sông Cổ Chiên thơ mộng, mang sắc đỏ vô cùng ấn tượng giữa vùng sông nước đặc trưng của khu vực miền Tây.

Từng mái lò, từng hàng gạch hòa quyện cùng cảnh sắc thiên nhiên sông nước đặc trưng của làng gạch gốm không thể lẫn vào đâu. Những điều này đã khiến cho nơi đây trở thành điểm tham quan ở miền Tây hấp dẫn, thú vị.

Khi đến làng gốm Mang Thít, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến tất cả công đoạn làm ra các sản phẩm gốm mỹ nghệ như chọn đất sét, nhào đất, cho vào khuôn ép tạo hình, phơi nắng, xếp vào lò và đốt lò…. Bạn sẽ phải trầm trồ trước sự khéo léo, tỉ mỉ và công phu của người thợ gốm tài hoa nơi đây. 

Ngoài ra, tại đây bạn cũng có cơ hội chiêm ngưỡng những căn nhà gốm với nét kiến trúc đặc sắc và riêng biệt của mảnh đất Vĩnh Long. Toàn bộ ngôi nhà, từ mái, hàng rào, tường cho đến những vật dụng bên trong đều hoàn toàn được làm bằng gốm với thiết kế khéo léo, hài hòa.

Nghề làm gạch gốm trở thành cổ tích


Nghề làm gạch ngói tại Vĩnh Long đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 19
Nghề làm gạch ngói tại Vĩnh Long đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 19

Từ đầu thế kỷ 19, nghề làm gạch ngói đã có mặt ở Vĩnh Long để đáp ứng nhu cầu xây cất nhà cửa của người dân tại địa phương. Theo các số liệu thống kê, đến giữa thế kỷ 20 số lượng lò gạch tại Vĩnh Long được ghi nhận là 39 lò.

Thời cực thịnh của nghề làm gạch ngói tại Vĩnh Long là sau giải phóng, nhất là trong giai đoạn những năm 80 khi có đến hàng nghìn cơ sở với hơn 3.000 lò nung gạch ngói. Cũng trong thời gian này có một số hộ tiến thêm một bước trong nghề truyền thống của mình đó là làm những sản phẩm đồ gốm.

Đồ gốm đỏ Mang Thít - Vĩnh Long không những cung cấp cho thị trường miền Tây, trong nước, mà còn được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.

Chi phí sản xuất lúc đó thấp do sử dụng nhiên liệu đốt là than và trấu là chính. Như các nghệ nhân truyền tai nhau, từ đầu thế kỷ 20, sản phẩm gạch gốm Mang Thít đã vượt trội về mặt chất lượng nhờ vào nguồn đất sét tự nhiên cùng với kỹ thuật nung nấu đặc trưng.

Cuộc sống của bà con làng nghề nơi đây gắn liền với từng viên gạch nung đỏ, nhiều thế hệ trưởng thành, được ăn học chu đáo cũng là nhờ vào gạch, gốm.

Đến đầu những năm 2000, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nghề làm gạch, ngói, gốm đỏ tại Vĩnh Long bắt đầu đi xuống và bị mai một dần. Cho đến nay, hiện toàn tỉnh chỉ có hơn 1.000 lò nung gạch gốm còn tồn tại và một số trong đó còn hoạt động.


Nghề làm gạch gốm trở thành cổ tích
Nghề làm gạch gốm trở thành cổ tích

Nghề làm gạch đã có mặt tại nơi đây từ rất sớm và dường như chuyện về nghề ấy cũng đã trở thành cổ tích. Với nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ và lượng phù sa lớn từ dòng Cửu Long sau nhiều năm tích tụ, bồi lắng đã hình thành nên những mỏ sét quý giá, con người Vĩnh Long đã khéo léo nhào nặn để biến chúng thành những viên gạch và đồ gốm tinh túy.

Khi nghề làm gạch thủ công truyền thống nơi đây còn thịnh, mỗi nhà có đến hai đến ba miệng lò. Đến mùa nung những cột khói trắng ngút trời, mang lại cuộc sống no đủ cho người dân nơi đây.

Trải qua biết bao thế hệ gìn giữ nghề thủ công truyền thống, người dân nơi đây đã đúc kết được kỹ thuật nung đất tuyệt vời. Nghề gạch gốm Vĩnh Long có nét độc đáo riêng biệt đó là dòng gốm không men. Nhiên liệu là trấu, một sản vật quen thuộc của vùng lúa nước.

Ngoài ra, vì đặc tính nhiễm phèn của loại đất sét đỏ đặc biệt này mà khi nung xong, gốm đỏ Vĩnh Long thường có những vân trắng do phèn tạo thành. Đặc biệt, đất sét ở Vĩnh Long chỉ kết khối ở nhiệt độ 900 độ C nên gốm đất Vĩnh Long sẽ có màu tự nhiên đặc trưng và trở thành dòng sản phẩm được ưa chuộng cả trong nước cũng như quốc tế.

Làng nghề gạch gốm thời hưng thịnh ngày nào cũng rực lửa, ghe chở hàng, chở nguyên liệu đến, đi đậu kín cả dòng sông. Hầu hết sản phẩm nơi đây đều được vận chuyển bằng ghe ngược xuôi đi khắp nơi, đồng thời còn xuất khẩu sang một số nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc.


Các lò gạch nhìn từ trên cao giống như tòa lâu đài cổ trong truyện cổ tích
Các lò gạch nhìn từ trên cao giống như tòa lâu đài cổ trong truyện cổ tích

Hình dáng các lò gạch Mang Thít ở Vĩnh Long cũng giống như những nơi khác của miền Tây. Với độ cao từ 9 – 13m, những lò nung gạch gốm thường có hình trụ tròn, đường kính khoảng 6 – 8m, ở dưới phình to – trên thu nhỏ dần, nhìn từ xa xa sẽ thấy giống các tháp của người Chăm.

Kiến trúc các lò gạch này như một cây nấm màu cam. Ở trên là một lỗ lớn như giếng trời, ở hai bên là ống khói. Nguyên liệu để xây nên các lò này cũng làm bằng gạch, với số lượng hàng trăm nghìn viên gạch được xây xếp chồng lên nhau và mất khoảng nửa tháng để hoàn thành.

Các cơ sở sản xuất tại Vương quốc gạch gốm Mang Thít thường dùng nung các loại gồm gạch thẻ, gạch ống, gạch tàu. Tùy thuộc vào loại gạch mà từng mẻ nung sẽ sắp xếp số lượng viên gạch, thời gian nung và lượng trấu khác nhau.

Ví dụ như, để nung gạch tàu thì mỗi lò sẽ chứa được khoảng 100.000 viên, nung liên tục trong 3 tháng với lượng trấu là khoảng 30 tấn. Còn với gạch ống thì được 150.000 viên, thời gian nung là 1 tháng, tốn khoảng 12 tấn trấu.

Thời gian trôi qua, cũng như nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác, các kỹ thuật mới xuất hiện và hệ thống lò công nghệ cao được đầu tư, do vậy các lò gạch truyền thống dần bị đi vào quên lãng.

Ngày nay, dọc kênh Thầy Cai vẫn còn hàng trăm lò gạch Mang Thít san sát nhau đã rêu phong, nhìn từ trên cao giống như tòa lâu đài cổ trong truyện cổ tích.

Hiện nay, các cơ sở làm gạch ngói chủ yếu theo đơn đặt hàng. Tức là nếu khách hàng có yêu cầu thì người dân mới tổ chức đóng gạch và đem nung. Vì tốn nhiều thời gian và công sức, nên giá thành của gạch tàu là cao nhất trong các loại gạch ở đây.

Chính vì vậy loại gạch này chủ yếu làm đúng với số lượng đặt. Giá gạch bán sỉ khoảng 5.000đ/viên. Còn các loại gạch ống hay gạch thẻ ít thời gian nung, giá thành thấp, dễ tiêu thụ hơn, nên một vài cơ sở có bán lẻ cho khách hàng mua số lượng ít.

Bảo tồn “Vương quốc gạch gốm” Mang Thít


Bảo tồn “Vương quốc gạch gốm” Mang Thít
Bảo tồn “Vương quốc gạch gốm” Mang Thít

Sau những bước thăng trầm, gần đây, nghề sản xuất gạch ngói tại Vĩnh Long đã có phần lắng dịu, do nguồn đất sét ở địa phương hầu như cạn kiệt và sản phẩm có sức cạnh tranh kém. Hiện chỉ có 425 cơ sở gạch ngói, gốm với 663 miệng lò. Trong đó, 111 cơ sở sản xuất với 115 miệng lò còn đang hoạt động.

Nghề làm gạch gốm Mang Thít, Vĩnh Long đang bị mai một. Nhiều lò nung đã không còn hoạt động và có nguy cơ bị phá hủy, hư hại.

Trước thực trạng này, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” nhằm để bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo mà các thế hệ trước để lại và đồng thời giúp cho người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển ngành du lịch và tạo đà phát triển kinh tế xã-  hội tại địa phương.

“Đề án di sản đương đại Mang Thít” xây dựng dựa trên ý tưởng khai thác các lò gạch truyền thống hiện có, làm nền tảng và điểm nhấn mang tính đột phá với quy mô lớn, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Chính việc làm “sống dậy” các lò gạch cũ rêu phong phục vụ du lịch sẽ tạo nên sự phát triển cho "Vương quốc gạch gốm" Mang Thít một thời hưng thịnh.

Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Vĩnh Long cho biết: Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc gạch gốm” Mang Thít trở thành một quần thể di sản đương đại giá trị mang tầm cỡ quốc tế, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt xây dựng Đề án di sản đương đại Mang Thít với kinh phí gần 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Vĩnh Long cũng đang kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa xây dựng “Vương quốc gạch gốm” Mang Thít trở thành 1 điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Giờ đây “Vương quốc gạch gốm Mang Thít” là một nơi tham quan thú vị để du khách trải nghiệm văn hóa, tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt nơi đây cũng là điểm check-in rất hấp dẫn, với hàng nghìn lò nung gạch khổng lồ tựa các tòa tháp tôn giáo kỳ bí.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ngôi nhà 3,5 tầng ở Hà Nội không có giếng trời vẫn ngập tràn ánh sáng

Biệt thự hiện đại 3 tầng phủ lam gỗ lấy ý tưởng từ lũy tre làng

Ngắm toàn bộ không gian Dinh thự Hoàng A Tưởng trước khi thay màu áo mới

Chia tay Đà Lạt mộng mơ, đôi vợ chồng trẻ tìm chốn bình yên trong ngôi nhà nhỏ bên đồi

Quảng Ninh: Ngôi nhà gạch đỏ sở hữu khoảng sân vườn, mặt nước đan xen đón ánh sáng

Thiết kế không gian mở dành cho gia đình 3 thế hệ có chế độ sinh hoạt khác biệt

Khám phá dinh thự cổ Huỳnh Kỳ Trà Vinh đẹp nhất miền Tây Nam Bộ

Ngôi nhà sở hữu không gian kín đáo, ấm áp khác biệt với mặt tiền "hớ hênh"

Tin mới cập nhật

Thanh Hóa ra "tối hậu thư", yêu cầu khởi công TTTM Aeon Mall trước ngày 10/10

4 giờ trước

Tòa nhà chọc trời cao tầng nhất TP. HCM "soán ngôi" Landmark 81: Tựa cây tre vươn dài và sở hữu một khu rừng lơ lửng trên không

4 giờ trước

Tập đoàn của ông Donald Trump muốn "rót vốn" đầu tư khách sạn, sân golf tại Hưng Yên

4 giờ trước

16 năm mới hoàn thành một nửa, lần gia hạn thứ 7 liệu có xong trục đường phía Nam Hà Nội

4 giờ trước

Ngôi nhà 3,5 tầng ở Hà Nội không có giếng trời vẫn ngập tràn ánh sáng

4 giờ trước