Tìm hiểu về công ty sữa Vinamilk - Doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam
BÀI LIÊN QUAN
Tìm hiểu thị trường khách hàng mục tiêu của VinamilkChủ tịch Lê Thị Băng Tâm: Vị nữ tướng gánh vác cơ nghiệp tỷ đô của "ông lớn ngành sữa Việt" VinamilkVốn hóa Vinamilk “tụt dốc không phanh” chuyện gì đang xảy ra?Giới thiệu về công ty Vinamilk
Công ty sữa Vinamilk - tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh sữa, các sản phẩm từ sữa cũng như các thiết bị máy móc liên quan về sữa tại Việt Nam.
Vinamilk hiện đang là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam. Các sản phẩm mang thương hiệu này đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần trên cả nước, cụ thể như:
- 54,5% thị phần sữa
- 40,6 % thị phần sữa bột
- 33,9% thị phần sữa chua uống
- 84,5% thị phần sữa chua ăn
- 79,7% thị phần sữa đặc
Các sản phẩm đến từ thương hiệu Vinamilk đang được phân bố khắp 63 tỉnh thành trên cả nước với hơn 220.000 điểm bán hàng. Bên cạnh đó, Vinamilk Việt Nam còn xuất khẩu sang 54 quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Đức, Trung Đông,…
Sau hơn 40 năm, công ty đã xây dựng 14 nhà máy sản xuất, 2 xí nghiệp kho vận, 3 chi nhánh văn phòng bán hàng, 1 nhà máy sữa ở Campuchia (Angkor Milk), 1 văn phòng đại diện ở Thái Lan.
Hành trình phát triển của Công ty Sữa Vinamilk
Trong hơn 45 năm hoạt động của mình, Công ty sữa Vinamilk đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Mỗi giai đoạn là những dấu ấn rõ nét về sự phát triển của doanh nghiệp, dưới đây là các giai đoạn lịch sử của Công ty sữa Vinamilk.
Giai đoạn hình thành của Công ty sữa Vinamilk từ năm 1976 – 1986
Công ty Sữa Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 20 tháng 8 năm 1976, với tên gọi là Công ty Sữa – Cà Phê miền Nam. Công ty thuộc Tổng cục Công nghiệp Thực phẩm miền Nam.
Đến năm 1982, Công ty được chuyển giao về Bộ Công nghiệp Thực phẩm và đổi tên thành Xí nghiệp Sữa – Cà phê – Bánh kẹo I.
Thời kỳ đổi mới năm 1986 – 2003
Vào tháng 3 năm 1992, Xí nghiệp Sữa – Cà phê – Bánh kẹo I, chính thức được đổi tên thành Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) - thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Công ty chuyên về sản xuất và chế biến các loại sản phẩm từ sữa.
Năm 1994, Công ty Sữa Việt Nam xây dựng thêm 1 nhà máy tại Hà Nội để phát triển thị trường tại khu vực miền Bắc, và tổng số nhà máy của công ty là 4.
Năm 1996, Liên doanh với Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn để thành lập Xí nghiệp Liên doanh Sữa Bình Định. Việc này đã giúp công ty thành công xâm nhập thị trường miền Trung một cách thuận lợi nhất.
Năm 2000, nhà máy sữa Cần Thơ đã được xây dựng tại khu Công nghiệp Trà Nóc để đáp ứng nhu cầu tốt hơn của người tiêu dùng tại đồng bằng sông Cửu Long. Cũng trong thời gian này, Công ty cũng đã xây dựng Xí nghiệp Kho vận có địa chỉ tại 32 Đặng Văn Bi, TP Hồ Chí Minh.
Thời kì Cổ phần hóa từ 2003
Tháng 11 năm 2003, công ty được chuyển thành Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam. Cũng trong năm 2003, Công ty khánh thành thêm nhà máy sữa tại Bình Định và TP Hồ Chí Minh.
Năm 2004, Công ty thâu tóm cổ phần của Công ty CP Sữa Sài Gòn, tăng số vốn điều lệ lên 1.590 tỷ đồng.
Năm 2005, Công ty tiếp tục mua cổ phần của các đối tác liên doanh trong Công ty CP Sữa Bình Định. Tháng 6 năm 2005, công ty đã khánh thành thêm nhà máy Sữa tại Nghệ An.
Năm 2009, doanh nghiệp đã phát triển được hơn 135.000 đại lý phân phối, 9 nhà máy và nhiều trang trại nuôi bò sữa tại Nghệ An và Tuyên Quang.
Giai đoạn 2010 – 2012, doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy sữa bột tại Bình Dương với tổng số vốn đầu tư là 220 triệu USD. Năm 2011, nhà máy Sữa Đà Nẵng đi vào hoạt động với số vốn đầu tư là 30 triệu USD.
Năm 2016, khánh thành nhà máy sữa đầu tiên ở nước ngoài, nhà máy Sữa Angkormilk tại Campuchia.
Năm 2017, khánh thành trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt – trang trại bò sữa hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, Vinamilk đang sở hữu 13 nhà máy trên cả nước. Các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế, với công nghệ hiện đại sản xuất được hầu hết các dòng sản phẩm của ngành sữa. Điều này góp phần giúp công ty Vinamilk giữ vững vị trí dẫn đầu các ngành hàng sữa chủ lực trong nhiều năm liền.
Bộ máy lãnh đạo của Công ty CP sữa Vinamilk
Bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT
Bà Tâm sinh năm 1947. Bà là thành viên HĐQT của công ty Vinamilk từ tháng 4/2013 và đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT từ tháng 7/2015.
Bà Mai Kiều Kiên – CEO
Bà Liên sinh năm 1953. Bà giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT từ tháng 11/2003 đến năm 2015 và sau đó tiếp tục là thành viên HĐQT cho đến nay. Bà là Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamilk từ tháng 12/1992.
Ông Nguyễn Bá Dương
Ông Dương sinh năm 1959. Ông đang là thành viên Hội đồng Quản trị độc lập từ tháng 4/2017.
Sản phẩm của Công ty CP sữa Vinamilk
Đến thời điểm hiện tại, Công ty Sữa Vinamilk đã cung cấp hơn 250 loại sản phẩm khác nhau, với các sản phẩm như:
- Sữa nước: ADM GOLD, Flex, Super SuSu.
- Sữa chua: SuSu, Probi, ProBeauty.
- Sữa bột trẻ em và người lớn: Alpha, Dielac, Pedia Grow Plus, Optimum Gold, Bột dinh dưỡng Ridielac, Diecerna đặc trị tiểu đường, Sure Prevent, Mama Gold, CanxiPro.
- Sữa đặc: Ngôi sao Phương Nam và Ông Thọ.
- Kem, phô mai: Phô mai Bò Đeo Nơ, Kem sữa chua Subo, kem Delight, Twin Cows, Nhóc kem, Nhóc kem Oze.
- Sữa đậu nành – nước giải khát: Sữa đậu nành GoldSoy, nước trái cây Vfresh, nước đóng chai Icy.
Theo Nielsen Việt Nam, Vinamilk liên tiếp giữ vị trí số 1 ngành hàng sữa nước trong nhiều năm liên tiếp, đồng thời giữ phong độ dẫn đầu các ngành hàng lớn khác như sữa đặc có đường, sữa bột trẻ em, sữa chua uống. Không chỉ được ưa chuộng ở trong nước, các sản phẩm của Vinamilk còn được đón nhận tại nhiều thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Kết quả kinh doanh và thành tựu của Vinamilk
Vào năm 2016, Vinamilk được Forbes xếp hạng doanh nghiệp tỷ đô của Việt Nam với giá trị thương hiệu đạt hơn 1,5 tỷ USD. Năm 2020, giá trị công ty đạt mốc 2,4 tỷ USD. Hiện tại Công ty CP Sữa Việt Nam đang đứng thứ 7 trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Theo kết quả báo cáo của Vinamilk vào Quý II/2020 và luỹ kế 6 tháng đầu năm, bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19, doanh thu thuần hợp nhất của Vinamilk đạt được 29.648 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu trực tiếp đạt khoảng 2.451 tỷ đồng, tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài việc khẳng định được vị thế thương hiệu ở thị trường trong nước, Vinamilk đã có nhiều bước đi chiến lược để xây dựng chỗ đứng cho thương hiệu sữa Việt Nam ở trên thị trường thế giới thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và tích cực thúc đẩy xuất khẩu tại các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, khu vực Trung Đông,…
Vinamilk cũng là công ty sữa đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sữa đến các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á – u (EAEU). Tính đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm đến 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch đạt hơn 2,2 tỷ USD.
Cổ phiếu của Vinamilk cũng luôn được xếp là cổ phiếu Blue-chip tại Việt Nam, dành cho những doanh nghiệp Việt Nam được cấp mức tăng trưởng và doanh thu ổn định.
Chưa dừng lại ở đó, Vinamilk còn là thương hiệu sữa được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua nhiều nhất 8 năm liền trong ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa theo báo cáo của Worldpanel thuộc Kantar.
Đến năm 2021, theo thống kê của Plimsoll, Vinamilk vừa tăng liền sáu bậc vươn lên vị trí thứ 36 trong top 50 các công ty sữa hàng đầu thế giới, và hiện là đại diện duy nhất của Việt Nam lẫn khu vực ASEAN có mặt trong danh sách này.
Lời kết
Vinamilk đã và đang khẳng định được vị thế hàng đầu tại thị trường nội địa và quốc tế, góp phần không nhỏ vào nền kinh tế của nước nhà cũng như đáp ứng nhiều sản phẩm tốt cho người tiêu dùng. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Công ty Vinamilk.