Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm: Vị nữ tướng gánh vác cơ nghiệp tỷ đô của "ông lớn ngành sữa Việt" Vinamilk
BÀI LIÊN QUAN
Vinamilk sắp tấn công thị trường tiêu dùng với sản phẩm thịt bò cao cấp Vốn hóa Vinamilk “tụt dốc không phanh” chuyện gì đang xảy ra?Vinamilk - công ty sữa vì tầm vóc ViệtChủ tịch Vinamilk Lê Thị Băng Tâm là ai?
Nữ chủ tịch của Vinamilk sinh năm 1947. Bà là tiến sĩ kinh tế, từng có 40 năm kinh nghiệm quản lý tài chính và giữ nhiều chức vụ cấp cao trong bộ máy nhà nước, điển hình như: Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, thứ trưởng Bộ Tài Chính.
Kể từ ngày 25/7/2015, bà giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM). Không chỉ là “nữ tướng” dẫn dắt Công ty Vinamilk, bà Lê Thị Băng Tâm còn kiêm luôn chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh (HDB) kể từ ngày 12/6/2010.
Về tài sản cá nhân, tính đến ngày 29/01/2021, nữ Chủ tịch Vinamilk nắm giữ 160.875 cổ phiếu HDB, tương đương với 0,01% vốn và tương ứng với khối tài sản trị giá 2,7 tỷ đồng. Chưa kể, con gái bà là Lưu Thị Việt Hồng cũng nắm trong tay gần 5,4 triệu đơn vị, tương đương với 0,34% vốn phiếu của ngân hàng HDBank với giá trị lên tới 88.9 tỷ đồng (Giá trị trên được cập nhật đến 20/04/2021).
Nữ tướng của Vinamilk còn là một nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp cho lĩnh vực quản lý tài chính và ngân sách quốc gia. Bà cũng góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nền móng cho thị trường bảo hiểm, thị trường chứng khoán và đặc biệt thành công trong công tác tài chính đối ngoại.
Hành trình từng bước lên “ghế nóng” Chủ tịch Vinamilk
Như đã nói ở trên, trước khi rẽ lối sang con đường doanh nhân, nữ chủ tịch của Công ty Vinamilk từng là một cựu quan chức với gần 4 thập kỷ công tác tại các cơ quan nhà nước và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Năm 2008, bà Lê Thị Băng Tâm nghỉ hưu. Cũng từ đây, bà chuyển hướng sang con đường làm doanh nghiệp với công việc tư vấn tài chính cao cấp cho một số tổ chức tài chính.
Cho tới tháng 3/2010, bà Tâm được bổ nhiệm trở thành thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank), chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này chỉ 3 tháng sau đó.
Năm 2015, bà tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Với 40 năm kinh nghiệm thương trường cũng như chính trường vô cùng dày dặn, quá trình chuyển giao công việc giữa 2 “nữ tướng” Vinamilk là bà Mai Kiều Liên và bà Lê Thị Băng Tâm diễn ra vô cùng thuận lợi.
Thời gian đầu, các cổ đông của công ty khác sốc trước thông tin tách chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Vinamilk của bà Mai Kiều Liên. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh của mình cùng những thay đổi tất yếu mà doanh nghiệp phải làm để phát triển, nữ doanh nhân Lê Thị Băng Tâm đã thuyết phục được “nhân tâm” đội ngũ HĐQT.
Ít ai biết rằng, sự phát triển của Vinamilk được như ngày hôm nay một phần nhờ sự đóng góp của bà Tâm khi còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch SCIC – Công ty mẹ của Vinamilk. Chính bà là người luôn kề vai sát cánh cùng với Tổng giám đốc Mai Kiều Liên đưa Công ty Vinamilk từ một đơn vị nhà nước nhỏ lên vị trí thống lĩnh thị trường, giúp tên tuổi Vinamilk vượt qua nhiều thương hiệu nước ngoài, sánh vai với các công ty sữa nổi tiếng thế giới.
Từ những thành tựu đạt được, có thể thấy bà Tâm là người có tư tưởng tân tiến, có nhiều tư duy đổi mới trong quản trị doanh nghiệp cũng như công tác tài chính qua những vị trí bà từng đảm nhiệm.
Hành trình sự nghiệp 53 năm của Chủ tịch Vinamilk Lê Thị Băng Tâm:
Từ năm 1969 đến tháng 10/1974: Giảng viên Trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội.
Từ năm 1974 đến năm 1982: Cán bộ, Phó trưởng phòng Vụ Cân đối tài chính – Bộ Tài chính.
Từ năm 1982 đến năm 1984: Học quản lý kinh tế Trường Đại học Lê-nin-grát – Liên Xô cũ.
Từ năm 1984 đến năm 1985: Phó trưởng phòng Vụ Cân đối tài chính – Bộ Tài chính.
Từ năm 1985 đến năm 1987: Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo.
Từ năm 1987 đến năm 1989: Nghiên cứu sinh Trường Đại học Lê-nin-grát – Liên Xô cũ.
Từ năm 1989 đến năm 1995: Phó cục trưởng, Cục trưởng, Tổng giám đốc Kho bạc nhà nước Trung ương.
Từ năm 1995 đến năm 2006: Thứ trưởng, Ủy viên Ban cán sự Bộ Tài chính.
Từ năm 2006 đến năm 2008: Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đầu tư và kinh doanh Vốn nhà nước.
Từ năm 2008 đến năm 2010: Nghỉ hưu, làm tư vấn tài chính cao cấp cho một số tổ chức tài chính.
Từ ngày 15/3/2010 đến ngày 11/6/2010: Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank).
Từ ngày 12/6/2010: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank).
Từ tháng 07/2015 đến nay: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Những thành tựu ấn tượng của Vinamilk trong “thời đại” của bà Lê Thị Băng Tâm
Năm 2015, cả giới kinh doanh xôn xao trước thông tin bà Mai Kiều Liên - người được coi là linh hồn của Vinamilk, gắn bó hơn 3 thập kỷ để xây dựng và phát triển thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam - rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Người đảm nhiệm vị trí này không phải ai xa lạ, chính là bà Lê Thị Băng Tâm - gương mặt kỳ cựu trong giới tài chính.
Nhiều người lo lắng, việc thay đổi lãnh đạo cấp cao sẽ khiến Vinamilk bị mất chất. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của Vinamilk dưới thời bà Lê Thị Băng Tâm đã đập tan mọi lo lắng này. Cặp bài trùng Kiều Liên và Băng Tâm vốn đã có thời gian đồng hành cùng nhau khi bà Tâm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - công ty mẹ của Vinamilk.
Hai vị nữ tướng đã “song kiếm hợp bích”, đưa Vinamilk từ một doanh nghiệp nhà nước nhỏ lên vị trí thống lĩnh thị trường. Thương hiệu Vinamilk còn khẳng định vị thế ở khu vực khi liên tiếp lọt danh sách các thương hiệu Việt Nam được nhận diện nhiều nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong suốt nhiều năm.
Cụ thể, Công ty Vinamilk đã có hệ thống lên tới 12 trang trại đạt tiêu chuẩn Global GAP trải dài khắp Việt Nam, toàn bộ bò giống đều được nhập khẩu từ New Zealand, Mỹ và Australia. Tổng cộng số lượng sữa mà đàn bò có thể cung cấp cho Công ty Vinamilk, trong đó gồm cả các trang trại và bà con nông dân có ký kết, lên tới 950 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày, số lượng bò sữa lên tới 130 nghìn con.
Năm 2020, Vinamilk tiếp tục gây ấn tượng khi sản lượng sữa mỗi ngày tăng lên gấp đôi, tương đương 1.900 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Tương đương với lượng sữa này, tổng số lượng đàn bò cũng tăng lên khoảng 200 nghìn con. Số lượng nhà máy trải dài khắp Việt Nam cũng tăng lên con số 13. Đáng chú ý, Vinamilk còn sở hữu hai siêu nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp luôn áp dụng những trang thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất thế giới để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho những sản phẩm làm ra. Những sản phẩm sữa của Vinamilk luôn đủ điều kiện bán ra khắp các thị trường trong nước và cả trên thế giới.
Tính riêng năm 2020, doanh nghiệp đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm với tổng doanh thu hợp nhất tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt con số 59.723 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong quý 4/2020, doanh thu thuần hợp nhất của Vinamilk đạt 14.425 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, mức kinh doanh thuần từ kinh doanh trong nước đạt 12.122 tỷ đồng, con số này tăng 3,3% so với cùng kỳ trong nước. Kinh doanh nước ngoài ghi nhận mức doanh thu thuần là 2.303 tỷ đồng; những chi nhánh nước ngoài ghi nhận 769 tỷ đồng, còn 1.534 tỷ đồng là tự xuất khẩu trực tiếp.
Lũy kế cả năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất của Công ty Vinamilk đã đạt tới gần 60.000 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước và xuất sắc hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Từ năm 2015 tới nay, nữ chủ tịch Lê Thị Băng Tâm tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu Vinamilk ở vị trí top đầu Việt Nam, chứng tỏ vị thế xứng đáng với lựa chọn của cổ đông khi trở thành người nối tiếp “nữ tướng” Mai Kiều Liên tiếp quản thương hiệu giá trị này.