Tìm hiểu chi tiết về đầm bê tông và hướng dẫn cách đầm bê tông hiệu quả
BÀI LIÊN QUAN
Đổ bê tông nên dùng xi măng gì để có chất lượng tốt?Bê tông tự lèn và ứng dụng trong các công trình xây dựngKhái niệm đầm bê tông
Như bạn đã biết, chất lượng của bê tông là yếu tố quyết định lớn đến chất lượng công trình. Vữa bê tông khi được hình thành vẫn có một độ rỗng khá lớn trong vật chất. Kể cả khi bạn đổ bê tông vào trong khuôn đúc. Chính những khoảng trống này sẽ khiến cho bê tông sau khi khô sẽ xốp, không đặc chắc, từ đó khả năng chịu lực kém.
Vai trò của đầm bê tông trong kết cấu bê tông cốt thép còn quan trọng hơn nữa. Trước khi đổ bê tông, đã phải có sẵn các khung cốt thép bên trong rồi. Đôi khi chính vì các khung này sẽ làm ngăn cản bê tông trải đều trong khung. Bê tông cần có một lực đẩy từ bên ngoài để đảm bảo có thể đi đều đến mọi ngóc ngách bên trong khung.
Mục đích chính của đầm bê tông chính là làm giảm thiểu tối đa độ rỗng của bê tông. Để thực hiện được điều này, bạn cần sử dụng một lực đẩy từ phía ngoài, hoặc phía trong lòng, hoặc cạnh bê tông. Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp đầm thủ công hoặc đầm máy. Các phương pháp đầm bê tông đang được sử dụng nhiều nhất hiện nay sẽ được giới thiệu trong phần tiếp theo của bài viết.
Vì sao nên sử dụng đầm bê tông
Khi đổ bê tông vào khuôn thường có khuynh hướng phân rã, trong đó các cốt liệu nặng sẽ chìm xuống dưới còn các cốt liệu nhẹ nổi lên trên bề mặt. Do đó cần phải tiến hành đầm nhằm mục đích làm cho khối hỗn hợp được đồng nhất, đồng thời lớp vữa bê tông cũng bám chặt vào cốt thép. Các cốt liệu thô lọt vào giữa khe cốt thép, cốt liệu mịn dàn đều, bao phủ khít các khe hở, tạo nên khối bê tông đặc chắc, theo hình khuôn đúc.
Bê tông khi được đầm kỹ sẽ làm giảm được thời gian đông cứng nên có thể nhanh tháo dỡ cốp pha hơn. Bê tông cũng sẽ ít khe nứt và co ngót, từ đó tăng cường độ chống thấm. Hiện nay có hai phương pháp thường được dùng đó là đầm thủ công và đầm máy.
Phương pháp đầm bê tông phổ biến nhất hiện nay
Hiện nay có 3 phương pháp được sử dụng nhiều nhất: đầm trong lòng kết cấu bê tông, đầm bên ngoài kết cấu bê tông và đầm bên cạnh bê tông.
Đầm bên trong lòng kết cấu bê tông
Đầm trong lòng kết cấu bê tông hay còn được gọi với tên gọi khác là đầm sâu. Đầm trong cũng cần đến sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị. Loại máy được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là máy đầm dùi. Nguyên lý hoạt động của máy là đưa nguồn gây chấn động đi vào bên trong cấu trúc bê tông. Hệ thống nguồn ở đây sẽ hỗ trợ làm chắc và đặc khối bê tông được đầm.
Nếu không thể sử dụng máy móc, chúng ta cũng có thể đầm bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên công đoạn này sẽ khiến cho người công nhân rất vất vả, đặc biệt là với các công trình lớn.
Người công nhân sẽ phải sử dụng các thiết bị sẵn có để đập và chọc đến khi bê tông chặt lại mới thôi. Đây là phương pháp thường được áp dụng đối với những hệ thống bê tông có chiều sâu, chiều dài lớn. Chẳng hạn như tường, cột, móng, đập, đê, …
Đầm bên ngoài kết cấu bê tông
Đầm ngoài là phương pháp cũng được sử dụng khá nhiều ở các công trình. Các khối bê tông như nền sàn, nền nhà, nền đường,… phương pháp này sẽ được thực hiện. Đặc điểm chung của đầm ngoài là có độ dày tương đối nhỏ, nhưng diện tích phần bề mặt lại lớn. Máy móc thường được sử dụng để hỗ trợ chính là máy đầm bàn.
Máy đầm bàn sẽ chạy trên bề mặt khối bê tông. Thiết bị này ra đời với chức năng chính đó là rung và là mặt phẳng. Những rung động từ phía trên sẽ tác động lực để lớp bê tông có thể được nén chặt và sẽ không còn bị rỗng ở giữa. Đến khi lớp bê tông khô sẽ có được một lớp bê tông chắc nhất. Đầm bàn hay còn gọi với tên khác là đầm đĩa.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, hệ thống bê tông được đầm có độ dày tương đối lớn. Chẳng hạn như đê, đập thủy điện,… Khi đó, người thợ cần sử dụng đến các kỹ thuật đầm đặc biệt như sử dụng xe lu, máy ủi,… và sử dụng những loại bê tông đặc biệt. Với các công trình thông thường thì việc này là không cần thiết.
Đầm cạnh bê tông
Nguyên lý hoạt động của phương pháp đầm cạnh bê tông là tạo ra chấn động tại các khuôn đúc bê tông. Các chấn động này ngay sau đó sẽ truyền sang bê tông. Tại đây các chấn động sẽ khiến cho các hạt vật chất lắng lại và gắn kết chặt với nhau theo các nguyên lý trọng lực. Chấn động càng mạnh, càng đều thì càng đạt hiệu quả cao hơn.
Phương pháp này hay được sử dụng cho các kết cấu bê tông ở dạng thành đứng và có độ dày nhất định. Chẳng hạn như kết cấu của tường. Đối với những kết cấu lớn, kỹ sư có thể tiến hành cho rung từng phần để khối bê tông chắc và đặc hơn. Nếu sử dụng đầm máy thì có thể treo thiết bị rung ở từng phần nhỏ. Nếu kết cấu bê tông nhỏ thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp thủ công để tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra một số trường hợp cũng có thể sử dụng phương pháp này, đó là khi chế tạo những kiện bê tông đúc sẵn. Như khi đúc các ống cống nhà máy, phương thức đầm cạnh toàn bộ sẽ được áp dụng. Lúc này bạn sẽ đặt toàn bộ hệ thống của khuôn đúc lên bàn rung.
Hướng dẫn chi tiết cách đầm bê tông
Đầm là công đoạn quan trọng nhất quyết định rất lớn đến chất lượng kết cấu của hỗn hợp sau khi đổ. Đây là công việc được tiến hành sau khi đã trộn hỗn hợp và đổ nhằm làm cho hỗn hợp bê tông tươi trở nên đặc chắc, bám chặt vào cốt thép, không còn các lỗ rỗng bên trong và mặt ngoài không bị rỗ.
Hiện nay có hai cách để đầm bê tông đó là dùng đầm thủ công và đầm máy. Mỗi một cách đầm đều có ưu nhược điểm riêng.
Đầm thủ công
Công nhân sử dụng đầm gang kết hợp với que xọc bằng thép hoặc xà beng, vồ gỗ… Đầm gang nặng khoảng 8 đến 10 kg, dùng sức người nâng lên, hạ xuống đều đặn trên mặt bê tông. Khi dùng, phải kết hợp thêm xà beng hoặc que xọc thép Φ14, chọc sâu vào bê tông để vữa lọt qua khe cốt thép. Vồ gỗ hay xẻng được thúc mạnh vào thành cốp pha để vữa chảy ra đều, lấp đầy các lỗ rỗng .
Các động tác này phải được thực hiện đồng thời chứ không thể thay thế cho nhau. Đầm cho đến khi nào vữa lắng xuống và trên mặt xuất hiện nước xi măng sền sệt, đặc sánh là được. Tuy nhiên phương pháp thủ công này ít được sử dụng bởi vì tốn thời gian mà hiệu quả không cao. Sử dụng đầm cơ giới hiệu quả hơn. Ngoài khả năng ưu việt về tốc độ, còn có thể sử dụng vữa bê tông khô hơn nên tiết kiệm đến khoảng 15% xi măng .
Đầm bằng máy
Đầm dùi
Dựa trên nguyên lý chấn động trong, chúng ta sử dụng đầm rung khi thi công móng, cột có bề dày thông thường từ 20-30cm. Đầu của đầm dùi phải ăn xuống lớp bê tông phía dưới 5-10cm thì mới phát huy tác dụng. Thời gian đầm tại mỗi vị trí khoảng 20 đến 40 giây. Nếu thấy có nhiều gợn nước quay vòng quanh đầm dùi hoặc nước đọng thành vũng dưới đầm bàn nghĩa là vữa đã bị phân tầng do đầm quá lâu tại một điểm.
Mỗi lần di chuyển đầm dùi khoảng cách không quá 1,5 lần bán kính tác dụng của đầm. Luôn giữ cho đầm rung theo phương thẳng đứng để lực rung tác động được vào lớp bê tông ở phía dưới chưa đông cứng. Tuyệt đối không ấn đầm lung tung theo các chiều hướng khác nhau và không đủ sâu.
Đầm bàn
Đầm bàn ứng dụng nguyên lý chấn động mặt để dầm lớp trên cùng các tấm sàn. Sức rung của đầm bàn sẽ làm cho vữa bê tông giống như chất lỏng, chảy vào hết các khe kẽ. Các hạt cốt liệu có xu hướng dồn sát lại gần nhau và không khí sẽ bị đẩy ra ngoài. Xuất hiện nước xi măng chảy xuống qua khe cốp pha, có một lượng nước trong và bọt khí nhỏ ti ti nổi lên trên bề mặt bê tông.
Đây là hiện tượng chấp nhận được, thời gian đầm một chỗ khoảng từ 30 đến 50 giây. Hướng di chuyển của đầm theo chiều quay động cơ. Khi di đầm phải đảm bảo đè lên vết đầm trước từ 10-20cm . Nói chung là có thể kéo đầm làm hai lần thẳng góc với nhau. Không được đứng lên máy hoặc tăng thêm tải trọng lên mặt đầm. Nếu đầm trên mặt sàn thì phải dùng cửa khống chế độ cao .
Đầm chày
Đầm chày thường được sử dụng để đầm nhiều lớp. Khi đầm lớp trên mặt, cho đầu cắm ngập vào lớp dưới đã đầm khoảng 5 cm, để cho các lớp bê tông liên kết lại với nhau. Vị trí và khoảng cách đặt chày tùy thuộc vào các loại đầm khác nhau. Nếu bán kính ảnh hưởng của đầm rộng thì khoảng cách này sẽ bằng 1,5 lần bán kính ảnh hưởng của đầm.
Chỉ được tắt máy khi đã rút chày ra khỏi bề mặt bê tông. Nếu mà tắt máy khi chày đang còn ở trong bề mặt thì có thể không rút chày ra được, hoặc rút được thì sẽ để lại lỗ hổng trong mặt bê tông. Khi cắm chày vào mặt chúng thì cần cho chày xuống nhanh và ngược lại, khi rút lên thì phải kéo chậm và dẫm chân vào cạnh chày. Mục đích của thao tác này là lèn chặt vữa bê tông xuống, khi rút chày lên sẽ không để lại lỗ hổng.
Thời gian đầm tại một vị trí còn tùy thuộc vào tần số của máy, nếu tần số cao thì đầm nhanh, còn tần số thấp thì phải đầm lâu hơn. Thông thường tần số của máy là 4000 vòng/phút thì thời gian khoảng 1,5 phút là phù hợp, còn tần số khoảng 7000 vòng/phút thì chỉ cần khoảng 30 giây là đủ. Không nên dùng đầm chày thúc vào cốp pha hay cốt thép, có thể làm vỡ hoặc thủng cốp pha, sai lệch vị trí của cốt thép, hoặc làm cho thép truyền rung động đến chỗ bê tông đã bắt đầu đông cứng.
Kết bài
Trên đây là những phương pháp để đầm bê tông được sử dụng phổ biến hiện nay. Mỗi phương pháp được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể. Căn cứ vào mục đích sử dụng để bạn lựa chọn kỹ thuật cho phù hợp nhất nhé. Hy vọng bài viết của chúng tôi đã mang lại thông tin hữu ích cho bạn đọc.