TikTok Singapore thu hàng nghìn tỷ từ Việt Nam qua 10 cổng thanh toán
BÀI LIÊN QUAN
Lý do khiến TikTok Shop được xem là đối thủ nặng ký của các sàn thương mại điện tử tại Đông Nam ÁTikTok Shop ngày càng bành trướng tại Đông Nam Á, Shopee, Lazada có nguy cơ bị lép vế?TikTok Shop đạt tỉ lệ người dùng tăng kỷ lục, nhưng vẫn bị Shopee “bỏ xa” về mức độ được yêu thíchKhông lưu lại thông tin thanh toán
Theo Báo Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kết luận kiểm tra nền tảng TikTok tại Việt Nam. Theo đó, dịch vụ xuyên biên giới TikTok Việt Nam được TikTok Pte.Ltd (còn gọi là Công ty Tiktok Singapore) quản lý, cung cấp qua web Tiktok.com và ứng dụng TikTok. Văn phòng đại diện của công ty tại Việt Nam là Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam.
Ứng dụng thương mại điện tử của TikTok Việt Nam hiện đang cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử khuyến mãi trực tuyến.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, TikTok cho phép khách hàng đặt hàng trực tuyến qua việc bỏ sản phẩm vào giỏ hàng, cập nhật thông tin người mua hàng và tiến hành thanh toán. Người bán sẽ xác nhận đặt hàng và giao hàng sau khi đặt hàng thành công.
Kết luận kiểm tra ghi nhận: “Ứng dụng TikTok đã cung cấp cho khách hàng thông tin về các điều khoản của hợp đồng; có cơ chế cho phép khách hàng rà soát, bổ sung, sửa đổi và xác nhận nội dung giao dịch trước khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến; thực hiện thông báo về cách thức trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thông qua email và tại mục quản lý trong tài khoản mua hàng của khách hàng; khi trả lời xác nhận đơn hàng đã cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng liên quan đến đơn hàng”.
Cũng theo kết luận kiểm tra, ứng dụng TikTok không phát triển cổng thanh toán riêng đối với chức năng thanh toán trực tuyến.
Trên ứng dụng TikTok, hoạt động thanh toán trực tuyến được tích hợp dịch vụ với 10 cổng thanh toán, ví điện tử, thẻ tín dụng/ thẻ ghi nợ. Đó là Worldpay, Checkout, Zalo, Momo, Thunes, Adyen, Paypal, Stripe, 9pay và 2C2P.
Kết luận kiểm tra toàn diện TikTok không lưu thông tin thanh toán của người mua hàng mà thông tin này sẽ được xử lý bởi đối tác thanh toán của nền tảng. Trong quy chế hoạt động có quy định và công bố về cơ chế bảo mật thanh toán.
Kiểm tra rà soát cho thấy 23 nhà bán hàng do TikTok cung cấp không lưu đủ thông tin về người bán hàng theo quy định: mã số thuế cá nhân, ngày cấp, nơi cấp.
Ngoài ra, TikTok cũng chưa bổ sung các thông tin đầy đủ danh sách người bán hàng theo yêu cầu của đoàn kiểm tra và chưa làm rõ quy định cụ thể đối với người bán quốc tế tham gia tính năng TikTok shop và bán hàng xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam.
Hàng nghìn tỷ chuyển sang nước ngoài
Kết quả cho thấy TikTok Việt Nam không có quyền để kiểm soát nền tảng TikTok hay bất kỳ dữ liệu người dùng nào trên nền tảng của ứng dụng. Nhà vận hành trực tiếp nhận tiền thanh toán từ người bán hàng trên nền tảng là TikTok Singapore. Công ty nhận qua các ví thanh toán và ngân hàng có tài khoản như trên.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông công bố thông tin về hoạt động kê khai thuế của TikTok Singapore năm 2022 thông qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài: “Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm lưu trữ các thông tin được sử dụng để xác định giao dịch của tổ chức, cá nhân mua hàng phát sinh tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều này để phục vụ công tác thanh, kiểm tra của cơ quan thuế. Việc lưu trữ thực hiện theo các quy định có liên quan của Luật Quản lý thuế”, căn cứ vào quy định tại Điều 77 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021.
Kết luận kiểm tra không nêu rõ số tiền mà TikTok Singapore thu về từ người mua Việt Nam thì cũng như số hoa hồng nhận được.
Tuy nhiên, báo cáo thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2023 vừa được Metric công bố cho thấy, tại Việt Nam, doanh thu tính theo tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công đạt khoảng 93.000 tỉ đồng. Trong đó, TikTok shop có khoảng 117 triệu sản phẩm bán ra trong 6 tháng đầu năm với ước tính doanh thu đạt hơn 16.300 tỷ đồng.
Theo TikTok, số tiền hoa hồng TikTok được hưởng là 3% cho mỗi mặt hàng bán được.
Theo đó, TikTok có thể đã thu về khoảng 489 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm từ thị trường Việt Nam nếu tính riêng tiền hoa hồng, trong trường hợp báo cáo của Metric là đúng và phí hoa hồng không thay đổi.
Theo phân tích nói trên, tất cả tiền thu từ người mua và tiền hoa hồng sẽ được gửi về TikTok Singapore qua 10 cổng thanh toán đã đề cập.
Mặt khác, TikTok Singapore chỉ phải trả cho Tiktok Việt Nam theo mô hình Cost-plus, nghĩa là số tiền phải trả của công ty quản lý này sẽ bằng toàn bộ chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí giá vốn được tổng hợp của TikTok Việt Nam rồi áp dụng một mức phần trăm để có được khoản lợi nhuận phù hợp. Tỷ lệ lợi nhuận theo thỏa thuận trong 3 năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 8,14%, 8% và 8%.
Theo kết luận kiểm tra, năm 2020, tổng chi phí sản xuất, kinh doanh, hàng hóa dịch vụ của TikTok Việt Nam là 69,6 tỷ đồng với doanh thu là 75,2 tỷ đồng. Còn năm 2021 và 2022 lần lượt là 205,3 tỷ đồng và doanh thu 221,8 tỷ đồng và 450,7 tỷ đồng và doanh thu 486,7 tỷ đồng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dựa trên tài liệu và tờ khai thuế mà công ty cung cấp, tổng các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, nhà thầu nước ngoài và môn bài TikTok Việt Nam trong 3 năm 2020, 2021 và 2022 đã nộp chỉ là 127,1 tỷ đồng. Cụ thể, là 12,4 tỷ đồng, 38,6 tỷ đồng và 76 tỷ đồng tương ứng với năm 2020, 2021 và 2022.