Thủ tướng chỉ đạo dừng thu phí đường bộ thủ công từ 1/6/2022
BÀI LIÊN QUAN
Thủ tướng chỉ đạo: "Chính sách, pháp luật về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích"Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều chính sách đưa người lao động trở lại sau Tết Năm 2022, nhiều quy định, chính sách sẽ được sửa đổi và tác động lớn đến thị trường bất động sảnThu phí không dừng hoạt động như thế nào?
Theo tìm hiểu, hình thức thu phí điện tử không dừng được áp dụng công nghệ hiện đại để nhận diện xe tự động khi qua trạm thu phí.
Hiện nay, hình thức thu phí không dừng tại Việt Nam được áp dụng công nghệ RFID, nhận diện phương tiện từ xa có dán thẻ định danh bằng sóng radio. Phương tiện có thể dán thẻ trên kính hoặc đèn xe, các vị trí mà “mắt thần” có thể dễ dàng nhận diện. Khi xe tiến gần tới trạm thu phí, “mắt thần” sẽ nhận diện và tự động trừ tiền trong tài khoản của chủ xe. Do đó, người và xe không phải dừng lại tại trạm để nộp tiền mặt cũng như nhận vé và hóa đơn.
Đây được xem là hình thức thu phí văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh chóng, thông suốt, tiện lợi của người tham gia giao thông. Về mặt quản lý nhà nước, thu phí không dừng sẽ giúp quản lý một cách minh bạch nguồn tiền thu được từ phí giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, thu phí không dừng còn góp phần làm giảm ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí, do xe không phải dừng lại. Nếu như thông thường, một xe phải dừng lại tại trạm từ 30 giây cho tới 1 phút để nộp tiền, nhận vé, hóa đơn, sau đó tiếp tục khởi hành. Với thu phí không dừng, xe gần như không cần giảm tốc độ trong điều kiện thời tiết và kỹ thuật ổn định. Thu phí không dừng cũng góp phần giảm ô nhiễm môi trường, khi tiết kiệm được giấy in vé, hóa đơn.
Theo thống kê, hiện tại trên toàn quốc đang có 115 trạm thu phí áp dụng hình thức thu phí không dừng, bao gồm các trạm của Bộ Giao thông vận tải và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo Bộ Giao thông vận tải, dự kiến tới ngày 5/5/2022, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ là tuyến cao tốc đầu tiên trên cả nước chỉ áp dụng hình thức thu phí không dừng. Theo đó, phương tiện không sử dụng phương thức thanh toán điện tử, không dán thẻ định danh sẽ không được đi vào cao tốc này.
Tỷ lệ sử dụng hình thức thu phí không dừng chỉ đạt 50%
Theo thống kê, tới hết năm 2021, có khoảng 2,3 triệu phương tiện đã dán thẻ định danh để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Công điện 155 của Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện việc dán thẻ định danh đối với xe ô tô trong dịch vụ thu phí giao thông đường bộ không dừng (ETC).
Theo nội dung Công điện, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai thu phí đường bộ theo hình thức ETC tại các trạm thu phí trên toàn quốc. Việc này được thực hiện theo Quyết định số 19/2020 ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích nhằm đảm bảo kết nối, liên thông và đồng bộ cũng như tạo ra sự thuận lợi cho phương tiện, người tham gia giao thông trên các tuyến đường.
Tuy nhiên, đến nay, theo báo cáo từ Bộ Giao thông vận tải, trên thực tế, lượng phương tiện dán thẻ định danh để sử dụng thu phí không dừng còn rất thấp. Cụ thể, theo báo cáo, mới chỉ có khoảng 50% số phương tiện trên toàn quốc dán thẻ định danh để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Do đó, chưa thể phát huy được hiệu quả của hệ thống thu phí không dừng.
Dừng thu phí thủ công từ 1/6/2022
Do đó, để phát huy hiệu quả việc thu phí đường bộ không dừng, cũng nhằm góp phần minh bạch trong công tác thu phí, tránh thất thoát, góp phần giảm ùn tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, yêu cầu.
Cụ thể, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan ở trung ương và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với ô tô thuộc đơn vị mình, kể cả đối với các xe ô tô thuộc đơn vị trực thuộc. Đồng thời Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương vận động cán bộ, công chức của đơn vị gương mẫu thực hiện việc dán thẻ định danh cho xe ô tô cá nhân.
Thủ tướng yêu cầu không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng yêu cầu Bộ chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thực hiện tốt công tác dán thẻ, cần thực hiện nhanh chóng, thuận tiện. Nhà cung cấp dịch vụ dán thẻ định danh cần công khai số điện thoại và địa chỉ để tạo thuận lợi cho công tác dán thẻ. Công điện nêu rõ, nếu phát sinh lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí đường bộ không dừng, nhà cung cấp cần phải có biện pháp xử lý ngay, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của cá nhân, đơn vị nào xảy ra lỗi dẫn tới khó khăn cho người điều khiển và phương tiện tham gia giao thông.
Bộ Giao thông được giao tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 8544 ngày 22/11/2021 do Văn phòng Chính phủ ban hành về việc thí điểm chỉ áp dụng thực hiện thu phí không dừng với một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng, miền.
Công điện cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận để người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, tiến tới loại bỏ hình thức thu phí thủ công như hiện nay.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải là đầu mối theo dõi, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện chỉ đạo tại Công điện này cũng như các văn bản khác. Đồng thời bộ có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, để có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi đi dán thẻ định danh, chủ xe cần mang theo giấy tờ tùy thân (nếu là cá nhân), giấy phép lái xe, đăng ký xe, đăng kiểm xe và giấy đề nghị mở tài khoản. Với doanh nghiệp, cần mang theo thêm giấy đăng ký kinh doanh (bản gốc hoặc công chứng).
Với các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp cần bổ sung thêm công văn đóng dấu đỏ đề nghị mở tài khoản.
Khi có tài khoản, khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông qua nhiều hình thức: nạp trực tiếp tại quầy giao dịch, qua ngân hàng, qua Internet banking, ví điện tử, qua ứng dụng của đơn vị cung cấp dịch vụ…