Thời lãi suất đổ dốc, có ngân hàng giảm lãi suất 3 - 4 lần chỉ trong một tháng
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản đang dần hồi sức khi lãi suất hạ nhiệt?Lãi suất liên ngân hàng ổn định, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng gần 25.000 tỷ đồngChưa thể giảm đại trà mặt bằng lãi suất cho vayLãi suất huy động giảm mạnh
Theo Tạp chí Đầu tư Tài chính, trong tuần đầu tiên của tháng 6, hàng loạt các ngân hàng đã niêm yết bảng lãi suất huy động mới, với xu hướng giảm hơn so với trước. Cụ thể, tại ngân hàng SCB, nhà băng này thường trong nhóm các ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất toàn hệ thống. Tuy nhiên, kể từ ngày 7/6, SCB hạ lãi suất huy động thêm 0,4 - 0,45 điểm % cho các kỳ hạn gửi trên 6 tháng, áp dụng cho khách hàng gửi tiền cả kênh tại quầy và kênh gửi online.
Tại kênh tiền gửi online, SCB điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 11 tháng từ 7,8%/năm xuống còn 7,15 - 7,35%/năm. Kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất giảm từ 7,85%/năm xuống 7,45%/năm. Ở kỳ hạn 13 tháng, mức lãi suất giảm từ 7,75%/năm còn 7,35%/năm, kỳ hạn 15 - 36 tháng mức lãi suất giảm 7,25%/năm. Hình thức gửi tiền tại quầy, SCB áp dụng mức lãi suất thấp hơn hình thức online từ 0,05 - 0,15 điểm % tùy kỳ hạn.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy nửa tháng đây là lần điều chỉnh lãi suất huy động thứ 2 của nhà băng này. Trước đó, vào ngày 25/5, SCB giảm 0,5 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 6 tháng của khách hàng cá nhân.
Tại ngân hàng VPBank, trong ngày 7/6 cũng đưa biểu lãi suất huy động mới với mức giảm 0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Kỳ hạn 6 tháng áp dụng mức lãi suất 7,5%; kỳ hạn 7 tháng là 7,6%/năm; kỳ hạn 8 – 9 tháng được áp dụng mức lãi suất cao nhất là 7,8%/năm; kỳ hạn 10 – 12 tháng là 7,5% và trên 12 tháng là 6,7%. Tuy nhiên, với khách hàng gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, VPBank sẽ cộng thêm 0,1 điểm % lãi suất so với các khách hàng gửi dưới 10 tỷ đồng.
Tại ngân hàng Techcombank cũng giảm lãi suất thêm 0,05 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
TPBank cũng vừa giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6-12 tháng. Hiện lãi suất cao nhất được TPBank áp dụng chỉ còn 7,5%.
Tương tự, SHB cũng giảm 0,2-0,3 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, bắt đầu từ ngày 1/6.
Ngân hàng Nam A Bank đồng loạt giảm 0,1 - 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, bảng lãi suất mới áp dụng từ ngày 1/6. Trước đó, ngày 25/5 ngân hàng này đã giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn dưới 6 tháng và giữ nguyên các kỳ hạn dài.
Kể từ ngày 1/6, VietABank giảm 0,2 điểm % lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Ngân hàng Saigonbank, giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động cho các kỳ hạn 6 - 13 tháng kể từ ngày 1/6.
Ngày 3/6, ngân hàng NCB cũng áp dụng bảng lãi suất mới, giảm 0,2 điểm % lãi suất tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trước đó, từ ngày 25/4, nhà băng này giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn dưới 6 tháng và giữ nguyên các kỳ hạn dài.
Có thể thấy, trong tuần đầu tiên của tháng 6, thị trường ghi nhận ít nhất 8 ngân hàng điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất huy động gồm: VPBank, SCB, VietA Bank, TPBank, SHB, HDBank, KienLongBank và Saigonbank với cùng mức giảm 0,2-0,5 điểm %.
Nếu tính từ đầu tháng 5 tới nay, các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động, thậm chí có ngân hàng đã giảm lãi suất 3 - 4 lần.
Các ngân hàng đã giảm lãi suất 2 lần trong vòng 1 tháng có thể kể đến như BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank, SCB, Eximbank, TPBank, BacABank, MSB, Tecombank. Một số nhà băng đã giảm lãi suất huy động tới 3 lần trong giai đoạn này, gồm: VPBank, OCB, Kienlongbank, Saigonbank, NamABank và Sacombank.
2 ngân hàng thậm chí đã giảm lãi suất huy động 4 lần kể từ đầu tháng 5 tới nay là VietBank và VietABank.
So với giai đoạn lãi suất huy động liên tục lập đỉnh hồi tháng 2 thì mức lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng tư nhân hiện nay đã giảm 0,5 - 1 điểm %,, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lãi suất giảm 1,5 - 3 điểm %.
Tính đến ngày 8/6, chỉ còn 7/34 ngân hàng được thống kê còn áp dụng mức lãi suất huy động trên 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Cụ thể, GPBank (8,6%/năm), ABBank (8,3%/năm), VIB (8,2%/năm), PVComBank (8,2%/năm), NCB (8,1%/năm), BaoVietBank (8,1%/năm). Nhóm Big4 huy động kỳ hạn này với lãi suất chỉ 6,8%/năm. Như vậy, GPBank là ngân hàng đang có mức lãi suất huy động cao nhất thị trường đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất của nhà băng này hiện là 8,6%/năm dành cho kỳ hạn từ 13 - 36 tháng tại kênh tiền gửi online.
Lãi suất cho vay rục rịch giảm
Động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng đã góp phần kéo giảm lãi suất cho vay. Trong thời gian gần đây, một số ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay nhiều lần. Nổi bật là ngân hàng LPBank, trong vòng chưa đầy một tháng đã có 3 lần giảm lãi suất cho vay. Hiện, mức lãi suất cho vay tại LPBank dành cho khách hàng doanh nghiệp chỉ từ 7,5%/năm và khách hàng cá nhân chỉ từ 8,5%/năm.
Đại diện TPBank cho biết, sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Theo đó, với các khoản vay hiện hữu, TPBank thực hiện giảm từ 0,2-1% lãi suất khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Với các khoản vay mới, TPBank đang áp dụng ưu đãi giảm lãi suất lên tới 3,6% như khi vay mua nhà, mua ô tô hay vay để kinh doanh, các khoản vay mới của cá nhân đều được giảm từ 1-2% lãi suất.
Tại ngân hàng ACB, nhà băng này thông báo đẩy mạnh gói ưu đãi lãi suất cho vay, quy mô tăng từ 20.000 tỷ đồng lên mức 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân với ưu đãi lãi suất vay thấp hơn biểu lãi suất tối đa đến 3%/năm.
Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng điều chỉnh biểu lãi suất cơ sở giảm 0,5 - 1 điểm % so với hồi đầu năm. Lãi suất cơ sở giảm đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ trực tiếp giảm sau kỳ điều chỉnh.
Ngay trong ngày đầu tiêu quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay có hiệu lực, cơ quan này đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo cấp cao của 26 ngân hàng thương mại để bàn về lãi suất. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận sẽ giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% đối với dư nợ hiện hữu, nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh có dấu hiệu chậm lại.
Trong thời gian tới, các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn, giúp người dân và doanh nghiệp bớt khó khăn trong quá trình trả nợ ngân hàng.