Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 23/2: Dow Jones tiếp tục đi xuống sau biên bản cuộc họp Fed
BÀI LIÊN QUAN
Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng lao dốc vì dữ liệu lạm phát “nóng”Chứng khoán Mỹ tăng điểm bất chấp việc nhà đầu tư lo Fed tăng lãi suất sau số liệu kinh tế tích cựcChứng khoán Mỹ giảm điểm sau số liệu lạm phát cao hơn dự kiếnTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 22/2 diễn biến phân hóa sau khu biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố, nhà đầu tư tập trung phân tích biên bản này để dự đoán chính sách lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Cụ thể, Chỉ số S&P 500 giảm 0,16% còn 3.991 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite ngược chiều đi lên 0,13% và dừng ở 11.507 điểm.
Trong khi đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 84,5 điểm, tương đương 0,26%, và đóng cửa ở 33.045 điểm. Đây đã là phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp của chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechips này. Trước đó, trong phiên 21/2, Dow Jones đã ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất kể từ đầu năm 2023.
Nội dung biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất của Fed diễn ra vào ngày 31/1 - 1/2 cho thấy, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này đã nhất trí về việc tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát bằng các đợt tăng lãi suất. Biên bản cho biết, lạm phát vẫn ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed cũng như thị trường lao động vẫn còn thắt chặt, dẫn đến áp lực gia tăng đối với giá cả và tiền lương.
Nhận định với hãng tin CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng Bill Adams của Comerica Bank cho rằng, Fed quyết tâm khiến thị trường lao động giảm bớt độ nóng để đảm bảo lạm phát không ăn sâu bám rễ ở mức cao. Tính đến giữa năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể sẽ giảm về dưới lãi suất quỹ liên bang. Tuy nhiên, nếu lạm phát còn gây bất ngờ theo chiều hướng tăng lên, hoặc nếu tỷ lệ thất nghiệp còn giảm nữa, có thể Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn dự báo của thị trường.
Bên cạnh đó, biên bản cuộc họp của Fed cũng cho thấy phần đông các thành viên dự họp đều nhất trí bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phẩm trăm mỗi lần, chỉ một số ít ủng hộ bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc họp của Fed, các số liệu thống kê đã cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế và đẩy mối lo rằng Fed có thể tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn cũng như duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn
CNBC dẫn lời bà Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của LPL Financial cho rằng, biên bản cuộc họp được công bố mới đây không làm thay đổi nhận định chính của thị trường bởi nhà đầu tư tin chắc rằng Fed sẽ không tăng lãi suất quá nhiều. Vị chuyên gia nhận định, thị trường hiện nay không nghĩ rằng Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 6. Thay vào đó, thị trường đang lo ngại về lợi nhuận, biên lợi nhuận, áp lực với biên lợi nhuận và việc biên lợi nhuận suy giảm.
Nhà quản lý danh mục Moustapha Mounah của James Investments nhận định: "Biên bản này hơi lỗi thời một chút, do đã có nhiều dữ liệu kinh tế được công bố sau đó. Vì thế, biên bản cuộc họp lần này không quan trọng như những biên bản trước đó".
Bên cạnh đó, áp lực lãi suất cũng là một mối lo khác của thị trường. Chứng khoán châu Âu giảm điểm với chỉ số Stoxx 600 mất 0,33% điểm số. Chỉ số MSCI toàn cầu đo thị trường chứng khoán của 50 quốc gia cũng giảm 0,45%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm tăng lên mức cao nhất 3 tháng, nhưng sau đó đã giảm trở lại. Lợi suất kỳ hạn 10 năm chốt phiên ở mức 3,9273%, thấp hơn một chút so với phiên trước.
Ông Mounah cho rằng, thị trường trái phiếu đã phản ánh hết triển vọng lãi suất tăng thêm, nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa phản ánh hết kỳ vọng đó.
Thị trường hiện tại vẫn dự đoán Ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% vào tháng 3, sau đó thêm một vài lần nữa để đưa phạm vi lãi suất lên mức cao nhất là 5,25% - 5,5%. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là mức lãi suất chuẩn cao nhất kể từ năm 2001. Đồng thời, thị trường cũng lo ngại rằng nếu Fed quá cứng rắn hoặc "đi quá xa" thì nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.
Biên cản cũng lưu ý rằng, một số thành viên coi nguy cơ suy thoái đang "tăng cao". Các quan chức khác lại nghĩ rằng Fed có thể tránh được một cuộc suy thoái và "hạ cánh mềm". Ngoài ra, họ cũng nhận thấy những yếu tố không chắc chắn ảnh hưởng đến triển vọng của họ với hoạt động kinh tế, thị trường lao động và lạm phát đó là mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và khả năng tăng trưởng của thị trường lao động có thể nóng hơn dự đoán trong thời gian tới.
Giá dầu “bốc hơi” 3%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,45 USD/thùng, tương đương với mức giảm 3%, còn 80,6 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau trên thị trường New York giảm 2,41 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 74,05 USD/thùng.
Nỗi lo lãi suất đã đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất trong 2 tuần trở lại đây. Lý giải về sự sụt giảm của giá "vàng đen", nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho rằng, dù các số liệu kinh tế Mỹ tốt hơn đồng nghĩa rằng nhu cầu đang tăng lên, nhưng mối lo lúc này là kinh tế còn mạnh thì buộc Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ thêm nữa để đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Điều này sẽ hỗ trợ cho đồng USD và ngược lại không có lợi cho giá dầu.
Trên thị trường tiền điện tử, giá Bitcoin duy trì xu thế biến động yếu trên mức 24.000 USD. Thời điểm 7h sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com ở mức 24.229 USD, giảm gần 0,9% so với trước đó 24 giờ và giảm hơn 2% so với cách đó 1 tuần.