Thị trường Chứng khoán Mỹ 22/2: Đồng loạt lao dốc vì nỗi lo lãi suất tăng cao
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ tăng điểm bất chấp việc nhà đầu tư lo Fed tăng lãi suất sau số liệu kinh tế tích cựcChứng khoán Mỹ giảm điểm sau số liệu lạm phát cao hơn dự kiếnDow Jones mất gần 250 điểm, chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuốngTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 21/2 đồng loạt lao dốc khi lợi suất trái phiếu kho bạc lên cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh mới của các doanh nghiệp bán lẻ được công bố cũng làm dấy lên lo ngại về năng lực tài chính của người tiêu dùng.
Theo đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 697 điểm, tương đương 2,06%, qua đó đóng cửa ở mức gần 33.130 điểm. Đây cũng là phiên lao dốc mạnh nhất của chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechips này tính từ ngày 15/12 với tỷ lệ giảm là 2,3%.
Chỉ số S&P 500 sụt giảm 2% và đóng cửa ở 3.997 điểm, đánh dấu phiên giảm sâu nhất kể từ mức giảm 2,5% của ngày 15/12. Toàn bộ 11 nhóm ngành chính của S&P 500 - thước đo độ rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall đều chốt phiên trong sắc đỏ, dẫn đầu là nhóm tiêu dùng không thiết yếu với mức giảm là 3,3%.
Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm mạnh nhất trong ba chỉ số chính khi mất 2,5% và dừng ở 11.492 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 3,9%, còn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên mức 4,7%. Cả hai lãi suất này đều ở mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 11, trong bối cảnh các nhà giao dịch tại Phố Wall bất an vì số liệu lạm phát gần đây nóng hơn so với dự báo. Các nhà đầu tư lo ngại rằng lạm phát dai dẳng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cao hơn dự báo cũng như giữ mức lãi suất cao lâu hơn kỳ vọng, từ đó đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Chiến lược gia trưởng Art Hogan của B. Riley Wealth cho rằng, thị trường chứng khoán cuối cùng đã hiểu những gì những gì mà thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ nói trong 2 tuần qua. Với mỗi số liệu tốt, chúng ta sẽ lại chứng kiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ nhích lên một chút.
Ông Hogan cho biết thêm rằng, thay vì xuất hiện một nhân tố lớn duy nhất kéo tụt thị trường, hiệu ứng cộng dồn của các dữ liệu kinh tế và thông điệp của Fed sẽ khiến các nhà đầu tư phải chú ý.
“Giờ đây, thị trường chứng khoán đã hiểu được sự thật những gì mà các quan chức Fed nói có ý nghĩa như thế nào với hoạt động kinh tế, các con số thống kê có nghĩa là lãi suất cao hơn và lâu hơn. Thị trường chỉ đang giảm bù lại phần chưa kịp giảm mà thôi”, Giám đốc chiến lược thị trường của B. Riley Wealth cho hay.
Phiên này, cổ phiếu Home Depot giảm mạnh nhất trong Dow Jones với mức giảm 7% sau khi công ty bán lẻ đồ trang trí nhà cửa này công bố doanh thu quý 4/2022 thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích. Đồng thời , nhà đầu tư cũng bày tỏ thất vọng khi Home Depot đưa ra triển vọng kinh doanh năm nay cũng không mấy sáng sủa.
Cú lao dốc mạnh của chứng khoán Mỹ đã kéo chứng khoán toàn cầu sụt giảm theo. Cụ thể, chỉ số MSCI của chứng khoán thế giới đóng cửa với mức giảm 1,59%, trong khi đó, Stoxx 600 của thị trường châu Âu có thời điểm giảm 1% trước khi hồi phục và đóng cửa với mức giảm 0,19%.
Ngày 22/2, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp diễn ra vào ngày 31/1-1/2. Các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất thêm 20 điểm cơ bản trong cuộc họp này. Việc nhà đầu tư cần làm là phân tích kỹ biên bản cuộc họp để phán đoán chính sách lãi suất tương lai.
Giá dầu giảm hơn 1%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London ghi nhận mức giảm 1,29 USD/ounce, tương đương giảm 1,5%, còn 82,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,29 USD/thùng, tương đương giảm 0,38%, còn 76,05 USD/thùng.
Những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu nói chung, đặc biệt là nền kinh tế mỹ khi nhiều khả năng lãi suất còn tiếp tục thắt chặt ở các nền kinh tế lớn vẫn đang phủ bóng lên tâm trí các nhà đầu tư.
Dẫu vậy, giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi những dấu hiệu của sự hạn chế về nguồn cung cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc tăng khi nước này mở cửa trở lại.
Dự kiến, Nga sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu khoảng 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 3, tương đương 5% tổng sản lượng dầu của nước này. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết, nhập khẩu dầu Nga của Trung Quốc đã đạt mức cao chưa từng thấy trong tháng 1 vừa qua.
Việc Trung Quốc tăng mạnh việc nhập khẩu dầu Nga là một bằng chứng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế nước này đang tăng tốc và điều này có thể là nguồn lực hỗ trợ quan trọng cho giá dầu trên toàn cầu. Trung Quốc đang cạnh tranh với Ấn Độ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu Nga lớn nhất, khi cuộc chiến tranh tại Ukraine làm dịch chuyển dòng dòng chảy năng lượng toàn cầu.
Bên cạnh đó, khả năng Fed thắt chặt chính sách thêm nữa trong thời gian lâu hơn cũng đẩy tỷ giá đồng bạc xanh tăng, tạo thêm áp lực giảm giá lên vàng. Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định rằng, giá dầu trong phiên này vẫn phải đương đầu với mối lo cũ, rằng đồng USD sẽ mạnh lên và lãi suất còn tiếp tục tăng nữa.
Ở diễn biến khác, trên thị trường tiền điện tử, giá Bitcoin ổn định trên ngưỡng 24.000 USD. Thời điểm hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở mức 24.442 USD, giảm 1,5% so với cách đó 24h trước, nhưng tăng hơn 10,2% so với cách đó 1 tuần.