Thị trường chứng khoán Mỹ 3/3: Dow Jones tăng hơn 300 điểm sau phát biểu của quan chức Fed
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán Mỹ 1/3: Dow Jones mất 232 điểm, giảm hơn 4% trong tháng 2Thị trường chứng khoán Mỹ 28/2: Tăng nhẹ nhờ lợi suất trái phiếu giảmThị trường chứng khoán Mỹ 24/2: Chứng khoán Mỹ hồi phục, cổ phiếu công nghệ và năng lượng đi lên mạnh nhấtTheo Doanh nghiệp và kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 2/3 đồng loạt đi lên sau khi các nhà đầu tư phớt lờ những lo ngại về lãi suất có thể sẽ tăng lên trong cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21-22/3 tới đây.
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức tăng 342 điểm, tương đương 1.05%, qua đó lấy lại mốc 33.000 điểm. Phiên hôm nay, cổ phiếu Salesforce tăng vọt 11,5% và hỗ trợ đắc lực cho chỉ số Dow Jones sau khi công ty phần mềm này công bố kết quả kinh doanh quý kết thúc vào ngày 31/1 cũng như dự báo hoạt động trong thời gian tới đều đạt khả quan hơn so với kỳ vọng của giới phân tích.
Tương tự, chỉ số S&P 500 tăng 0,76% lên 3.981 điểm. Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng ít nhất với tỷ lệ 0,73%, kết phiên ở ngưỡng 11.463 điểm.
Cũng giống như những phiên giao dịch gần đây, giới đầu tư tiếp tục nghiền ngẫm về các số liệu kinh tế để có thể định hình kỳ vọng về các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed. Số liệu công bố vào ngày thứ Năm vừa qua đã cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp một lần nữa lại giảm, đây là dấu hiệu cho thấy sự thắt chặt của nguồn cung lao động và sự cần thiết phải duy trì chính sách thắt chặt.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư bớt lo lắng hơn sau khi ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta cho biết, ông "nhiệt liệt" ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào ngày 21,22/3 sắp tới.
Các chỉ số đã giảm điểm vào đầu phiên giao dịch, nhưng đã chuyển sang trạng thái "xanh" sau khi phát biểu này của ông Bostic được đưa ra.
Fed đã từng nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong 4 cuộc họp liên tiếp của năm 2022. Mức tăng này được điều chỉnh còn 50 điểm phần trăm vào tháng 12 và tiếp tục xuống còn 25 điểm phần trăm vào tháng 2 vừa qua.
Ông James Bullard, Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Fed từng tuyên bố hồi giữa tháng 2 rằng ông ủng hộ việc tăng lãi suất 50 điểm phần trăm để dứt khoát kiềm chế lạm phát.
Ngày 1/3 vừa qua, ông Neel Kashkari, Chủ tịch chi nhánh Minneapolis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng cho biết, ông "sẵn sàng xem xét" phương án nâng lãi suất mạnh hơn trong cuộc họp vào ngày 21 – 22/3 sắp tới, “có thể là 25 hoặc 50 điểm cơ bản”.
Theo đó, quan điểm nâng lãi suất 25 điểm phần trăm của ông Bostic là ôn hòa hơn so với một số quan chức khác của Fed và cũng là mức điều chỉnh lãi suất tối thiểu của Ngân hàng trung ương Mỹ.
Phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu Tesla đã giảm 5,8% sau khi tập đoàn xe điện này không công bố các thế hệ xe điện mới tại sự kiện rất được mong đợi ngày 1/3 vừa qua. Tương tự, cổ phiếu Silvergate Capital cũng mất gần 58% sau khi ngân hàng tiền mã hóa này hoãn công bố báo cáo thường niên.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đều đi lên trong phiên giao dịch 2/3. Trong đó, cổ phiếu tiện ích công cộng và công nghệ thông tin là những nhóm đi lên mạnh mẽ nhất, ngược lại cổ phiếu tài chính đóng cửa trong sắc đỏ.
Tại châu Âu, số liệu lạm phát mới nhất đã củng cố thêm khả năng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng này, dù lãi suất cơ bản của đồng Euro đã ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cơ quan thống kê Eurostat cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại 20 quốc gia trong khu vực này ghi nhận tăng 8,5% trong tháng 2, giảm rất ít so với mức tăng 8,6% của tháng 1, đồng thời cao hơn mức dự báo tăng 8,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giằng co trước khi kết phiên với mức tăng 0,51%. Ngoài ra, chỉ số MSCI của chứng khoán thế giới cũng tăng 0,37%.
Chiến lược gia đầu tư toàn cầu Kevin Gardiner của Rothschild & Co. nhận định, thị trường cổ phiếu và trái phiếu thời gian gần đây bị chi phối với nhiều yếu tố khác nhau. Mối lo chính của giá cổ phiếu hiện tại nằm ở kỳ vọng suy giảm về lợi nhuận doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất tăng, trong khi trái phiếu nhạy cảm với lạm phát và những kỳ vọng về lãi suất.
Phiên giao dịch thứ Năm, trái phiếu chính phủ bị bán mạnh ở cả thị trường Mỹ và châu Âu, sau khi các chỉ báo lạm phát củng cố thêm kỳ vọng rằng lãi suất sẽ tăng cao hơn và duy trì ở trong thời gian lâu hơn. Giá trái phiếu giảm đã khiến lợi suất tăng, trong đó lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.
Tại Mỹ, hoạt động sản xuất trong tháng 2 ghi nhận giảm tháng thứ 4 liên tiếp, nhưng một chỉ số đo giá nguyên liệu thô lại tăng, làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát sẽ dai dẳng.
Ông Steven Oh, trưởng bộ phận tín dụng và trái phiếu toàn cầu của PineBride Investments cho biết, các dữ liệu kinh tế đều mạnh hơn kỳ vọng. Vị chuyên gia cho rằng, bất kỳ con số vượt kỳ vọng nào cũng có thể khiến các nhà hoạch định chính sách trở nên cứng rắn hơn.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà đầu tư đang đặt cược 50-50 với khả năng tới tháng 9 năm nay, lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng từ mức 4,5-4,75% hiện nay lên mức 5,5-5,75%.
Một báo cáo của Wells Fargo dự báo lãi suất sẽ ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn và thị trường chứng khoán tiếp tục sẽ biến động trong thời gian tới, đồng thời cho rằng các dữ liệu kinh tế khả quan hơn dự báo đã đẩy rủi ro xảy ra suy thoái kinh tế sang nửa sau của năm 2023.