Thị trường chứng khoán Mỹ 2/3: Giảm điểm vì lợi suất trái phiếu leo thang
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán Mỹ 28/2: Tăng nhẹ nhờ lợi suất trái phiếu giảmThị trường chứng khoán Mỹ 24/2: Chứng khoán Mỹ hồi phục, cổ phiếu công nghệ và năng lượng đi lên mạnh nhấtThị trường chứng khoán Mỹ ngày 23/2: Dow Jones tiếp tục đi xuống sau biên bản cuộc họp FedTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite của thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 1/3 diễn biến tiêu cực khi lợi suất trái phiếu kho bạc tiếp tục lên cao.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 giảm 0,47% xuống còn 3.951 điểm, trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,66% còn 11.379 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones gần như đi ngang khi chỉ nhích tăng 5 điểm, kết phiên ở mức gần 32.662 điểm.
Thị trường cổ phiếu diễn biến tiêu cực khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ duy trì đà tăng trong tháng 2. Với lợi suất kỳ hạn 10 năm có thời điểm vượt 4% lần đầu tiên kể từ tháng 11, trong khi lợi suất kỳ hạn 1 năm vượt 5%. Xu hướng tăng của lợi suất đã phản ánh kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ kéo dài việc tăng lãi suất để chống lạm phát.
Phiên giảm điểm vừa qua diễn ra ngay sau khi giá cổ phiếu ở Phố Wall ghi nhận cú giảm mạnh trong tháng 2. Nếu tính từ đầu năm đến nay, chỉ số Dow Jones đang trong trạng thái giảm, trong khi cả 2 chỉ số chính còn lại vẫn giữ được một phần thành quả tăng giá đã đạt được trong tháng 1.
Trong một bài phát biểu vào thứ 4, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari cho biết ông "cởi mở với khả năng" tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng này. Theo ông Kashkari, đó có thể là 0,25 điểm phần trăm hoặc 0,5 điểm phần trăm, nhưng cho biết chưa đi đến một quyết định cụ thể nào.
Nhận định trên CNBC, Giám đốc đầu tư William Northey của US Bank Wealth Management cho rằng, chúng ta đang ở trong một thời kỳ biến động, khi các ngân hàng trung ương bước vào giảm tốc chu kỳ tăng lãi suất cũng như chờ xem ảnh hưởng của những đợt tăng lãi suất đã có với nền kinh tế thực. Vị giám đốc cho biết, diễn biến thị trường trong 2 tháng đầu tiên của năm bị ảnh hưởng chủ yếu bởi những thay đổi nhỏ trong kỳ vọng về đường đi của chính sách tiền tệ năm 2023.
Ông Northey cho biết thêm rằng sắp tới, môi trường đối với trái phiếu sẽ tốt lên, tuy nhiên thị trường chứng khoán thế giới và Mỹ sẽ tiếp tục giằng co theo 2 hướng, khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về sức khỏe của người tiêu dùng và hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo số liệu của The Stock Trader’s Almanac, thị trường chứng khoán diễn biến khá tích cực trong tháng 3. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 ghi nhận mức tăng trung bình 0,9% và 1,1% trong các tháng 3 trước đây, mức cao thứ 5 trong 12 tháng của năm.
Tuy nhiên, thị trường những năm gần đây biến động khá mạnh vào tháng 3. Cụ thể, Dow Jones mất 13,7% vào tháng 3/2020, tăng 6,6% vào tháng 3/2021 và tăng 2,3% vào tháng 3 năm ngoái.
Số liệu được công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng đã tăng tốc trong tháng 1, làm thổi bùng lên kỳ vọng về tăng lãi suất. Một số chuyên gia đang tính đến khả năng Fed phải áp dụng lại nước nhảy lãi suất 0,5 điểm phần trăm sau khi đã giảm tốc về 0,25 điểm phần trăm trong tháng 2.
Tính từ đầu năm, chứng khoán toàn cầu vẫn tăng điểm, nhưng chỉ giữ lại được 1 phần nhỏ thành quả của tháng 1 vì đã giảm nhiều hơn trong tháng 2.
Giá dầu tăng nhẹ nhờ nhu cầu ở Trung Quốc khởi sắc
Phiên 1/3, thị trường thời gian đầu nhận được một cú huých từ số liệu khả quan hơn dự báo của Trung Quốc. Cụ thể, Tổng cục Thống kê nước này cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của tháng 2 đã tăng lên mức 52,6 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.
Dữ liệu này đã củng cố thêm những tia hy vọng của nhà đầu tư trên thị trường dầu thô về sự khởi sắc của nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đồng thời cũng là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giá dầu được cho vẫn chịu áp lực giảm từ những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu đang dồi dào, bao gồm cả sự gia tăng của lượng dầu tồn kho ở Mỹ.
Đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,86 USD/thùng, tương đương tăng 1%, chốt phiên ở 84,31 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,64 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, đạt 77,69 USD/thùng.
Số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu của nước này tăng thêm 1,2 triệu thùng vào tuần trước, đạt 480,2 triệu thùng, mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2021. Mức tăng này vượt xa so với dự báo của giới phân tích qua đó đánh dấu tuần tăng thứ 10 liên tiếp của tồn kho dầu thương mại tại Mỹ.
Chủ tịch Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates nhận định, khi nào số dầu tồn kho ở cảng dầu Cushing của Mỹ chưa giảm thì giá dầu khó có khả năng bứt phá.
Ở diễn biến khác, sản lượng dầu của Nga trong tháng 2 vừa qua lần đầu tiên ghi nhận mức như trước khi ngành dầu lửa của nước này phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát của Reuters cũng cho thấy sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã tăng trong tháng 2.
Chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và đây có thể chỉ là một nhân tố tích cực đối với giá dầu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng sự dồi dào của nguồn cung dầu tại Nga sẽ gây áp lực mất giá đối với dầu.
Theo kế hoạch triển khai từ tháng 3 này, Nga sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu 625.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, giới phân tích cho biết chưa rõ việc cắt giảm sản lượng dầu này của Nga sẽ ảnh hưởng thế nào tới giá dầu trong thời gian tới.