Thị trường chứng khoán hôm nay 7/3: Khối ngoại "quay xe" mua ròng, VN-Index có thêm gần 11 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 3/3: Thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index giảm tiếp 13 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 2/3: VN-Index giảm nhẹ 3 điểm, cổ phiếu điện ngược dòng tăng tốtThị trường chứng khoán hôm nay 1/3: Cổ phiếu dầu khí, thép nổi sóng, VN-Index bật tăng 16 điểmVN-Index có thêm gần 11 điểm
Theo Tin nhanh chứng khoán, tương tự những phiên giao dịch thời gian gần đây, chỉ số VN-Index mở cửa phiên giao dịch sáng 7/3 trong sắc xanh với trụ đỡ chính là nhóm cổ phiếu bluechips, dù cho không nhận được tín hiệu tích cực từ dòng tiền sôi động. Lực cầu hạn chế cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số này không thể bật tăng trong phiên sáng.
Bước sang phiên chiều, VN-Index một lần nữa bật tăng ngay sau giờ nghỉ trưa, vượt qua mốc 1.040 điểm, tuy nhiên áp lực tại vùng giá cao đã nhanh chóng khiến chỉ số hạ độ cao. Dù vậy, nếu so với phiên sáng, cầu đỡ giá hoạt động tích cực hơn và vẫn tập trung ở nhóm bluechips, nhờ đó chỉ số chính vẫn trụ vững quanh vùng giá cao này.
Chốt phiên, sàn HoSE ghi nhận 210 mã tăng và 160 mã giảm, VN-Index tăng 10,66 điểm (+1,04%) lên 1.037,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 473,16 triệu đơn vị, giá trị 8.250,94 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên 6/3. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 48,5 triệu đơn vị, giá trị 1.213,8 tỷ đồng.
Với 90 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index tăng 0,94 điểm (+0,46%) lên 207,50 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt mức 44,97 triệu đơn vị, tương đương giá trị 695,07 tỷ đồng, giảm 11,5% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,76 triệu đơn vị, giá trị gần 138 tỷ đồng.
Đóng cửa với 132 mã tăng và 122 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,23%) lên 76,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 17,51 triệu đơn vị, giá trị 222,9 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên 6/3. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 14 tỷ đồng.
Phiên hôm nay, rổ VN30 ghi nhận 27/10 mã tăng điểm. Trong đó, MSN (+5.24%) là mã có mức tăng ấn tượng nhất, bên cạnh đó còn có một số cái tên đáng chú ý khác như SSI (+3.47%), HPG (+3.43%) hay HDB (+2.78%). Ngược lại, NVL (-1.81%) và TCB (-0.37%) là hai cổ phiếu duy nhất đóng cửa giảm điểm.
Sự trở lại của nhóm ngân hàng cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường đi lên hôm nay. Cụ thể, chỉ có 3 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong phiên hôm nay là TCB (-0,4%), BAB (-2%) và VBB 9-6,3%). Bên cạnh đó, 5 mã đứng giá tham chiếu là OCB, VIB, ABB, NAB và MSB. Ở chiều ngược lại, BID tăng 2,4%, CTG tăng 2,29%, VPB tăng 1,75%, HDB tăng 2,78%, EIB tăng kịch trần.
Cũng trong ngành tài chính, cổ phiếu chứng khoán ghi nhận giao dịch khá tích cực. Sắc xanh bao phủ gần 20 cổ phiếu với SSI tăng 3,47%, VND tăng 2,53%, VCI tăng 3,26%, HCM tăng 3,88%, FTS tăng 2,17%, ORS tăng 5,38%...
Cổ phiếu bất động sản không còn giữ được sự hưng phấn của phiên giao dịch hôm qua. Kỳ vọng từ Nghị định 08 về trái phiếu dường như chưa thể nối dài đà tích cực cho nhóm này. Trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, BCM, VRE đều "xanh mướt", tăng lần lượt 0,19%, 0,48%, 0,36% và 1,72%. Các mã vốn hóa nhỏ hơn lại diễn biến phân hóa rất rõ rệt, KBC tăng 1,16%, KOSS tăng 0,13%, PDR tăng 0,89%, VCG tăng 1,52% nhưng NVL lại giảm 1,81%, DIG giảm 4,78%, DXG giảm 2,78%, CRE giảm 2,08%, DXS giảm 1,52%, còn VPI, LGC, NLG, HDG, AGG đều đứng giá tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu thép có màn thể hiện ấn tượng trong phiên hôm nay. Ngoài HPG tăng 3.43%, hai cổ phiếu đầu ngành còn lại là NKG (+6.45%) và HSG (+4.89%), đóng góp không nhỏ vào đà hồi phục của thị trường.
Nhóm cổ phiếu thép đang được kỳ vọng nhờ giá thép lên cao. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã liên tục được điều chỉnh tăng, với tổng mức tăng lên hơn 1 triệu đồng/tấn. Mặc dù đà tăng hiện tại đã chậm lại, nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu tại thị trường Trung Quốc phục hồi cũng như mục tiêu giải nhân đầu tư công trong nước dự kiến tăng 20-25%.
Thanh khoản hôm nay tăng về cuối phiên, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 7.000 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều tăng, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất ngày 16/3/2023 là VN30F2303 tăng 17,9 điểm (+1,8%) lên 1.027,5 điểm, khớp lệnh hơn 448.293 đơn vị, khối lượng mở 56.799 đơn vị.
Khối ngoại quay xe mua ròng hàng trăm tỷ đồng
Sau 14 phiên liên tiếp bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay đã quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng giá trị gần 206 tỷ đồng.
Trên HoSE, khối ngoại mua ròng giá trị xấp xỉ 159 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu STB được mua ròng mạnh nhất với giá trị 66 tỷ đồng. Xếp ở vị trí tiếp theo trong danh sách mua ròng là CTG với 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại cũng mua ròng HDB và HSG với giá trị là 37 và 25 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, HPG chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với giá trị 53 tỷ đồng, theo sau là DGW, DCM bị khối ngoại bán khoảng 14 và 12 tỷ đồng mỗi mã.
Khối ngoại hôm nay cũng mua ròng 49 tỷ đồng trên sàn HNX. Tại chiều mua, cổ phiếu IDC được nhà đầu tư nước ngoài mua 26 tỷ đồng. Tương tự, các mã PVS, TNG, CEO cũng được mua ròng đồng loạt mỗi cổ phiếu từ vài tỷ đồng. Ngược lại, IVS hôm nay bị bán ròng khoảng gần 300 triệu đồng, ngoài ra khối ngoại cũng bán ròng tại MDC, TVD, NVB,...
Trên UPCoM, khối ngoại bán ròng gần 2 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu BSR hôm nay được mua 0,7 tỷ đồng, ngoài ra, QTP, MCH, VOC cũng đồng loạt được mua ròng từ vài trăm triệu đồng mỗi cổ phiếu. Trong khi đó, VEA hôm nay bị nhà đầu tư ngoại bán ròng khoảng 1,4 tỷ đồng; họ cũng bán ròng tại CLX, VTP, SAS,...