Thị trường chứng khoán hôm nay 5/9: Chứng khoán mất điểm phiên đầu tuần, cổ phiếu thép nổi sóng
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 31/8: VN-Index bảo toàn được sắc xanh trước nghỉ lễ 2/9Thị trường chứng khoán hôm nay 30/8: Cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng, VN Index tăng hơn 8 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 29/8: Cổ phiếu dầu khí, phân bón nổi sóng trong phiên VN-Index giảm 12 điểmVN-Index giảm hơn 3 điểm
Theo tin nhanh chứng khoán, mặc dù phần lớn thời gian chỉ số VN-Index chỉ giao dịch trên mốc tham chiếu, nhưng áp lực bán về cuối phiên đã khiến thị trường đảo chiều giảm nhẹ.
Tâm lý không mấy tích cực ở cuối phiên sáng tiếp tục lan sang phiên chiều. Chỉ số VN-Index có thời điểm le lói sắc xanh nhưng lực bán vẫn chiếm ưu thế và khiến thị trường nhanh chóng chuyển đỏ.
Điểm đáng chú ý là dòng tiền vẫn luân chuyển qua các nhóm ngành và sự trở lại của nhóm cổ phiếu thép trong phiên hôm nay khi hàng loạt mã đua nhau tăng trần cùng thanh khoản vượt trội.
Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm 3,16 điểm (-0,25%) xuống 1.277,35 điểm với 168 mã tăng và 283 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 524.68 triệu đơn vị, giá trị 13.402 tỷ đồng, tăng hơn 5% cả về khối lượng và giá trị so với phiên trước đó ngày 31/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 58,52 triệu đơn vị, giá trị 1.776,44 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,31%) lên 292,82 điểm với 81 mã tăng và 110 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,65 triệu đơn vị, giá trị 1.359,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,26 triệu đơn vị, giá trị 71,44 tỷ đồng.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,67 điểm (-0,72%) xuống 91,78 điểm với 154 mã tăng và 147 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 548,18 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,64 triệu đơn vị, giá trị 7,85 tỷ đồng.
Cổ phiếu thép dậy sóng
Phiên hôm nay, nhóm vốn hóa lớn gây tác động xấu nhất khi chỉ số VN30 mất 3,29 điểm (-0,25%) với 21 mã giảm giá, 6 mã tăng và 3 mã đứng giá. Trong khi nhóm vốn hóa nhỏ VNSML chỉ giảm 0,11% và vốn hóa vừa VNMID thậm chí tăng nhẹ 0,06%.
Xét từng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng đi xuống mạnh do mã đầu ngành là VCB của Vietcombank mất 1,7% giá trị về 82.600 đồng. Cùng với đó là đóng góp tiêu cực của BID khi giảm 1,3% còn 39.500 đồng hay VPB rớt 1,6% xuống còn 31.300 đồng, CTG giảm 1,06%, VIB giảm 1,8%, HDB giảm 1,12%. Các cổ phiếu còn lại trên HoSE giảm nhẹ dưới 1%, ngoại trừ TPB đứng giá tham chiếu.
Một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng bị điều chỉnh có thể kể đến như MWG của Thế Giới Di Động bị bán mạnh xuống 2% ở mức 72.500 đồng, BCM của Becamex mất 1,6% về 90.500 đồng hay GAS giảm 0,6% giá trị.
Cổ phiếu chứng khoán giao dịch khá hơn khi VCI tăng 0,81%, HCM tăng 1,34%, FTS tăng 0,65%, BSI tăng 0,68%. Dù vậy, vẫn ghi nhận SSI giảm 1,25%, VND giảm 1,38%, VIX giảm 1,47%, ORS giảm 1,67%, VDS giảm 4,41%.
Nhóm bất động sản cũng diễn biến phân hóa khi VIC tăng 0,47%, NLG tăng 0,72%, DXS tăng 4,87%, VCG tăng 3,7%, DPG tăng 1,84%, HHV tăng 1,34% trong khi NVL giảm 0,49%, BCM giảm 1,63%, VRE giảm 0,54%, PDR giảm 0,54%, KDH giảm 0,54%, KBC giảm 1,01%, DIG giảm 0,79%, FLC giảm kịch sàn.
Tâm điểm thị trường hôm nay phải kể đến nhóm cổ phiếu ngành thép với nhiều mà được kéo lên mức giá trần như HSG, TLH hay NKG. Mã đầu ngành là HPG của Hòa Phát cũng tăng vọt 3,9% để lên mức 23.900 đồng. Một số mã khác cũng có mức tăng ấn tượng như VGS đột biến 9,2%, TVN tăng 5,9% hay POM tăng 4,3%...
Ba mã giao dịch tích cực nhất trên thị trường hôm nay đều thuộc nhóm thép cho thấy dòng tiền chảy vào rất mạnh. Đáng chú ý, NKG của Nam Kim khớp nhiều nhất hơn 27,8 triệu cổ phiếu, tiếp đến là mã HPG với gần 26,3 triệu đơn vị và HSG với hơn 25,5 triệu đơn vị.
Nhóm thép hút dòng tiền sau những thông tin về việc các nhà máy thép tại châu Âu phải đóng cửa vì thiếu khí đốt, cùng với việc Trung Quốc bơm 29 tỷ USD để hoàn thành các dự án bất động sản dở dang khiến các nhà đầu tư kỳ vọng vào xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sáng hơn.
Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận điểm sáng đến từ nhóm năng lượng do cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu. Đa phần các mã ngành điện và dầu khí có được sắc xanh, đáng kể như PVD tăng 3,9%, PVC đi lên 2,7%, ASM có thêm 1,3% hay PC1 tăng 1,1%...
Nhìn chung, thị trường có phần nghiên về bên bán với sắc đỏ chiếm ưu thế. Toàn sàn ghi nhận 540 mã giảm, 193 mã đứng tại tham chiếu và 403 mã giảm giá.
Về thanh khoản thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc để thu hút dòng tiền trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Theo đó, tổng giá trị giao dịch đạt 15.412 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh riêng trên sàn HoSE giảm nhẹ 0,5% về 11.625 tỷ đồng.
Khối ngoại phiên hôm nay bán ròng 368 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó nhà đầu tư ngoại thực hiện bán ròng 402 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 38 tỷ đồng trên sàn HNX và bán ròng hơn 4 tỷ đồng trên UPCoM.
Trên HoSE, khối ngoại bán ròng 402 tỷ đồng. Cụ thể, NVL dẫn đầu về giá trị bán ròng với 225 tỷ đồng. Tiếp đến, họ tập trung rút ròng VCB trong phiên mã này giảm khá sâu với giá trị 40 tỷ đồng. Tương tự, SSI và FUEVDVND cũng bị bán ròng với giá trị lần lượt là 35 tỷ đồng và 29 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, giao dịch mua tập trung ở VNM với hơn 86 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại cũng mua ròng PVD (61 tỷ đồng), CMG (18 tỷ đồng), PVT (11 tỷ đồng)...
Tại sàn HNX, khối ngoại mua ròng 38 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua tại PVS với hơn 35 tỷ đồng. Các mã IDC và PVI cũng được mua ròng với giá trị lần lượt là gần 5,6 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng.
Với diễn biến trên UPCoM, dòng tiền khối ngoại thực hiện bán ròng 4 tỷ đồng trong phiên hôm nay, tập trung bán ròng ở các mã SIP (1,6 đồng), NTC (1,4 tỷ đồng), BRS (1,1 tỷ đồng).