Thị trường chứng khoán hôm nay 30/6: Bán tháo cuối phiên, VN-Index lại mất mốc 1.200 điểm trong phiên cuối tháng 6
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 29/6: Lực cầu tăng mạnh cuối phiên kéo VN-Index hồi sát mốc tham chiếuThị trường chứng khoán hôm nay 28/6: "Cổ phiếu vua" trở lại dẫn dắt VN Index tăng hơn 15 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 27/6: Cổ phiếu blue-chips kéo VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểmVN-Index bị bán tháo cuối phiên và mất mốc 1.200 điểm
Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tháng 6 ghi nhận những diễn biến không mấy tích cực với sự lao dốc của nhóm vốn hóa lớn. Tiếp nối xu hướng giằng co trong phiên hôm qua, các nhịp tăng giảm đổi màu xung quanh mốc tham chiếu diễn ra suốt phiên sáng. Sang đến phiên chiều, áp lực cung dâng cao tại nhóm Bluechips cũng như lực cầu yếu đi khiến cho VN-Index giảm sâu càng về cuối phiên.
Theo Tin nhanh chứng khoán, chốt phiên, sàn HoSE có 89 mã tăng và 371 mã giảm, VN-Index giảm 20,49 điểm (-1,68%), xuống 1.197,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 510,2 triệu đơn vị, giá trị 11.326,7 tỷ đồng, giảm gần 9% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,6 triệu đơn vị, giá trị 1.081,3 tỷ đồng.
Sàn HNX có 56 mã tăng và 145 mã giảm, HNX-Index giảm 4,66 điểm (-1,65%), xuống 277,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,64 triệu đơn vị, giá trị 1.074,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,3 triệu đơn vị, giá trị 55,3 tỷ đồng.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,34%), xuống 88,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,6 triệu đơn vị, giá trị 575,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,64 triệu đơn vị, giá trị 48,5 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua với sắc đỏ áp đảo. Toàn sàn ghi nhận 684 mã giảm giá và chỉ 271 mã tăng giá, đồng nghĩa cứ 2 mã tăng thì có 5 mã giảm giá tương ứng.
Cổ phiếu lớn lao dốc
Diễn biến bán tháo xảy ra trên toàn sàn, ở hầu hết nhóm ngành và vốn hóa, gần như không có lực kéo lên đáng kể. Trong đó, rổ VN30 rớt 24,48 điểm (-1,92%) với 27/30 mã chìm trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu trụ là tác nhân lớn nhất kéo chỉ số trong phiên hôm nay. Cụ thể, lần lượt BID rơi 4% về 33.500 đồng, VHM mất 1,9% xuống 62.100 đồng và VPB giảm 3,3% còn 29.000 đồng là top 3 mã tác động xấu nhất.
Cổ phiếu ngân hàng gần như chìm trong áp lực bán, trong đó BID giảm 4,01%, VPB giảm 3,33%, CTG giảm 2,61%, TCB giảm 3,27%, MBB giảm 2,02%, HDB giảm 1,64%, VIB giảm 4,02%, STB giảm 4,87%, SHB giảm 3,57%, OCB giảm 3,72%.
Cổ phiếu chứng khoán phân hóa hơn. Mặc dù VND giảm 6,2%, SSI giảm 4,81%, HCM giảm 6,7%, VIX giảm 6,87%, VCI và BSI giảm kịch sàn nhưng vẫn có FTS tăng 2,99%, TVS tăng kịch trần.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản - có vốn hóa chỉ xếp sau ngân hàng - thậm chí còn tiêu cực hơn khi VHM giảm 1,9%, DIG giảm 6,84%, DXG giảm 4,41%, NLG giảm 4,15%, TCH giảm 4,46%, HDC giảm 3,52%, CII giảm 6,21%, CTD giảm 3,76%, ITA và HQC giảm kịch biên độ.
Trong phiên cuối tháng, cổ phiếu hàng hóa ghi nhận sự điều chỉnh manh. Trong đó, nhóm thép có HSG của Hoa Sen về sát giá sàn và HPG của Hòa Phát mất 2%. Nhóm thủy sản ghi nhận ANV rơi 5,4% hay FMC giảm 3,4%.
Nhóm đầu cơ cũng không còn diễn biến tích cực trước áp lực chung khi BII của Louis Land đã quay đầu giảm sàn. ROS của FLC Faros sau chuỗi tăng sốc cũng chuyển về sắc xanh lơ. Nhóm Apec về sát giá sàn. Ngoài ra còn có FIT, ITA, HQC, L14... đã giảm sàn.
Điểm sáng của thị trường hôm nay đến từ một số cổ phiếu riêng lẻ, nhưng không tạo ra tác động quá lớn. Trong đó BCM của Becamex bất ngờ được mua lớn để kéo 3,9% lên giá cao nhất ngày tại 67.000 đồng.
Bên cạnh đó còn có sự góp sức của bộ đôi cổ phiếu phân bón DPM tăng 2% và DCM tăng 1,4%. Hay như cổ phiếu ngành đường SBT kéo lên sát giá trần tại 18.650 đồng, cổ phiếu ngành điện PGV tăng 2,3%.
Nhìn chung, thanh khoản thị trường không có nhiều biến động so với hôm qua, vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt 13.096 tỷ đồng. Riêng khớp lệnh sàn HoSE tăng nhẹ lên 10.561 tỷ đồng.
Tính chung trên cả 3 sàn, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 13 tỷ đồng phiên hôm nay. Cụ thể, khối ngoại rót ròng nhẹ trên HoSE, HNX và UpCOM với giá trị lần lượt là 3 tỷ, 2 tỷ và 8 tỷ đồng. Cả chiều mua vào và bán ra của khối này đều không có nhiều trường hợp nổi bật.
Như vậy, VN-Index lại chính thức mất mốc 1.200 điểm một lần nữa, xu hướng thị trường vẫn chưa xác định rõ khi mô hình 2 đáy vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, bởi vẫn chưa xác nhận hoàn toàn tại yếu tố thanh khoản.
Trước những diễn biến này, chuyên gia Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco cho rằng thời điểm hiện tại vẫn tương đối nhạy cảm để có thể tham gia bắt đáy, đặc biệt khi chỉ số đang tiến gần tới các vùng cản ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao và quan sát thêm hành động của các Quỹ đầu tư trong các phiên cuối tháng này để đưa ra quyết định xuống tiền hợp lý.
Bàn về sự chuyển dịch của dòng tiền từ nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa sang cổ phiếu nhóm ngành tài chính, ông Khoa đánh giá giai đoạn vừa qua, trước diễn biến leo thang của giá hàng hóa, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực và điều đó cũng được phản ánh vào giá của cổ phiếu. Trong khi đó, nhóm tài chính hầu hết lại ghi nhận giá cổ phiếu dao động không quá khả quan trong giai đoạn vừa rồi.
"Cơ hội đầu tư theo tôi không trải dài trên toàn bộ ngành mà sẽ tập trung vào một số đại diện lớn, có cơ cấu tài sản an toàn thuộc nhóm Ngân hàng, khi nhóm này vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tốt tới Quý 1 vừa qua và dự kiến có thể duy trì tăng trưởng trong Quý 2 này", ông Nguyễn Anh Khoa đánh giá.