Thị trường chứng khoán hôm nay 29/6: Lực cầu tăng mạnh cuối phiên kéo VN-Index hồi sát mốc tham chiếu
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 28/6: "Cổ phiếu vua" trở lại dẫn dắt VN Index tăng hơn 15 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 27/6: Cổ phiếu blue-chips kéo VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 23/6: VN-Index bật tăng gần 20 điểm dù thanh khoản xuống thấp nhất kể từ tháng 11/2020VN-Index đi ngang dù sắc đỏ lấn lướt sắc xanh
Theo Nhịp sống kinh tế, sau hai phiên bung sức, thị trường chứng khoán hôm nay lại chứng kiến những nhịp giằng co. Lực cầu cuối phiên kéo chỉ số về sát ngưỡng tham chiếu. Tuy biên độ giảm không mạnh, song có thể thấy tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng trước nhịp điều chỉnh mạnh của chứng khoán quốc tế phiên hôm qua.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,01 điểm xuống 1.218 điểm. HNX-Index giảm 1,52 điểm (0,54%) xuống 282 điểm và UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (0,14%) xuống 88 điểm.
Do vẫn đóng cửa dưới tham chiếu nên hôm nay vẫn được xem là một phiên giảm của VN-Index. Tuy nhiên thị trường đúng với tính chất cân bằng hơn, khi độ rộng không quá chênh lệch, đồng thời hầu hết cổ phiếu có nhịp phục hồi rất tốt buổi chiều.
Trong ngày hôm nay, khi số liệu GDP quý 2/2022 được công bố - với một con số tăng trưởng 7.72% - thì những diễn biến trên thị trường chứng khoán không cho thấy sự đồng pha. Điều này cho thấy cái nhìn của người tham gia thị trường về tương lai vẫn còn khá bi quan. Sau một giai đoạn giá xuống nặng nề, tâm lý thị trường không dễ dàng vực dậy chỉ với một vài thông tin tốt, đặt giữa bối cảnh nền kinh tế và cả thị trường tài chính đang ở trong một môi trường bất định nhất trong nhiều thập kỷ.
Cổ phiếu Thép, Chứng khoán, Ngân hàng bứt phá mạnh
Nhóm cổ phiếu Blue-chips phiên hôm nay có sự phân hoá khá rõ nét. Bộ đôi VIC và VHM trở thành lực cản lớn cho chỉ số khi chìm trong sắc đỏ. Mặt khác, việc nhiều cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán giữ được phong độ tốt cũng góp công lớn thu hẹp đà giảm của chỉ số.
Tuy chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất khi mở cửa, song nhóm cổ phiếu ngân hàng đã nhanh chóng đảo chiều và lấy lại sắc xanh. Thậm chí nhóm này trở thành lực đỡ khá quan trọng giúp thị trường né được cú giảm sâu trong cuối phiên. Cụ thể, BID có thêm 3,71% giá trị, VIB tăng 1,36%, các cổ phiếu như CTG, TCB, HDB, STB, SSB, MSB, OCB, LPB tăng chưa tới 1%. Ở chiều ngược lại, VCB giảm 1,05%, ACB giảm 1,22%, SHB giảm 1,06%, TPB giảm 0,72% và EIB giảm 4,62%. VPB và MBB đều đứng giá tham chiếu.
Ở nhóm bất động sản, VIC giảm 0,27%, VHM giảm 0,78%, VRE giảm 1,39%, PDR giảm 1,13%, DIG giảm 1,55%, DXG giảm 4%, TCH giảm 2,61%, DXS giảm 4,95%... Sắc xanh lép vế hơn, trong đó BCM tăng 2,38%, KBC tăng 2,31%, NLG tăng 1,49%, FLC tăng kịch trần.
Tuy sự phân hoá vẫn diễn ra trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, song nhóm này vẫn giữ được phong độ khá tốt với hàng loạt mã tăng điểm. Những cái tên sáng giá có thể kể đến như SSI tăng 0,77%, VND tăng 1,37%, VCI tăng 1,43%, HCM tăng 1,88%, FTS tăng 1,88%.
Đáng chú ý, sau một phiên gặp áp lực điều chỉnh lớn, nhóm cổ phiếu thép hôm nay cũng hồi phục khá ấn tượng khi sắc xanh bao trùm trở lại. Dẫn đầu là NKG với mức tăng 4,1%, HSG cũng bứt phá 3%, riêng "anh cả" HPG ghi nhận mức tăng 1,1% lên mốc 22.750 đồng/cp.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực, song giới chuyên gia cho rằng việc giá thép có xu hướng giảm mạnh sẽ là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu nhóm này. Tất nhiên, sự phân hóa sẽ diễn ra tùy theo triển vọng của từng doanh nghiệp.
Với cổ phiếu HPG, chuyên gia nhận định giá cổ phiếu này có thể vẫn bị ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi giá thép xây dựng dự báo tiếp tục giảm thêm và sản lượng tiêu thụ không ổn định. Tuy nhiên, dưới góc nhìn trung và dài hạn thì HPG vẫn còn tiềm năng nhờ dự án tăng công suất tại Nhà máy Thép Dung Quất 1 trong thời gian tới.
Đối với nhóm cổ phiếu liên quan đến giá hàng hóa như vận tải biển, phân bón... sau khi bị chốt lời mạnh đã có xu hướng phục hồi khá tốt. Trong đó, nhóm vận tải biển có HAH ghi nhận tăng trần, VOS, VNA, GMD cũng tăng tốt trên 3%. Đại diện lớn trong nhóm phân bón là DPM và DCM cũng tăng lần lượt 2,2% và 1,4%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định việc giá phân bón đang có xu hướng hạ nhiệt có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận dài hạn của những doanh nghiệp phân bón. Vì vậy, chuyên gia cho rằng những nhịp hồi phục là cơ hội tốt để chốt lời thay vì tiếp tục mua vào.
Với cổ phiếu năng lượng và bán lẻ: GAS tăng 0,86%, PGV đứng giá tham chiếu còn POW và PLX giảm lần lượt 1,08% và 1,91%; MWG tăng 0,27%, PNJ đứng giá tham chiếu trong khi FRT giảm 2,98%.
Thống kê cho thấy, tại HoSE hôm nay có 112 cổ phiếu đạt biên độ đảo chiều trên 3% kể từ đáy, trong đố 78 cổ phiếu đóng cửa vượt được tham chiếu, 23 mã đạt thanh khoản vượt 50 tỷ đồng. Thanh khoản vẫn khá thấp với giá trị khớp lệnh đạt 11.839 tỷ đồng trong phiên.
Khối ngoại buổi chiều tăng bán mạnh. Cụ thể, tổng giá trị bán thêm riêng chiều nay ở HoSE tới 858 tỷ đồng, trong khi chỉ mua 761 tỷ đồng. Do đó mức mua ròng nhẹ buổi sáng không còn, khối này ghi nhận bán ròng tổng thể 34,6 tỷ đồng. DPM HPG, DCM, NVL là ác mã bị bán ròng từ 30-40 tỷ đồng. VNM, VIC, VCB bị bán ròng quanh 20 tỷ. Phía mua có CTG, BID, STB, VHC được mua ròng từ 30 tỷ trở lên, nhóm KBC, GEX, GMD, NLG, HAH được mua ròng quanh 20 tỷ.
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường là chỉ số giá hàng hoá đã giảm rất mạnh trong hai tuần liên tiếp cho thấy áp lực lạm phát có thể hạ nhiệt trong tháng 6. Theo đó, Fed có thể nhẹ tay hơn trong việc tăng lãi suất trong thời gian tới từ đó tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.