Thị trường chứng khoán hôm nay 23/6: VN-Index bật tăng gần 20 điểm dù thanh khoản xuống thấp nhất kể từ tháng 11/2020
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 22/6: Cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng đồng loạt tăng trần, VN-Index vẫn giảm hơn 3 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 20/6: Cổ phiếu nằm sàn la liệt, VN-Index "thủng" ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 17/6: Phiên cuối tuần cổ phiếu la liệt nằm sàn, VN-Index "bốc hơi" 19 điểmVN-Index đảo chiều tăng 20 điểm
Theo Tin nhanh chứng khoán, sau phiên giao dịch sáng ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều có phần khởi sắc khi bên mua dường như đã mạnh tay hơn, giúp sắc xanh trên bảng điện tử dần được phủ rộng, cùng một số bluechips bứt phá đã giúp VN-Index đảo chiều đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày.
Chốt phiên, sàn HoSE có 318 mã tăng (50 mã tăng trần) và 153 mã giảm, VN-Index tăng 19,61 điểm (+1,68%), lên 1.188,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 440,7 triệu đơn vị, giá trị 10.159,5 tỷ đồng, giảm hơn 25% về khối lượng 23% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 60,3 triệu đơn vị, giá trị 1.466,6 tỷ đồng.
Sàn HNX có 147 mã tăng và 41 mã giảm, HNX-Index tăng 7,79 điểm (+2,89%), lên 277,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,6 triệu đơn vị, giá trị 945,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,48 triệu đơn vị, giá trị 360 tỷ đồng.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,06 điểm (+1,24%), lên 86,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,9 triệu đơn vị, giá trị 744,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,56 triệu đơn vị, giá trị 128,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí, ngân hàng dẫn sóng
Đà tăng lan tỏa ở hầu hết nhóm ngành và vốn hóa, tuy nhiên điểm trừ là thanh khoản "teo tóp". Rổ vốn hóa lớn nhất VN30 hôm nay tăng 1,09% với 20/30 mã tăng giá nhưng thanh khoản chỉ đạt hơn 4.100 tỷ đồng, thấp nhất kể từ cuối 2020 đến nay.
Trong đó, cổ phiếu ngân hàng có vai trò quan trọng cho xu thế của thị trường nhờ một số mã bứt phá ấn tượng. Cụ thể, BID tăng 1,64%, TCB tăng 3,3%, MBB tăng 2,56%, VIB tăng 5,71%, TPB tăng 1,15%, STB tăng 3,9%, SHB tăng 2,65%, MSB tăng 2,8%, OCB tăng 1,82%, LPB tăng 6,3%, CTG tăng kịch trần. Ở chiều ngược lại, VCB và HDB giảm nhẹ.
Cổ phiếu bất động sản cũng nối tiếp đà tăng mạnh mẽ, nhất là nhóm vốn hóa tầm trung. Các mã DIG, CEO, HDC có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, bộ đôi DXG và DXS cũng kết phiên trong sắc tím. Ngoài ra còn có HDG, CII, QCG, LDG đều tăng trên 6%.
Cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến khả quan: SSI tăng 4,52%, VCI tăng 3,05%, HCM tăng 6,07%, VIX tăng 5,2%, FTS tăng kịch biên độ. Tuy vậy, vẫn có VND giảm 0,29%, ORS giảm 2,04%.
Cổ phiếu ngành dầu khí ghi nhận GAS bứt phá trở lại với mức tăng 5% lên 116.800 đồng sau thông tin về ước kết quả nửa đầu năm tích cực. Nhờ đó các mã dầu khí khác như PVC, PVS, PVD đều tăng kịch trần. Nhóm sản xuất điện có POW và REE được kéo về mức trần, bên cạnh đó NT2, GEG, ASM, PC1 cũng lấy lại sắc tím.
Nhóm thủy sản có VHC, ANV, THP bứt phá lên mức giá cao nhất. Nhóm dệt may ghi nhận TCM và GIL kết phiên trong sắc tím.
Bên cạnh đó, thị trường còn ghi nhận đà đi lên mạnh mẽ của cổ phiếu bán lẻ khi FRT và PET tăng trần, DGW có thêm 5,7%, các mã MWG, MSN, PNJ tăng khoảng 4%. Cổ phiếu bảo hiểm có MIG tăng lên mức tối đa. Cổ phiếu cảng biển với đầu kéo GMD tăng kịch trần, bên cạnh HAH và VOS trong sắc tím.
Nhóm đầu cơ tiếp tục thăng hoa. Trong đó, họ FLC tiếp tục "bốc đầu" khi các mã FLC, ROS, HAI, AMD được kéo lên giá trần. Bên cạnh đó các cổ phiếu họ Apec, Gelex, Tasco cũng giữ được sắc xanh.
Ở chiều ngược lại, sự tiêu cực đến từ nhóm cổ phiếu Vingroup, trong đó VHM giảm đến 2,5%, VIC mất 1,1% và VRE lùi 1,6%. Ngoài ra còn có cổ phiếu hàng không VJC giảm 0,9% và HVN đi xuống 0,3%.
Do áp lực bán không có nên độ rộng thị trường hoàn toàn nghiêng về bên mua, sắc xanh chiếm chủ đạo. Toàn sàn có 685 mã tăng giá, 261 mã giảm giá và 139 mã đứng tại tham chiếu.
Đáng chú ý, thanh khoản mất hút gây lo ngại về sự bền vững của xu thế tăng giá. Tổng giá trị giao dịch phiên hôm nay chỉ đạt 12.357 tỷ đồng, giảm 22% so với phiên hôm qua. giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 8.713 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 17 tháng.
Về giao dịch khối ngoại, phiên hôm nay nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tích cực hơn khi mua ròng 350 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Đặc biệt, trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 353 tỷ đồng, tập trung gom MWG ( 3,72%) với giá trị 118 tỷ đồng. Sau phiên gom hàng này, MWG lại chính thức lấp đầy "room" ngoại khi trước đó, Dragon Capital đã bán gần 1,1 triệu cổ phiếu. Tại HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ 1 tỷ đồng và trên UpCOM, khối ngoại cũng bán ròng 2 tỷ đồng.
Trong một báo cáo gần đây, CTCK Everest (EVS) đánh giá thị trường trong ngắn hạn có khả năng sẽ tạo thêm một vùng đáy thấp hơn tại quanh vùng hỗ trợ 1.140 điểm do xung lực bán có dấu hiệu gia tăng cũng như các đường MA đang có dấu hiệu dốc xuống.
EVS nhận định rằng: "Thanh khoản sẽ không phải là một điểm sáng trong giai đoạn này, chính vì vậy NĐT cần kiên nhẫn chờ đợi điểm mua phù hợp để có vị thế an toàn trong bối cảnh thị trường có độ rủi ro cao".
EVS Research cho rằng tình trạng thanh khoản thấp sẽ tiếp tục được duy trì trong bối cảnh chính sách thắt chặt tiền tệ đang được áp dụng khiến chi phí vốn tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường sụt giảm mạnh cũng khiến cho nhóm NĐT cá nhân trong nước có tâm lý thận trọng hơn.
Đồng thời, đội ngũ phân tích chỉ ra những động lực mạnh mẽ thu hút dòng vốn nước ngoài quay trở lại thị trường đến từ (1) Lãi suất thực của Việt Nam hiện ở mức dương do Lạm phát được kiểm soát (2) Nhiều cổ phiếu đang có mức giá rẻ so với định giá (3) Nền tảng luật pháp được hoàn thiện, gia tăng tính minh bạch đối với NĐT nước ngoài.