Thị trường chứng khoán hôm nay 18/5: Cổ phiếu trụ dẫn sóng, VN-Index tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 17/5: Thị trường bùng nổ, cổ phiếu đua nhau kéo trần đưa VN-Index tăng vọt 56 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 16/5: Sáng tăng, chiều giảm, chốt phiên VN-Index giảm gần 11 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 13/5: VN-Index "thủng" mốc quan trọng 1.200 điểm, trở về vùng điểm năm 2018VN-Index tăng hơn 12 điểm
Theo Tin nhanh chứng khoán, sau phiên bùng nổ ngày hôm qua, nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch sáng nay (18/5) với sự thận trọng, lo sợ bị bulltrap, nên giao dịch diễn ra chậm và VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong nửa đầu phiên sáng. Tuy nhiên, nhờ sự khởi sắc của nhóm tài chính và một số mã lớn, VN-Index sau đó lấy lại đà tăng tốt, vượt qua ngưỡng 1.245 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Bước sang phiên chiều, VN-Index được kéo lên sát ngưỡng 1.250 điểm. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, lực bán vừa gia tăng nhẹ đã khiến bên mua rụt tay, khiến VN-Index đánh mất hơn 15 điểm, nhưng sau đó đã trở lại với sự hỗ trợ của các mã bluechips.
Dường như nhà đầu tư vẫn chưa thật sự tin tưởng rằng thị trường trở lại đà tăng, nên còn ngần ngại, mua thăm dò là chủ yếu. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang đợi thị trường xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn chắc chắn, vượt qua đường MA20 mới xuống tiền.
Chốt phiên chiều, VN-Index tăng 12,39 điểm (+1,01%), lên 1.240,76 điểm với 272 mã tăng và 177 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 566,1 triệu đơn vị, giá trị 13.829,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,8 triệu đơn vị, giá trị 873 tỷ đồng.
Trên sàn niêm yết nhỏ hơn thì bộ chỉ số HNX-Index lại diễn biến tiêu cực khi giảm 5,6 điểm (-1,78%) về 309,84 điểm do ảnh hưởng rất xấu từ các cổ phiếu THD và KSF. UPCoM-Index giảm 1,16 điểm (-1,21%) xuống 94,73 điểm.
Một số cổ phiếu trụ và cổ phiếu hàng hóa tăng mạnh
Dẫn dắt đà tăng của thị trường hôm nay đến từ nhóm vốn hóa vừa khi bộ chỉ số VNMID tăng mạnh gần 33 điểm (2%) và nhóm vốn hóa nhỏ VNSML tăng gần 21 điểm (1,3%). Trong khi đó rổ chỉ số vốn hóa lớn nhất VN30 chỉ tăng gần 7 điểm (0,5%).
Trong rổ VN30 hôm nay ghi nhận 13 mã giảm, 10 mã tăng và 7 mã đứng giá. Trong đó đáng chú ý nhất là MSN của Masan và STB của Sacombank tăng kịch trần để góp công lớn vào đà tăng chung. Ngoài ra còn có GAS bứt phá 4,1% và TCB có thêm 3,4%.
Cổ phiếu chứng khoán cũng phân hóa khi SSI giảm 1,72%, ORS giảm 1,5% nhưng VCI, TVS và VIX lại tăng kịch trần, VND tăng 2,27%, HCM tăng 1,33%.
Ở nhóm bất động sản, các cổ phiếu lớn như VIC, VHM, NVL và VRE đều đứng giá tham chiếu. Một số cổ phiếu tăng kịch trần như BCM của Becamex tăng lên 74.900 đồng, DGW của Digiworld đạt 106.600 đồng. Số ít cổ phiếu suy giảm có thể kể đến PDR giảm 2,11%, NLG giảm 1,06%, VPI giảm 1,64%..., còn lại đa phần ghi nhận sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu hàng hóa cũng có tác động rất tích cực. Cổ phiếu phân bón như DCM, DPM và LAS đã có lúc chạm giá trần. Cổ phiếu ngành thép là NKG bứt tốc 5,6%, TLH và SMC tăng 3%. Cổ phiếu hóa chất có DGC tiến thêm 5,3% và CSV có thêm 4,1%.
Cổ phiếu xuất khẩu thủy sản ghi nhận VHC của Vĩnh Hoàn có thời điểm chạm giá trần trước khi điều chỉnh còn tăng 4,6%, CMX của Camimex Group tăng 2,3%, IDI tăng 1,8%, ANV có thêm 1,6%...
Ở chiều ngược lại, VCB của Vietcombank giảm 0,8% về 75.400 đồng là mã có tác động xấu nhất. Tiếp đến là SAB của Sabeco giảm 2,4% về 161.500 đồng hay FPT mất 2% còn 97.700 đồng.
Các cổ phiếu đầu cơ có một phiên giao dịch khá tiêu cực khi chìm trong sắc đỏ. Nhóm FLC Group như ART và KLF đã tiến sát về giá sàn. Nhóm Apec ghi nhận APS đảo chiều giảm 9% và IDJ giảm 2,6%. Nhóm Louis có TGG mất 5,5% hay BII giảm 4,6%. Một số cổ phiếu riêng lẻ giảm giá còn có OGC, HU1 giảm sàn.
THD của Thaiholdings giảm sâu 9,4% xuống chỉ còn 66.300 đồng sau thông tin trả 840 tỷ đồng cho Tân Hoàng Minh, nhận lại dự án 11A Cát Linh.
Toàn sàn ghi nhận có tới 558 mã tăng giá, 384 mã giảm giá trong đó có 17 mã giảm sàn. Thanh khoản thị trường vẫn chưa có nhiều biến động khi tương đương phiên hôm qua đạt tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.162 tỷ đồng. Trong đó giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE giảm nhẹ 1% về mức 12.968 tỷ đồng.
Khối ngoại trở lại mua ròng
Về giao dịch khối ngoại, trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài là điểm tích cực khi mua ròng 2 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch hơn 170 tỷ đồng. Tại chiều mua, khối ngoại tập trung gom mạnh nhất GAS (57 tỷ đồng). Theo sau danh sách mua ròng còn có VNM được rót ròng 43 tỷ đồng, VHC, KBC mỗi mã được mua ròng khoảng 37 tỷ đồng. Ngược lại, SSI lại bị NĐT nước ngoài bán ròng mạnh với 129 tỷ đồng, lực bán còn tập trung tại NLG, bộ đôi Vinhomes (VIC, VHM), KDH...
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 375 triệu đồng, mua ròng mạnh nhất SHS 1 tỷ đồng. Ngược lại, chiều bán tâm điểm là THD với 2 tỷ đồng.
Tại sàn UPCOM, khối ngoại tích cực mua ròng hơn 17 tỷ đồng, tập trung rót ròng BSR với 22 tỷ đồng. Xếp sau là các mã QNS, VEA, FOC, MSR... cũng được rót ròng khá dè dặt. Trái lại, khối ngoại bán ròng nhiều nhất tại VTP với giá trị 5 tỷ đồng.
Diễn biến trong nước có phần tương đồng trên thị trường quốc tế. Hôm qua Dow Jones bứt phá 1,34% lên 32.655 điểm, Chỉ số S&P 500 tăng 2,02% đạt 4.089 điểm, chỉ số Nasdaq tăng 2,76% lên 11.985 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng đang duy trì sắc xanh sau phiên bứt phá hôm qua. BSE Sensex của Ấn Độ có thêm 0,4%, Kospi của Hàn Quốc tăng hơn 2%. IDX Composite của Indonesia tăng mạnh 2,2%. Nikkei 225 của Nhật Bản tăng trên 0,9%...