Thị trường chứng khoán hôm nay 16/6: Nhóm bán lẻ và năng lượng bứt phá, VN-Index tăng gần 23 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 15/6: Cổ phiếu chứng khoán tiếp tục bị bán tháo, VN-Index giảm 16 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 14/6: Nhóm dầu khí, thủy sản kéo VN-Index tăng hơn 3 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 13/6: Cổ phiếu la liệt nằm sàn, VN-Index "bốc hơi" 57 điểm phiên đầu tuầnVN-Index tăng gần 23 điểm
Theo Tin nhanh chứng khoán, sau phiên sáng khởi sắc về điểm số, thị trường tiếp tục bước vào phiên chiều và tiến nhanh tới mốc 1.240 điểm.
Tại ngưỡng điểm này, áp lực bán gia tăng khiến số mã giảm tăng trên bảng điện tử. Chỉ số VN-Index theo đó rung lắc và giằng co, nhưng nhờ các bluechip vẫn đứng vững đã giúp chỉ số nảy lên và có thời điểm đã chạm 1.245 điểm ngay trước khi bước vào phiên ATC.
Dù vậy, trong phiên ATC, một số trụ cột đã hạ thấp độ cao và áp lực bán mạnh hơn trên bảng điện tử, nhất là ở một số cổ phiếu bất động sản, dầu khí, thép đã khiến VN-Index theo đó đánh rơi 8 điểm từ mức đỉnh trong phiên về gần 1.236 điểm khi đóng cửa.
Chốt phiên, VN-Index tăng 22,70 điểm (+1,87%), lên 1.236,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 561,7 triệu đơn vị, giá trị 14.749,2 tỷ đồng, giảm hơn 18% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39,3 triệu đơn vị, giá trị 932,9 tỷ đồng.
Sàn HNX có 113 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 4,52 điểm (+1,6%), lên 287,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 61,79 triệu đơn vị, giá trị 1.420,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,9 triệu đơn vị, giá trị 81,3 tỷ đồng.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,60 điểm (+0,68%), lên 89,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,9 triệu đơn vị, giá trị 1.226,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,69 triệu đơn vị, giá trị 44,8 tỷ đồng.
Nhóm bán lẻ và năng lượng bứt phá
Nhóm vốn hóa lớn như thường lệ vẫn là đầu tàu dẫn dắt xu hướng của thị trường. Rổ VN30 hôm nay tăng đến 27,28 điểm (2,18%) với 26/30 mã tăng giá, thậm chí có 3 mã đã chạm giá trần.
Ở nhóm ngân hàng, VCB bật tăng 3,4% và trở thành cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index. Cùng với đó, ACB tăng 2,12%, HDB tăng 1,84%, SSB tăng 5,44%, STB tăng 1,45%, LPB tăng 1,61%. Sắc xanh cũng hiện lên ở BID, VPB, TCB, CTG, VIB, TPB nhưng mức tăng chưa tới 1%. Sắc đỏ hiện lên ở EIB, MSB, OCB.
Nổi bật nhất phiên hôm nay chính là nhóm cổ phiếu bán lẻ và tiêu dùng. Cụ thể MWG của Thế Giới Di Động tăng trần trong ngày chia cổ tức, bên cạnh PET và FRT cũng tăng trần. MSN của Masan có thêm 4,4% đạt 110.700 đồng. VNM của Vinamilk bứt phá 5,4% lên 68.000 đồng. SAB của Sabeco tăng 2,9%, PNJ tăng 3,2%, DGW tiến 3,4%, KDC thêm 1,6%.
Cổ phiếu năng lượng cũng không kém cạnh với sự dẫn dắt của PV Gas (GAS) khi mã này tăng 3,2% lên 128.000 đồng, một số mã dầu khí khác như BSR, PVS, PVT cũng tăng trên 3%.
Đối với cổ phiếu sản xuất điện có POW tăng 6,2% lên sát giá trần, REE bứt phá 6,6%, ngoài ra còn phải kể đến VSH, GEG, PC1, HDG đều tăng trần.
Nhóm cổ phiếu thủy sản cũng rất tốt khi tiếp tục nối dài chuỗi tăng. Trong đó ANV của Navico có phiên tăng trần thứ 3 lên đỉnh lịch sử 62.400 đồng. VHC của Vĩnh Hoàn tăng tiếp 2%, IDI thêm 1,3%, MPC tiến 3,2%, CMX tăng 2,1%...
Cổ phiếu bất động sản phân hóa cao độ. Các cổ phiếu lớn đa phần diễn biến khả quan như VHM tăng 0,15%, NVL tăng 1,44%, BCM tăng 2,83%, VRE tăng 1,04%, PDR tăng 4,1%, KDH tăng 2,62%. Tuy nhiên, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn lại biến động không đồng đều, có những cổ phiếu giảm kịch sàn như DIG, DXS, HDC, KHG, LDG nhưng cũng có những cổ phiếu tăng kịch trần như HDG, PC1; nhìn chung, các cổ phiếu tăng - giảm đan xen.
Đà rơi của cổ phiếu chứng khoán tưởng chừng như sẽ chững lại sau khi giao dịch khá tích cực trong phiên sáng, tuy nhiên sang đến phiên chiều, nhiều cổ phiếu lại lao dốc. Trong đó VND của VNDirect giảm 6,7% về sát giá kịch sàn, bên cạnh SSI mất 2,2%, MBS giảm 3,2%, SBS lao dốc 4,15, TVB và VIX thậm chí chạm giá sàn.
Với mức giảm 6,7% phiên hôm nay đưa VND xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2021. Giá trị vốn hóa thị trường chỉ còn 22.100 tỷ đồng, "bốc hơi" gần một nửa so với thời điểm đạt đỉnh hồi đầu tháng 4. Như vậy, VNDirect – cái tên cuối cùng ngành chứng khoán cũng đã rời khỏi câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa.
Danh sách tỷ USD vốn hóa sạch bóng công ty chứng khoán là một tín hiệu buồn đối với nhóm ngành từng rất thăng hoa trong nửa sau của năm 2021 và những tháng đầu năm nay. Thời điểm đó, vốn hóa VND và SSI đều đã có lúc vượt 2 tỷ USD nhưng những đợt lao dốc sau đó đã nhanh chóng thổi bay thành quả tăng giá của nhiều tháng trước đó.
Độ rộng thị trường cơ bản nghiêng hoàn toàn về bên mua với sắc xanh áp đảo. Toàn sàn có 573 mã tăng giá, so với 361 mã giảm giá và 151 mã đứng tại tham chiếu. Thị trường tăng điểm nhưng đáng nói là vẫn không có lực cầu lớn, tổng giá trị giao dịch chỉ duy trì quanh mức 17.500 tỷ đồng.
Chiều nay khối ngoại ghi nhận mua ròng lớn. Cụ thể, cuối phiên sáng mức mua ròng trên HoSE mới là 168,4 tỷ đồng thì hết phiên đã tăng lên 695,5 tỷ đồng. HPG được mua ròng gấp đôi lên 251,4 tỷ đồng. STB, SSI, GAS đều được mua ròng trên 50 tỷ đồng. Nhóm BVH, VNM, DPM, VHM, VGC được mua trong khoảng 30-40 tỷ ròng. Phía bán chỉ có DGC, MWG, DXG, GEG và NT2 là trong khoảng 30-40 tỷ đồng ròng.
Ở diễn biến khác, tối hôm qua, FED có bước đi quyết liệt nhất trong nhiều năm nhằm sớm kiểm soát lạm phát khi tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994.
Với mức tăng nằm trong kỳ vọng giúp chứng khoán Mỹ và toàn cầu lấy lại sắc xanh. Chỉ số Dow Jones khép lại chuỗi 5 ngày giảm điểm bằng mức tăng 303,7 điểm (1%). Trong khi S&P 500 tăng 1,46% lên 3.790 điểm và chỉ số Nasdaq tăng 2,5% lên 11.099 điểm.