Thị trường chứng khoán hôm nay 15/4: Cổ phiếu BĐS, "bank, chứng, thép" đồng loạt lao dốc, VN-Index thủng mốc 1.460 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 14/4: Cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất hơn 5 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 13/4: VN-Index tăng gần 22 điểm, 50 triệu cổ phiếu FLC và ROS được "bắt đáy"Thị trường chứng khoán hôm nay 12/4: Cổ phiếu la liệt giảm sàn, VN-Index có 3 phiên liên tiếp giảm hơn 20 điểmVN-Index "bay" gần 14 điểm, mất mốc 1.460
Theo Tin nhanh chứng khoán, thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch chiều vẫn giữ sắc xanh nhạt với tâm lý thận trọng thăm dò. Lực cầu tỏ ra khá yếu trong khi bên bán cũng chưa có tín hiệu mới khiến thị trường giao dịch ảm đạm.
Tuy nhiên, đà tăng dần thu hẹp và chỉ sau hơn 30 phút giao dịch, thị trường đã chuyển đỏ khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng. Lực bán mạnh và dứt khoát lan rộng thị trường khiến số mã giảm điểm chiếm áp đảo, chỉ số VN-Index ngày càng giảm sâu hơn.
Với 22/30 cổ phiếu giảm giá, trong đó 8 mã giảm trên 1%, 10 mã giảm trên 2%, rổ VN30 tạo áp lực chủ đạo lên toàn thị trường và kéo theo ảnh hưởng tới rất nhiều cổ phiếu khác.
Chốt phiên, sàn HoSE có 145 mã tăng và 321 mã giảm, VN-Index giảm 13,56 điểm (-0,92%), xuống 1.458,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 659,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 21.656 tỷ đồng, tăng 26% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,75 triệu đơn vị, giá trị 825,45 tỷ đồng.
Sàn HNX có 60 mã tăng và 176 mã giảm, HNX-Index giảm 6,97 điểm (-1,65%), xuống 416,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 69,31 triệu đơn vị, giá trị 2.130 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,85 triệu đơn vị, giá trị 22,6 tỷ đồng.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,06 điểm (-0,93%) xuống 112,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76,93 triệu đơn vị, giá trị 1.109 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,77 triệu đơn vị, giá trị 31,78 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước, song vẫn ở mức trung bình với giá trị đạt 24.043 tỷ đồng.
Cổ phiếu "bank, chứng, thép", bất động sản đồng loạt giảm mạnh
Đi vào các nhóm cổ phiếu, "tội đồ" chính hôm nay vẫn là cổ phiếu ngân hàng, với BID giảm 2,96%, TCB giảm 3,59%, VPB giảm 2,53%. Trong 10 mã của rổ VN30 giảm trên 2% thì cổ phiếu ngân hàng “xí chỗ” tới 7 mã. Trong toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng ở các sàn thì duy nhất còn NVB tăng 5,75%, KLB tăng 2,96%, VBB tham chiếu, còn lại toàn giảm. Tới 18 cổ phiếu ngân hàng giảm trên 1% hôm nay.
6/10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất hôm nay là các mã ngân hàng. Ngoài chuyện điểm số bốc hơi nhiều, cổ phiếu ngân hàng còn làm tăng thêm sự lo lắng về sức ép của việc siết tín dụng vào bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu bất động sản. Những ngân hàng có hoạt động kinh doanh trái phiếu lớn hôm nay đều bị bán tháo mạnh.
Cổ phiếu chứng khoán không tránh khỏi xu hướng chung. SSI giảm 4,76%, VND giảm 2,46%, HCM giảm 4,69%, VCI giảm 6,02%, VIX giảm kịch sàn...
Nhóm bất động sản cũng chịu áp lực bán rất mạnh. Những đầu tàu như VHM, VIC, NVL, VRE giảm lần lượt 1,66%, 1,22%, 1,06% và 1,1% nhưng vẫn chưa là gì so với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn. Cụ thể, SCR giảm 5,08%, NHA giảm 5,28%, DXG giảm 5,66%, VCG giảm 6,13%; DIG, LGC, CTD, LDG đồng loạt giảm kịch biên độ. Những cổ phiếu ngược dòng tiêu biểu có thể kể đến BCM tăng 2,86%, HDG tăng 1,95%, KOS tăng 0,82%, CII tăng 2,07%.
Với nhóm Gelex, GEX giảm 5,7%, VGC giảm 6,6%, IDC giảm 8,1%. Còn nhóm FLC lại bị xả mạnh khi các mã FLC, ROS, AMD, HAI, ART cùng giảm sàn. FLC đóng cửa ở mức 8.250 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý trong phiên hôm nay là cổ phiếu bảo hiểm với BVH và MIG tăng kịch trần, trong khi BMI tăng 5,08%, BIC tăng 6,45%.
Ngoài ra, các cổ phiếu thuỷ sản cũng là điểm nhấn giao dịch với sắc xanh ghi nhận tại CMX, IDI, VHC, ACL, MPC, AAM, ABT, thậm chí ANV tăng hết biên độ.
Nhóm sản xuất cũng là điểm sáng của thị trường. Tâm điểm là cổ phiếu cao su với GVR tăng 4,2%, DPR tăng 5,05%, PHR tăng kịch trần. Rất nhiều cổ phiếu tăng khá trong bối cảnh thị trường chung lao dốc, như SAB tăng 1,02%, SBT tăng 1,12%, KDC tăng 1,13%, VHC tăng 1,95%, MSH tăng 3,16%, IDI tăng 4,09%, DHC tăng 4,43%; PTB, STK, ANV đều tăng kịch trần.
Cổ phiếu năng lượng và bán lẻ phân hóa khi GAS tăng mạnh 3,14%, PLX đứng giá tham chiếu còn PGV và POW lại giảm lần lượt 2,7% và 5,47%; MWG tăng 0,44%, PNJ tăng 0,09% nhưng FRT giảm 0,48%.
Cổ phiếu hàng không đều suy giảm khi VJC và HVN lần lượt mất đi 0,73% và 2,5% giá trị.
Khối ngoại mua ròng trở lại 97 tỷ đồng ở sàn HoSE, tập trung vào VPB (75 tỷ đồng), CTG (64 tỷ đồng), DPM, CII, GEX…
Theo các chuyên gia chứng khoán, đà tăng của VN-Index đã kéo dài suốt từ năm 2020 đến đầu năm 2022. Sự rung lắc bắt đầu xuất hiện thường xuyên trong những tháng gần đây khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về khả năng kết thúc xu hướng tăng trưởng dài hạn.
Tuy nhiên, đợt điều chỉnh lần này vẫn đang được nhìn nhận như là cơ hội. Vì thế, các chuyên gia chứng khoán khuyến nghị, những nhà đầu tư lướt sóng có thể xem xét bắt đáy tại vùng 1.410-1.425 điểm (tương đương đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 07/2021). Tuy nhiên, nếu khối lượng giao dịch tiếp tục thấp và nằm dưới trung bình 20 ngày thì vùng hỗ trợ này có thể sớm bị phá vỡ.
Xét về dài hạn, đợt điều chỉnh lần này là cần thiết để tạo lập nền tảng cho một đợt tăng trưởng mới. Dự kiến, sóng này cũng mạnh và kéo dài. Vì vậy, sự chờ đợi trong những tháng tới là rất quan trọng để bắt đúng nhịp tạo đáy của thị trường.