Thanh toán số vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng sau đại dịch Covid-19, trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế
BÀI LIÊN QUAN
Ngành công nghiệp tiền ảo vừa trải qua một ngày “đen tối” nhất từ trước đến nayBitcoin lao dốc khiến nhiều tỷ phú tiền số "bốc hơi" hàng tỷ USDXăng quá đắt đỏ, người Mỹ quay cuồng trong cơn bão giáTheo TTXVN, khi đại dịch Covid dần ghép lại, cuộc sống của người dân bắt đầu trở về trạng thái bình thường. Những tưởng, các giải pháp thanh toán không tiền mặt được khuyến khích trong thời kỳ dịch bệnh để hạn chế tiếp xúc gần sẽ lắng dần xuống, nhưng trên thực tế, phương pháp thanh toán này đã trở thành thói quen của người tiêu dùng.
Có thể nói, Covid-19 chính là đòn bẩy giúp thúc đẩy nhanh chóng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, tiến tới một xã hội không tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Thanh toán không tiền mặt dần trở thành thói quen trong tiêu dùng của người dân
Vài năm trước đây, khi đại dịch chưa xảy ra, việc thanh toán các khoản nhỏ khi mua sắm thường không được chấp nhận, khi đó người ta chỉ đồng ý thanh toán không tiền mặt với những giao dịch có giá trị lớn hơn 100.000 đồng.
Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19 bùng phát thì mọi chuyện đã khác. Khi đó, mua một ly cà phê, một tô bún ăn sáng, thậm chí đến một ổ bánh mì... cũng được khuyến khích thanh toán không tiền mặt thông qua nhiều hình thức khác nhau với mục đích hạn chế tiếp xúc gần. Sau thời gian dài sử dụng, nhận thấy sự tiện lợi và thuận tiện của nó, việc thanh toán tiền không tiền mặt đã dần trở thành thói quen trong tiêu dùng của nhiều người.
Mới đây, Công ty VISA đã công bố nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng, báo cáo này cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng đón nhận hàng loạt phương thức thanh toán kỹ thuật số và dần có sự thay đổi trong thói quen thanh toán hàng ngày.
Con số cụ thể chỉ ra rằng, khoảng 65% người tiêu dùng Việt Nam hiện nay mang tiền mặt ít hơn và 32% số họ cho biết sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Bên cạnh đó thì thanh toán không tiền mặt đang có sự tăng trưởng đáng kể. Trong đó, có khoảng 76% người tiêu dùng đang sử dụng các loại ví điện tử và tỷ lệ người dùng thẻ còn chiếm tỷ lệ cao hơn khoảng 82%.
Cũng theo Công ty này, việc mua sắm trực tuyến thông qua các lựa chọn không cần dùng đến tiền mặt sẽ tiếp tục được duy trì sau đại dịch. Khoảng 2/3 người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào việc mua sắm trực tuyến kể từ đại dịch Covid-19, trong đó khoảng 1/2 người dùng lần đầu tiên trải nghiệm dịch vụ mua hàng qua nền tảng mạng xã hội. Khoảng 9/10 người tiêu dùng đang sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nơi và hầu như tất cả các dịch vụ này được sử dụng thường xuyên hơn so với thời kỳ trước khi đại dịch bùng nổ.
Do tác động của đại dịch Covid-19, hiện nay có khoảng 80% người tiêu dùng sử dụng các loại thẻ, thanh toán qua các ví điện tử, qua mã QR với tần suất ít nhất 1 lần một tuần. Trong đó, có khoảng 1/2 người tiêu dùng Việt ưu tiên sử dụng thẻ hơn trong khi 64% người dùng đã tăng cường sử dụng thanh toán không tiếp xúc thông qua điện thoại thông minh hoặc qua các loại ví điện tử.
Có lẽ, sự thuận tiện khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt đã khiến cho người tiêu dùng ưa chuộng, cùng với đó là sự an toàn tránh lây nhiễm trong thời kỳ dịch bệnh mà vẫn đảm bảo được bảo mật giao dịch.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc của VISA Việt Nam và Lào, sự tác động của đại dịch Covid-19 là không thể bỏ qua kể cả ngắn hạn hay dài hạn. Những tác động này đã dẫn đến sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân như việc thay đổi cách thức mua sắm và thanh toán. Các đơn vị chấp nhận thanh toán số và các doanh nghiệp có đạt được thành công hay không còn phải phụ thuộc vào khả năng cải tiến và chuyển đổi để có thể thích nghi được những thay đổi trên.
Tưởng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ eKYC (định danh khách hàng điện tử)
Việc người tiêu dùng dần thay đổi thói quen thanh toán từ việc trả tiền mặt thành thanh toán không tiền mặt phải kể đến sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, ngành ngân hàng cùng với các công ty thanh toán đã và đang triển khai nhiều phương thức mới để tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn. Nhờ đó, người tiêu dùng vẫn tiếp tục duy trì thói quen thanh toán không tiền mặt một cách tích cực kể cả sau đại dịch.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank), sau đại dịch, hoạt động thanh toán không tiền mặt vẫn đang được người dân quan tâm, chú ý.
Hiện nay, thanh toán không tiền mặt đang tăng trưởng trên mọi phương diện và có tốc độ tăng trưởng cao đều ở khắp nơi chứ không chỉ tập trung ở khu vực đô thị.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, thanh toán không dùng tiền mặt đang được lan tỏa khi nhận được sự quan tâm cũng như ủng hộ của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Hành vi tiêu dùng cũng như kỳ vọng của người dân đang thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng cùng những tác động đa chiều của đại dịch Covid-19, đã khiến cho phương pháp thanh toán số đã trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và dẫn trở thành ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng.
Có được kết quả này là nhờ việc triển khai quy định về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức định danh khách hàng hiện tử (eKYC). Nhờ đó, trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, nhiều khách hàng mới chưa từng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng đã mở được tài khoản từ xa vì giãn cách kéo dài, không thể giao dịch trực tiếp.
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng đã được mở mới từ xa, trực tuyến qua phương thức điện tử (eKYC). Hiện nay, tỷ lệ người dân trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán đạt gần 66% so với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% trong vòng 6 năm từ năm 2015-2021.
Theo số liệu báo cáo, tính đến tháng 4/2022, số lượng và giá trị các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng lần lượt 67,9% và 27,5%; giao dịch thông qua Internet cũng tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; thông qua quét mã QR tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã được kích hoạt đều tăng so với cuối năm 2021 tương ứng 10,37%.
Ngoài ra, Chính phủ đã cho phép triển khai thí điểm việc dùng tài khoản mạng di động để thanh toán cho các mặt hàng, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), điều này đã góp phần tạo điểm nhấn ấn tượng cho tiến trình hướng đến xã hội không tiền mặt.
Mới đây, trong buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Anh Dũng cho biết, chỉ sau 4 tháng triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, đến nay đã có khoảng 1,1 triệu tài khoản Mobile Money được mở mới, trong đó, khoảng 60% người dùng Mobile Money nằm ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.
Liên quan đến hoạt động triển khai dịch vụ Mobile Money, đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết, trong thời gian tới Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phương thức thanh toán không tiền mặt dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trước mắt, Ngân hàng nhà nước sẽ tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để triển khai hiệu quả Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định thí điểm Mobile Money…