Tham vọng xây dựng đế chế bán lẻ của Thế giới Di động (MWG) vẫn đối mặt với nhiều khó khăn
BÀI LIÊN QUAN
Sau 2 tháng tham gia cuộc chiến hạ giá, doanh thu bán điện thoại của MWG lần đầu tiên thấp hơn thịt cáMWG và FPT Shop xoay sang cuộc chiến mới, CellphoneS gần như không còn lợi nhuận sau cuộc chiến về giáMWG có chiến lược gì để cạnh tranh với đối thủ để tạo động lực cho phát triển trong bối cảnh khó khăn?Tham vọng top 1 ngành bán lẻ khu vực Đông Nam Á
Bắt đầu từ một cửa hàng nhỏ bán lẻ và sửa chữa điện thoại di động trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM, Thế Giới Di Động (MWG) dần tạo nên vị thế vững chắc như hiện tại. Sau thành công của chuỗi cửa hàng bán điện thoại, MWG đã thần tốc thực hiện hành trình mở rộng, tiếp tục xây dựng thương hiệu Điện Máy Xanh chuyên kinh doanh mặt hàng điện máy và đồ gia dụng, chiếm lĩnh thị phần top đầu của thị trường nội địa.
Không dừng lại ở mảng điện tử truyền thống, MWG còn liên tục mở rộng quy mô sang nhiều hướng khác. Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG nhận ra, nhiều mảng bán lẻ nội địa đang khá phân mảnh, thiếu đi một cái tên tiên phong dẫn đầu. Do đó, tham vọng của MWG là khai phá những thị trường tiềm năng này, vươn lên dẫn trước. Năm 2015, cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên chính thức xuất hiện, MWG sau đó còn mở 5 chuỗi cửa hàng thuộc nhóm AVA cho các phân khúc khác nhau. Tập đoàn còn thử nghiệm nhiều mô hình kinh doanh khác như như bán đồng hồ, trang thương mại điện tử vuivui.com, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, kinh doanh kính mắt… Ông lớn này còn ra mắt hàng trăm cửa hàng TopZone chuyên bán đồ chính hãng Apple, mục đích chú trọng vào mảng kinh doanh điện thoại.
Thực tế, mục tiêu vươn lên top 1 ngành bán lẻ khu vực Đông Nam Á của ban lãnh đạo MWG không phải nói suông. Bước đi đầu tiên của “ông lớn” này trong công cuộc khai thác thị trường quốc tế chính là chuỗi Bluetronics tại Campuchia, sau đó là chuỗi điện thoại và điện máy EraBlue tại Indonesia.
Khó khăn bủa vây
MWG có ưu thế về việc nắm bắt được xu hướng thị trường. Việc mở rộng những mảng mới là bước đi cần thiết trong bối cảnh các mảng trụ cột là điện thoại cùng với điện máy đang có dấu hiệu chững lại. Tập đoàn liên tục thử nghiệm những mô hình kinh doanh tiềm năng, mục đích tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới.
Thế nhưng, không phải mô hình nào cũng có hiệu quả như kỳ vọng. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề khiến hoạt động bán hàng bị gián đoạn. Thị trường bất động sản ảm đạm, trầm lắng khiến các nhu cầu về sản phẩm điện máy, gia dụng suy yếu. MWG buộc phải đóng những cửa hàng kinh doanh không hiệu quả để sắp xếp lại. Đến quý đầu năm nay, MWG cũng tuyên bố đã đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia vì thị trường nhỏ và chính sách thuế khóa phức tạp. Sau khoảng 1 năm vận hành, chuỗi AVASports chuyên đồ thể thao thời trang cũng tạm dừng hoạt động; hệ sinh thái thời trang AVA từ 5 đã giảm xuống chỉ còn 1, đó là AVAKid - chuỗi siêu thị kinh doanh sản phẩm dành cho mẹ và bé.
Trước đó, MWG cũng từng thất bại với nhiều thử nghiệm khác như trang thương mại điện tử Vuivui.com, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ. Ngoài ra, chuỗi mô hình “shop in shop” chuyên kinh doanh kính, đồng hồ vốn được kỳ vọng lớn cũng chưa mang về kết quả rõ nét. Sau 9 tháng, MWG cũng phải tạm dừng việc kê thêm tủ bán kính mắt và đồng hồ tại chuỗi Thế Giới Di Động vì không hiệu quả.
Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang, trong nửa đầu năm 2022 MWG đã mở rộng mạnh mẽ, từ 178 lên 510 cửa hàng, sau đó gây bất ngờ khi tuyên bố dừng mở mới, thậm chí đóng cửa chục cửa hàng để lùi về con số 500. Hiện tại, An Khang cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường dược phẩm. Tính đến cuối quý 2/2023, chuỗi này ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến 469 tỷ đồng.
Bách Hóa Xanh có thể được xem là mảng hoạt động đáng mừng nhất của MWG khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng doanh thu qua các tháng. Song, siêu thị là thị trường không hề đơn giản, nhiều tên tuổi lớn cũng từng phải ngậm ngùi rút lui vì áp lực cạnh tranh quá lớn. Từ cuối năm 2021, số lượng cửa hàng Bách Hoa Xanh dần bị thu hẹp, MWG phải đóng cửa những điểm bán kém hiệu quả. Với chuỗi siêu thị này, mục tiêu hòa vốn vẫn còn khá xa.
Nếu xét riêng về khía cạnh lợi nhuận, Bách Hóa Xanh đang là gánh nặng lớn nhất của MWG khi ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 8.053 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay; trong đó 7.854 tỷ còn có thể chuyển lỗ sang năm sau để bù trừ lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh gần đây của MWG cũng dần thể hiện rõ việc kinh doanh kém hiệu quả. Sức mua yếu khiến nguồn thu từ mảng lõi giảm, MWG còn phải gồng lỗ cho những cửa hàng mới, nhà thuốc và siêu thị mini… Lãi ròng trong 6 quý gần nhất của doanh nghiệp đều đi lùi so với quý trước. Trong quý 2/2023, doanh thu thuần của MWG là 29.465 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 14%; biên lãi gộp chỉ còn 18,5%. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, MWG lãi ròng 17 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ.
Khối ngoại không quá mặn mà, MWG vẫn sở hữu một ưu thế
Trong quá khứ, cổ phiếu MWG vẫn được ví von là một trong những thỏi nam châm hút nhà đầu tư ngoại. Room ngoại của công ty thường xuyên được phủ kín, hầu như chỉ hở ra vì những hoạt động ESOP nhưng ngay sau đó đều được lấp đầy. Thậm chí, nhiều giao dịch ghi nhận khối ngoại đều phải trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường, lên tới hàng chục phần trăm so với thị giá để sở hữu MWG.
Hiện tại đã khác, thách thức với MWG ngày càng nhiều, tình hình kinh doanh chững lại, lợi nhuận còn suy giảm. Vì thế, giới đầu tư cũng bớt hào hứng với MWG, có thời điểm cổ phiếu còn “hở” room trong một khoảng thời gian khá dài, đồng thời giao dịch premium cũng không còn xuất hiện, các lệnh thỏa thuận trực tiếp trên sàn với biên độ tối đa +/-7% cũng khá hiếm hoi.
Nhiều nhóm quỹ ngoại cũng không quá mặn mà với việc nắm giữ cổ phiếu MWG. Cụ thể, Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore) trước đó từng nhiều lần khẳng định về việc đầu tư dài hạn vào MWG, không có tư duy giao dịch cổ phiếu. Chỉ sau khoảng ba năm nắm giữ, quỹ ngoại này đã liên tục bán bớt cổ phiếu, sau đó giảm sở hữu tại MWG.
Không những thế, diễn biến giá cổ phiếu MWG cũng không quá khả quan. Sau khi lên đỉnh sát vùng giá 80.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa năm 2022, thị giá MWG đã quay đầu giảm sâu, về mức đáy hơn 37.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 11 cùng năm. Thời điểm hiện tại, thị giá cổ phiếu này đã hồi phục đáng kể, lên mức 54.x đồng/cổ phiếu song vẫn còn cách hơn 30% vùng đỉnh giá.
Nhiều khó khăn bủa vây, song MWG vẫn có một lợi thế nhờ nội tại ổn định với nền tảng tài chính tốt. Dù đang trong cuộc chiến giá rẻ tốn kém nhưng lượng tiền mặt của MWG vẫn liên tục tăng mạnh. Tính đến cuối quý 2 năm nay, số dư tiền mặt của “ông lớn” ngành bán lẻ này đang ở mức 24.400 tỷ đồng (~1 tỷ USD) - cao nhất lịch sử hoạt động, so với cuối quý 1/2023 đã tăng 4.600 tỷ, đồng thời cao hơn 10.200 tỷ so với cuối năm 2022.
Thực tế, việc sở hữu số dư tiền ròng lên đến hàng nghìn tỷ đồng như MWG là điều khá nhiều doanh nghiệp ao ước. Khoản tiền gửi khổng lồ mang về cho ông lớn này hơn 809 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm nay, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 76%. Nguồn thu này đã đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh, giúp MWG thoát lỗ trong bối cảnh phải căng mình giữa cuộc chiến giá rẻ kể từ quý 2/2023.
So với đầu năm, nợ vay tài chính của MWG đã tăng hơn 5.600 tỷ đồng, thời điểm 30/6/2022 đạt 22.000 tỷ đồng. Cơ cấu thay đổi cùng sự xuất hiện của khoản nợ dài hạn, trong khi giữa năm ngoái vẫn chưa hề phát sinh. Hiện tại, MWG vẫn còn nhiều ưu thế, ngoài ra, việc tái cơ cấu mô hình kinh doanh của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài và đội ngũ là điều cần thiết sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ liên tiếp để đón chờ những cơ hội mới trong tương lai.