Số doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng cao, thị trường đang thanh lọc mạnh mẽ
BÀI LIÊN QUAN
Kiến nghị “đổi trái phiếu lấy bất động sản” và giải pháp tháo gỡ nút thắt thị trườngTín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡngViệt kiều vẫn không được đứng tên mua bất động sản Việt NamTheo Báo lao động, số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 2 tháng đầu năm đã giảm 62,4% so với cùng kỳ khi chỉ có 550 doanh nghiệp.
Ở một mặt khác, số doanh nghiệp bất động sản giải thể đã tăng gần 20% so với 2 tháng đầu năm ngoái khi có 235 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trở lại giảm 18,8% so với cùng kỳ khi có 608 doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng đã dẫn số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong báo cáo thị trường bất động sản năm 2022 cho thấy số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản và giải thể trong năm 2022 cũng tăng tới 38,7% so với cùng kỳ năm trước đó.
Bộ Xây dựng đánh giá năm 2022 là năm có nhiều khó khăn và thách thức với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực địa ốc, buộc họ phải thay đổi các phương án kinh doanh và quản lý như tái cơ cấu hoạt động, tái cơ cấu nợ, tinh giản bộ máy, thu hẹp quy mô đầu tư, đình hoãn hoạt động đầu tư, cắt giảm lực lượng lao động, dừng triển khai các dự án mới…. nhằm ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Nhiều người bày tỏ lo ngại khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp giải thể, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản lại ngày càng sụt giảm. Điều đó sẽ tác động đáng kể đến các thị trường có liên quan và sự phát triển của nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong các năm gần đây, đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản vào GDP chiếm khoảng 11% trong tổng thu ngân sách.
Ngành bất động sản trực tiếp chiếm 4,5%, và đóng góp trung bình 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Giá trị vốn hóa ngành bất động sản tính đến tháng 9/2022 ước tính đạt khoảng 1,7-1,8 triệu tỉ đồng.
Điều này chỉ ra rằng thị trường bất động sản phát triển sẽ làm giàu cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, còn đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Ông Đính nhấn mạnh rằng nền kinh tế sẽ chịu tổn thất lớn khi để tình trạng doanh nghiệp rời bỏ thị trường ngày càng nhiều. Bởi vậy, cần có những giải pháp có tính tình thế nhằm kịp thời gỡ khó cho thị trường bất động snar. Ngoài ra, cũng cần có những giải pháp dài hạn để giải quyết những vướng mắc hiện nay hiệu quả và dứt điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS TPHCM nhận định rằng những con số nói trên của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng thị trường bất động sản đang có sự thanh lọc mạnh mẽ.
Điều này là cần thiết sau khi lĩnh vực này phát triển nóng, mất cân bằng trong nhiều năm qua. Thế nhưng, ông Bảo cho rằng sự thanh lọc cần có chừng mực và phải dừng đúng lúc, nếu không sẽ gây nên tác dụng ngược. Đáng chú ý, các doanh nghiệp bất động sản luôn giữ vai trò đóng góp hàng đầu trong sự phát triển của nền kinh tế.