Sẽ có làn sóng “bán tháo” đất nền vì lãi suất ngân hàng tăng?
BÀI LIÊN QUAN
Đất nền "thất thế", tạo đà cho căn hộ chung cư tăng giáLiệu có xuất hiện đợt "sóng" đất nền vào cuối năm nay như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng?Lãi suất cho vay tăng mạnh
Câu chuyện các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần tăng lãi suất cho vay là điều đã được các chuyên gia dự báo từ trước. Tuy nhiên, chắc hẳn không nhiều chuyên gia dám dự đoán, mức tăng lãi suất lại cao như thời điểm hiện tại. Bởi với mức tăng này, đây sẽ là một “đòn” giáng mạnh vào những người dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản.
Trở về câu chuyện các nhà đầu tư bất động sản, vào tầm này năm ngoái, không ít người lao vào thị trường bất động sản nhằm mua đi bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, thị trường bỗng dưng trầm lắng họ bị mắc kẹt ở thị trường theo đúng kiểu “đi thì dở, ở thì đau”. Nghĩa làm, nếu bán đi thì chắc chắn lỗ còn để lại thì phải gồng gánh lãi ngân hàng và không biết bao giờ mới có thể đẩy được hàng đi khi có lãi.
Khi đó, nhiều người vay ngân hàng với hình thức 12 tháng lãi suất ưu đãi, từ tháng 13 trở đi, lãi suất ngân hàng thả nổi theo thị trường. Và khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng đồng nghĩa tăng lãi suất cho vay thì những người đang mắc kẹt ở thị trường bất động sản đối mặt với “thảm kịch”, dù biết rằng lỗ lãi là điều rất bình thường đối với thị trường.
Theo khảo sát của phóng viên, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều đã thông báo tăng lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và các nhân. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tăng từ 0,1-0,5%/năm, còn lãi suất cho vay đối với cá nhân tăng 1%/năm.
Trong khi đó, đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cho vay đối với đối tượng doanh nghiệp tăng cao nhất là 1%/năm, trong khi lãi suất cho vay cá nhân tăng cao nhất là 4% so với đầu năm. Theo dự báo, lãi suất này còn có thể tăng thêm trong thời gian tới. Hiện nay, lãi suất cho vay mua nhà, mua xe giai đoạn thả nổi của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phổ biến ở mức 12,5-14,5%/năm, như TPBank, MSB, ABB, OCB…
Anh Nguyễn Nam Anh (Hà Đông, Hà Nội) than thở: “Giữa tháng 11 năm 2021, tôi có thế chấp sổ đỏ căn hộ đang ở để vay ngân hàng thương mại cổ phần tư nhâ 1 tỷ đồng để đầu tư bất động sản Hòa Bình. Vừa đầu tư xong thì thị trường chững lại, thanh khoản rất yếu nên không thể thoát hàng. Tôi vay lãi suất cố định khoảng 9%/năm vào 1 năm đầu. Từ năm thứ 2 sẽ thả nổi theo lãi suất ngân hàng. Đến tháng 11 là hết lãi suất ưu đãi, tôi sẽ phải trả mức lãi suất 12-14,5%/năm tức là trên 1% trên tháng. Mỗi tháng tôi phải trả 10 triệu tiền lãi, chưa kể gốc. Biết rằng đó là quy luật thị trường nhưng việc tăng lãi suất cao như thế này khiến chúng tôi gặp khó. Trong khi bất động sản không bán được thì è cổ trả lãi ngân hàng”.
Anh Nam Anh nói rằng, đây cũng là một bài học đối với những người có tư duy “tay không bắt giặc”, dùng 100% đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản. Hiện nay, lương tháng của anh Nam Anh chỉ vừa đủ để trả gốc và lãi ngân hàng, mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc hết vào thu nhập của vợ.
Câu chuyện của anh Nam Anh cũng chính là việc xảy ra đối với rất nhiều nhà đầu tư bất động sản. Họ vào đúng thời điểm sốt đất, thời điểm mà bất cứ ai cứ “nhúng tay” đầu tư vào thị trường bất động sản là có lãi. Tuy nhiên, khi thị trường ảm đạm vì nhiều nguyên nhân, họ khóc ròng trên những thửa đất cỏ mọc um tùm.
“Nếu là căn hộ chung cư thì còn cho thuê được để đỡ đần tiền lãi hàng tháng. Nhưng đây là đất nền chẳng làm được vào việc gì, chỉ làm nơi cho cỏ mọc. Với tình hình như thế này, gia đình tôi có lẽ phải bán cắt lỗ để trả nợ ngân hàng. Gồng gánh hơn 1 năm tiền lãi khiến tôi phải chắt bóp từng chút một mới đủ chi tiêu”, anh Nam Anh tâm sự.
Làn sóng bán tháo rất dễ xảy ra
Về vấn đề này, TS.Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lãi suất cho vay tăng theo lãi suất huy động là điều tự nhiên trong ngành tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất tăng ảnh hưởng bất lợi đến sự tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Nhưng, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất các ngân hàng trên toàn cầu tăng thì các ngân hàng trong nước tăng lãi suất là điều hợp lý. Chúng ta không thể đi ngược lại xu thế được.
Vị này cũng nói thêm, việc tăng lãi suất cho vay sẽ làm tăng đáng kể chi phí vốn các doanh nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các doanh nghiệp sau Covid-19. TS. Võ Trí Thành khuyến cáo, với vay tiêu dùng cá nhân, người dân phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn, Vì thế, họ phải cân nhắc thật kỹ nhu cầu vay vốn để mua nhà và cân nhắc việc trả gốc, lãi hàng tháng.
Dưới góc nhìn một chuyên gia bất động sản, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, thời điểm này, nhiều nhà đầu tư đã hết thời hạn được vay với lãi suất ưu đãi. Nếu xét lãi suất thời điểm này và thời điểm được cho vay với lãi suất ưu đãi đang chênh khoảng trên 4% đối với vay cá nhân. Đó còn chưa kể đến việc rất có thể từ nay đến cuối năm lãi suất sẽ còn tăng nữa.
Ông Điệp nhận định, việc lãi suất tăng khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn sẽ rất dễ bán tháo bất động sản vì không thể gồng gánh thêm tiền trả ngân hàng. Tình trạng bán tháo có thể xảy ra vào thời điểm cuối năm và bắt đầu tư phân khúc bất động sản đất nền. Thời điểm cuối năm đồng nghĩa với thời điểm Tết Nguyên đán, nhiều người cần tiền để thực hiện các việc cá nhân nhiều hơn. Chính vì thế, thời điểm đó tình trạng bán bất động sản vừa để cắt lỗ, vừa có tiền trả nợ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nói rằng, thời điểm cuối năm cũng chưa phải là điểm vàng để “bắt đáy” bất động sản đất nền. Vì thời gian qua, đất nền bị đẩy lên giá quá cao so với nhu cầu thực của nó. Chính vì thế, mặc dù nhiều nơi có một bộ phận “cò đất” vẫn thổi giá đất lên nhưng mức thanh khoản rất ít. Các nhà đầu tư nên cẩn trọng đối với phân khúc đất nền trong thời điểm từ nay đến cuối năm.