Sau Vietcombank và HDBank, Agribank là ngân hàng thứ ba giảm lãi suất cho vay
BÀI LIÊN QUAN
Đầu tháng 12, đi tìm ngân hàng có lãi suất tiết kiệm 10,5%/năm Đỉnh lãi suất huy động liên tục bị phá vỡ Lãi suất tăng cao, người mua nhà trả góp bán nhà để giải phóng áp lực tài chínhTheo zingnews.vn, thông báo mới nhất của ngân hàng Agribank, ngân hàng này tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Cụ thể, giảm tiếp 20% giá trị so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng cho các khoản dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022. Đối tượng hưởng ưu đãi là khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đồng thời, với dư nợ phát sinh từ 1 - 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Như vậy, một khoản vay của khách hàng trong diện thụ hưởng chính sách nêu trên của Agribank đang phải trả ngân hàng 10%/năm thì nay chỉ phải trả 8%/năm.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước. Đối với các khách hàng vay vốn với mục đích kinh doanh xăng dầu cũng được hưởng chính sách giảm lãi suất này của Agribank.
Ngân hàng Agribank cho biết, trong năm 2022, ngân hàng này đã chủ động triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khách hàng lớn, SMEs. Tổng quy mô lên tới 160.000 tỷ đồng. Ước tính trong năm nay, Agribank đã tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng.
“Đây là nỗ lực của Agribank trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay”, Agribank nhấn mạnh.
Như vậy, cho tới nay đã có 3 ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay trong thời điểm những tháng cuối năm gồm Vietcombank, HDBank và Agribank.
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thông báo giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nhà băng này giảm tối đa 1%/năm lãi suất với hầu hết nhóm khách hàng trừ các khoản vay chứng khoán, kinh doanh bất động sản, cầm cố giấy tờ có giá… Thời gian áp dụng từ 1/11 đến hết 31/12/2022.
HDBank giảm 0,5 - 3,5%/năm lãi suất cho nhóm khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh và kinh tế nông nghiệp nông thôn. Ước tính, sẽ có 38.000 khách hàng cá nhân trên cả nước với 45.000 khoản vay được giảm lãi suất. HDBank giảm 0,5 - 2,5%/năm với khách hàng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu; doanh nghiệp tại khu chế xuất - khu công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, giáo dục- đào tạo; dịch vụ thông tin; lưu trú ăn uống. Ước tính tổng số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng. Thời gian áp dụng từ 1/11 đến 31/12/2022.
Trong bối cảnh lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại liên tục tăng trong thời gian gần đây gây áp lực lên lãi suất cho vay, việc 3 ngân hàng kể trên có động thái giảm lãi suất cho vay góp phần giảm bớt gánh nặng lãi suất cho cá nhân, doanh nghiệp.
Sau 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng. Hiện trên thị trường mức lãi suất hơn 9%/năm không còn hiếm. Thậm chí, lãi suất không kỳ hạn cũng tăng từ 0,1 - 0,2%/năm đã tăng lên 1%/năm.
Ở kỳ hạn gửi 6 tháng, mức lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã lên tới 8 - 9%/năm; đối với nhóm ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank là 6% với kênh gửi tại quầy và 7,8%/năm với kênh gửi online (tại ngân hàng VietinBank).
Kỳ hạn gửi 12 tháng mức lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay dao động 10 - 10,5%/năm.
Trong báo cáo mới công bố của Công ty Chứng khoán ACB cho thấy, so với thời điểm đầu năm 2022, thời điểm hiện tại lãi suất huy động đã tăng 2 điểm % ở các ngân hàng quốc doanh lớn và tăng 3 - 4 điểm % ở các ngân hàng tư nhân nhỏ. ACB nhận định mặt bằng lãi suất huy động đã quay về thời điểm trước dịch Covid-19. Do đó, lãi suất cho vay đã lên rất cao, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải vay với mức lãi suất 15 - 16%/năm.