Sầu riêng Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc: Giá tăng cao từ 20-40%, có nơi tăng gần gấp đôi
BÀI LIÊN QUAN
Triển vọng xuất khẩu kém khả quan bất chấp cổ phiếu phân bón cùng giá urê phục hồiXuất khẩu thủy sản trong tháng 8 tiếp tục hạ nhiệtTrị giá xuất khẩu dệt may đạt trên 3 tỷ USD tháng thứ 5 liên tiếpGiá sầu riêng tăng gần gấp đôi, thương lái đua nhau săn lùng
Những ngày gần đây, thông tin về việc Việt Nam mới ký Nghị định thư về kiểm dịch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc đã giúp cho loại quả này có giá trị hơn đối với cả người nông dân và người thu mua. Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước hiện có khoảng 90.000 ha sầu riêng đang trong mùa thu hoạch, sản lượng lên tới 1,3 triệu tấn một năm. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương đứng thứ hai cả nước chỉ sau Tiền Giang về diện tích và sản lượng sầu riêng với khoảng 15.000 ha cùng với hơn 115.000 tấn sầu riêng/năm. Bình quân mỗi năm có khoảng 70% sản lượng sầu riêng Đắk Lắk được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Đáng chú ý, một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk chính là huyện Krông Pắc với hơn 4.000ha, trong đó có khoảng 2.500 ha đã cho thu hoạch, sản lượng dao động trong khoảng từ 45.000 - 50.000 tấn/năm. Được biết, diện tích sản xuất sầu riêng chất lượng như Dona được các tiểu thương vào tận vườn đặt mua với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, theo thông tin từ trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc.
Bên cạnh đó, các công ty cũng đến tận vườn đặt mua với giá từ 54.000 - 56.000 đồng/kg đối với sản phẩm quả tươi Dona trên cây. Trong khi đó, diện tích sầu riêng Ri6 chưa được bằng 10% tổng diện tích sầu riêng của địa phương - đã bán hết từ cuối tháng 7 cho đến đầu tháng 8 với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Như vậy, so với 2 năm vừa qua, giá sầu riêng năm nay đã cao hơn từ 20 đến 40%; tuy nhiên năng suất lại giảm từ 20 đến 50% tùy theo từng vườn cũng như từng vùng tiểu khí hậu.
Bà Đỗ Thị Dung (huyện Krông Pắc) cho biết: “Giá thu hoạch sầu riêng hiện tại là khoảng hơn 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, mức giá đầu mùa là khoảng hơn 40.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá sầu riêng đã tăng gấp đôi so với năm ngoái và hiện đã được đặt cọc mua gần hết”. Theo như ghi nhận trên những hội nhóm sầu riêng của nông dân, nhiều thương lái cũng đang săn lùng thu mua sầu riêng với số lượng lớn và giá cao, sẵn sàng đặt cọc cũng như chốt giá ngay tại vườn để chuẩn bị đủ lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết sau thông tin sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch tới thị trường Trung Quốc, nguồn cung bắt đầu thu hút hơn. Chưa kể, sản lượng sầu riêng tại Thái Lan ít, giá bán cao càng khiến cho sầu riêng của Việt Nam tăng giá. Bà Vy cho biết: “Đây là thời điểm nghịch vụ nên giá sầu riêng thường cao. Ngoài ra, cả Thái Lan và Việt Nam trong năm nay đều mất mùa, cung không đủ cầu khiến cho giá cả càng tăng cao”.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, cũng cho biết, Nghị định thư kiểm dịch vào Trung Quốc đã nhanh chóng có những tác động tích cực đến thị trường thu mua sầu riêng tại địa phương. Bà Trinh cho biết: “Sầu riêng của huyện Krông Pắc hiện đã thu hoạch được nửa vụ, giá trung bình là 40.000 đồng/kg, so với năm ngoái đã tăng gần gấp đôi. Mức giá này có được là nhờ nhu cầu lớn trên thị trường cộng với giá sầu riêng đang ngày càng ổn định”.
Năm nay, dù năng suất đã giảm 30-40% vì thời tiết không thuận lợi, thế nhưng diện tích tăng đã giúp cho sản lượng sầu riêng của huyện duy trì được mức 45.000 - 50.000 tấn, bà Trinh bổ sung thêm.
Cơ hội mới cho sầu riêng Việt Nam
Giống như nhiều doanh nghiệp khác, hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu chính của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Cụ thể, thị trường này chiếm tới 60% giá trị xuất khẩu. Bà Ngô Tường Vy cho biết, nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc rất lớn, thế nên doanh nghiệp càng thêm trông chờ vào việc danh sách nhà đóng gói, mã vùng trồng sẽ được phê duyệt của nước bạn, sau đó, mặt hàng này có thể chính thức đi vào thị trường Trung Quốc bằng xuất xứ của mình. Điều này sẽ là cơ hội để tăng khả năng cạnh tranh cũng như nhận diện thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại thị trường láng giềng.
Thời điểm hiện tại, Trung Quốc là quốc gia đứng thứ ba trên thế giới nếu xét về tiêu thụ sầu riêng. Năm 2021, đất nước tỷ dân này đã nhập khẩu hơn 821.000 tấn sầu riêng, mỗi năm lại tăng thêm 16% nhu cầu tiêu thụ. Trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan, nhưng đến những năm gần đây, giá sầu riêng tăng vọt do nhu cầu bùng nổ cùng chi phí vận chuyển leo dốc. Tại Trung Quốc, giá trung bình sầu riêng tươi năm 2020 là 4 USD/kg, năm 2021 là 5,11 USD/kg.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam, chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, từ ngày 11/7/2022, sầu riêng Việt Nam đã được xuất chính ngạch qua tất cả cửa khẩu của nước này. Điều này khiến Trung Quốc trở thành một thị trường tiềm năng của sầu riêng Việt, giúp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu cho trái sầu riêng của nước ta.
Điều đáng nói, sầu riêng cũng đang là hi vọng của ông Đoàn Nguyên Đức (còn gọi là bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, Mã chứng khoán: HAG). Trong tháng 8 và tháng 9, riêng vùng trồng sầu riêng tại Gia Lai của HAGL sẽ bán lứa đầu ra thị trường, sản lượng rơi vào khoảng 100 tấn với giá 70.000 đồng/kg, ước tính mang về khoảng 7 tỷ đồng đầu tiên cho HAGL trong quý 3/2022.
Đến nay, công ty đã trồng được tổng cộng 1.000 ha sầu riêng 3-5 năm tại Lào cùng với Việt Nam. Sản lượng sầu riêng sẽ chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, các thương lái sẽ tự đến vườn thu mua. Với việc sầu riêng được cấp “visa” sang bên Trung, Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai sau Thái Lan chính thức được tiếp cận thị trường tỷ dân cho sản phẩm sầu riêng tươi. Đây trở thành động lực quan trọng để người nông dân thay đổi nhận thức, có thể đáp ứng quy trình xuất khẩu nghiêm ngặt, không còn áp dụng cách làm nhỏ lẻ, tự phát như trước đây.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc nhấn mạnh: “Người nông dân, thương lái và doanh nghiệp đều đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Và không chỉ Trung Quốc, việc đáp ứng các quy trình xuất khẩu nghiêm ngặt cũng là yêu cầu của các nước châu Á, châu Âu khi chúng ta muốn xuất khẩu sang các thị trường này”.
Theo các nhà vườn, người dân từ trước đến nay chỉ biết bán cho thương lái, sau đó xuất khẩu đi đâu cũng không biết nên giá cả rất bấp bênh. Vì thế, khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, điều này khiến nhiều người kỳ vọng sẽ giúp giá sầu riêng ổn định hơn, từ đó người nông dân sẽ có điều kiện đầu tư và tuân thủ các quy trình canh tác, giúp cây cho quả đạt chất lượng xuất khẩu.