Sau khi giá xăng giảm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp vận tải đã điều chỉnh giá cước giảm
BÀI LIÊN QUAN
Quý 2 năm nay, các doanh nghiệp vận tải tiếp tục thắng lớn, ngành cảng đã có sự phân hóaGiá xăng trong nước đã giảm lần thứ 5 liên tiếp nhưng cước vận tải lại "nơi giảm nơi không"Doanh nghiệp vận tải biển đã và đang hưởng lợi lớn, lợi nhuận có còn dư địa tăng trưởng?Kể từ 15h ngày 11/8, giá xăng E5 RON 92 trong nước đã giảm 900 đồng/lít xuống chỉ còn 23.720 đồng/lít; trong khi đó giá xăng RON 95 cũng đã giảm 940 đồng xuống còn 24.660 đồng/lít. Ngoài ra, giá bán lẻ dầu diesel cũng đã giảm về mức 22.900 đồng/lít sau khi đã được điều chỉnh giảm 1.000 đồng. Sau khi lũy kế 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng RON 95 đã giảm hơn 8.100 đồng/lít còn xăng E5 RON 92 cũng đã hạ 7.170 đồng/lít, dầu diesel giảm 7.510 đồng/lít... Việc giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong hơn một tháng qua đã giúp cho giá cước vận tải hàng hóa cùng với hành khách hạ nhiệt phần nào.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc Taxi Mai Linh vùng I, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội trao đổi với Zing và cho biết, các doanh nghiệp này đã gửi văn bản kê khai tới Sở Giao thông Vận tải Hà Nội để điều chỉnh giá cước mới. Cụ thể, ông Hùng thông tin rằng: "Mức giảm trung bình trên tổng giá cước của các hãng là từ 5 đến 10%. Theo như dự kiến, các hãng xe sẽ công bố điều chỉnh giảm giá trong vài ngày tới".
Giá cước taxi truyền thống đang hạ nhiệt
Trước đó không lâu, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có công văn để gửi tới các doanh nghiệp trên địa bàn để đề nghị nghiên cứu và thống nhất về việc giảm giá cước ngay sau khi giá xăng dầu hạ nhiệt. Mức giảm tham khảo là từ 500 cho đến 1.000 đồng/lít. Các lãnh đạo doanh nghiệp taxi cho biết, mỗi lần điều chỉnh giá cước thì các doanh nghiệp đều phải tính toán thật kỹ lưỡng. Nguyên nhân bởi, chi phí cho mỗi lần điều chỉnh giá cước đều rất cao và phức tạp, từ thủ tục hồ sơ cho đến bóc dán logo, thái chì, thuê sân bãi, kiểm định đồng hồ…
Đối với khu vực phía Nam, Vinasun - hãng taxi chiếm thị phần lớn nhất tại TP.HCM vừa mới đăng ký thủ tục giảm giá cước xe ở mức 1.000 đồng/km. Ngoài ra, theo ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM cho biết, hiện tại có 2 doanh nghiệp lớn là Mai Linh và Vinasun đều đã tiến hành điều chỉnh giảm giá cước theo giá xăng dầu. Cụ thể, ông Tính cho rằng: “Với những doanh nghiệp khác, Sở Giao thông Vận tải của TP cũng đã có văn bản để nhắc nhở những đơn vị chưa điều chỉnh phải nhanh chóng điều chỉnh lại giá cước”. Ông Tính cũng khẳng định, nguyên tắc của giá cước vận tải chính là điều chỉnh theo biến động của giá xăng dầu. Khi giá xăng dầu giảm chính là cơ hội để những doanh nghiệp này giảm giá vận chuyển. Đây cũng là phương thức để các doanh nghiệp này thu hút khách hàng sau một thời gian dài giá xăng tăng kỷ lục cùng giá cước lên cao.
Trước đó, trong khi giá xăng dầu hạ nhiệt khiến cho giá taxi truyền thống cũng rục rịch giảm theo thì các hãng taxi công nghệ vẫn còn im hơi lặng tiếng. Theo như đại diện của Gojek, hãng sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến trên thị trường để có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, Gojek cũng sẽ đảm bảo cho các tài xế có được nguồn thu nhập xứng đáng cũng như mức giá cuối cùng phù hợp với người dùng trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng thay đổi.
Cụ thể, đại diện Gojek cho biết: “Chính sách giá cả và các chương trình ưu đãi dành cho các tài xế của hãng sẽ được thay đổi linh hoạt tùy theo bối cảnh thị trường. Đồng thời, những điều này cũng được cân nhắc điều chỉnh theo nhiều yếu tố khác nhau mang tính chất dài hạn. Những điều này với mục đích mang đến nguồn thu nhập xứng đáng, ổn định cho tài xế, khuyến khích họ có thể duy trì hoạt động với hiệu suất ổn định để nguồn cung được đảm bảo.
Kiểm soát kê khai và niêm yết giá cước của những doanh nghiệp vận tải như thế nào?
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM cho rằng, để kiểm soát việc kê khai và niêm yết giá cước của những doanh nghiệp vận tải, không quản lý trực tiếp giá dịch vụ vận tải này nhưng Sở Giao thông Vận tải địa phương có thẩm quyền đã yêu cầu các doanh nghiệp cần phải giải trình đối với lĩnh vực kê khai và niêm yết giá sai với quy định. Ông Tính cho biết: “Đối với trường hợp các hãng công nghệ, Sở Giao thông Vận tải cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cần phải giải trình cước vận tải tại sao chưa giảm trong khi giá xăng dầu đã giảm mạnh hơn 8.000 đồng/lít”.
Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện nay giá dịch vụ vận tải đang được quản lý dựa trên quy luật của thị trường. Quyền tự định giá, quyền quyết định cũng như cạnh tranh giá của những đơn vị kinh doanh vận tải được Nhà nước vô cùng tôn trọng. Tuy nhiên, ông Ngọc cũng nhấn mạnh rằng: “Thế nhưng, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng cần phải thực hiện những quy định trong công tác quản lý giá một cách đầy đủ. Ví dụ, các đơn vị này phải thực hiện việc kê khai, hoặc đối với những lĩnh vực mà Nhà nước có quy định khung giá thì không được tăng quá khung”.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ vận tải, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý đối với các vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý giá hoặc lĩnh vực vận tải, trong đó đã có quy định cả về trách nhiệm kê khai và niêm yết. Đặc biệt, đối với những xử lý vi phạm về lĩnh vực đường bộ, các đơn vị này có thể sẽ phải trả lại tiền cho các hành khách trong trường hợp thu quá tiền, thậm chí còn có thể bị thu hồi phù hiệu.
Đáng chú ý, mới đầu tháng 8 này, Bộ Giao thông Vận tải đã có các văn bản gửi đến những đơn vị trong ngành và cả các địa phương, yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý và điều hành giá. Cụ thể, cơ quan quản lý đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan cần theo dõi một cách sát sao các diễn biến giá cả thị trường; tiến hành kiểm tra cũng như kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá cả, các biện pháp kê khai, niêm yết giá; đồng thời đối với những trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý cần phải xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cùng với doanh nghiệp cần phải đánh giá nghiêm túc về vấn đề điều chỉnh giá sao cho phù hợp với biến động của những yếu tố đầu vào, trong đó phải kể đến chi phí xăng dầu, những đơn vị này cần thực hiện kê khai để kịp thời giảm giá, đảm bảo giá cước đúng chuẩn theo chiều tăng giảm của giá xăng dầu trong nước.