Sắp tới có lẽ sẽ nhiều khó khăn trong thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng
Cái khó của đòi nợ và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Tại Toạ đàm "Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Phân bổ hiệu quả nguồn lực" ngày 3/2/2024, một trong những vấn đề được quan tâm là việc luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 tại Chương XII của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ông Vũ Việt Hưng, Phó trưởng Ban Pháp chế, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, trong hơn 6 năm triển khai Nghị quyết 42 cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, Nghị quyết này cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Do đó, việc luật hoá Nghị quyết 42 rất được kỳ vọng.
“Tôi nhận thấy việc luật hoá một số điều của Nghị quyết 42 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quá trình xử lý nợ, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, một điểm đáng chú ý là Khoản 06 và 15 Điều 210 liên quan tới dự án bất động sản nhận làm tài sản bảo đảm. Theo đó, các tổ chức tín dụng được tiếp tục thực hiện theo quy định tại nghị quyết 42/2017/QH14 đối với trường hợp đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày luật này có hiệu lực. Các hợp đồng thế chấp sau thời điểm này sẽ theo các quy định mới liên quan tới Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Ông Hưng đánh giá, quy định chuyển tiếp này rất quan trọng và cần thiết cho các tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm.
Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7, nhưng điều khoảng 15, Điều 210 có hiệu lực từ đầu 2025, cùng với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Những tài sản bảo đảm là dự án bất động sản trước đây đã được các tổ chức tín dụng nhận, thu giữ hoặc đang trong thời gian xử lý sẽ tránh được trường hợp “tiến thoái lưỡng nan”, hoặc không có căn cứ để thực hiện tiếp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc thu hồi nợ của các ngân hàng rất khó khăn.
“Bộ luật Dân sự, Nghị quyết 42 có thủ tục rút gọn đối với ngành ngân hàng nhưng toà án không giải quyết được. Thậm chí, Bộ luật Hình sự cũng quy định rằng vay tiền nếu có điều kiện trả mà cố tình không trả thì phạm tội chiếm đoạt. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta cũng sợ hình sự hoá quan hệ dân sự nên vẫn đề này cũng vẫn loay hoay chưa xử lý được”, ông Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ, lĩnh vực ngân hàng rất khác biệt. Các lĩnh vực khác khi bán được hàng cơ bản là xong. Nếu có bán chịu chưa thu được tiền thì cũng không rủi ro cao, còn ngân hàng “bán chịu tiền” nếu không thu được thì chẳng còn gì. Do đó, vấn đề đòi nợ của ngân hàng mới là yếu tố quyết định.
“Việc cho vay rất dễ, muốn cho vay bao nhiêu cũng được, nhưng rủi ro, hiệu quả hay nguy cơ nằm ở việc đòi nợ. Đó là lý do việc phải có Nghị quyết 42 khác với các luật chung”, ông Đức nêu.
Cả xã hội phải lên án người vay cố tình không trả
Theo ông Trương Thanh Đức, không nên nghĩ nợ xấu là của riêng ngành ngân hàng, mà là nợ xấu của nền kinh tế. Không nên tư duy đó là vấn đề, lợi ích của ngành ngân hàng.
“Nghị quyết 42 có quy định quan trọng là tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã không được chấp nhận trong luật mới. Sắp tới có lẽ sẽ rất khó khăn trong việc thu hồi nợ. Đặc biệt, nhiều khoản nợ đang được giữ nguyên nhóm nợ, giãn, hoãn, chưa được phân loại đúng vì kinh tế khó khăn, nhưng sắp tới là một thách thức lớn”, ông Đức nói.
Vị luật sư nhấn mạnh, ngân hàng cần bảo đảm an toàn. An toàn thậm chí còn được đặt lên hàng đầu, trước cả lợi nhuận. Theo đó, sắp tới vẫn cần có một cách tháo gỡ nào đó để xử lý vấn đề nợ xấu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ông khá “tâm tư” khi một số nội dung của Nghị quyết 42 được đưa vào luật không được như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng. Qua đó có thể thấy một số khó khăn cho ngành ngân hàng thời gian tới.
Đơn cử, theo ông Hùng, tiềm ẩn nợ nấu đang rất cao, khả năng thu hồi nợ thời gian tới sẽ khó khăn nếu không có giải pháp hữu hiệu hơn. Nếu người vay thể hiện sự chây ì, không trả nợ nhưng làm gì được thì các tổ chức tín dụng sẽ rất khó trong thu hồi nợ.
Cũng từ đó, các tổ chức tín dụng sẽ ra các điều kiện chặt chẽ hơn, việc tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn.
“Do đó, chúng ta cần chỉ mặt đặt tên những “con sâu” cố tình không chịu trả nợ. Nếu pháp luật chưa xử lý được thì xã hội phải lên án những người này bởi họ làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của rất nhiều người khác”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng dự báo việc doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn sẽ khó khăn hơn từ việc thẩm định tài sản đảm bảo chặt chẽ hơn. Điều này cũng khiến thời gian giải ngân khoản vay kéo dài hơn.
“Các luật khác sửa đổi rồi thì Bộ luật Dân sự cũng nên sửa đổi để không còn tình trạng cố tình không trả nợ mà không ai làm gì được. Đã có luật bảo vệ người tiêu dùng thì phải có luật bảo vệ người cung ứng sản phẩm chứ? Nếu anh có khả năng trả nợ mà không chịu trả thì phải có các biện pháp để xử lý thật nghiêm túc, kể cả hình sự”, ông Hùng nói.