Quyết không giảm giá dù chủ mặt bằng cho thuê vẫn ngồi dài đợi khách
Giá thuê mặt bằng trung tâm quá cao
Chị T.A cho biết chị vừa trả mặt bằng cho thuê trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3), một phần vì việc kinh doanh cửa hàng khó khăn, phần nữa do không thể thương lượng giảm giá thuê với chủ nhà. Căn nhà mặt tiền 1 trệt 2 lầu, diện tích 80m2 được thuê với giá 70 triệu đồng/tháng. Chị muốn thương lượng giảm giá thuê xuống 50 triệu đồng/tháng, nhưng không được chủ nhà chấp nhận. Vì thế chị chọn việc trả lại mặt bằng này để tìm vị trí khác rẻ hơn.
Nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua giảm, người dân ngày càng tiết kiệm làm ảnh hưởng tới hoạt động của những hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Thực trạng này đã dẫn tới làn sóng trả mặt bằng ồ ạt ở khắp những tuyến đường tại TP. HCM.
Có nhiều mặt bằng đắc địa trên những tuyến đường trung tâm TP. HCM như Lê Lợi, Lê Lai, Cách Mạng Tháng 8, Hai Bà Trưng… đều trong trạng thái đóng cửa suốt nhiều tháng nay. Tuy nhiên, giá thuê tại đây vẫn rất cao, từ 4.500 - 45.000 USD/tháng, chủ nhà không hề giảm giá.
Nhiều mặt bằng trên tuyến đường Lê Lợi tuy mới tái mở cửa không lâu nhưng kinh doanh ế ẩm nên phải đóng cửa hàng, trả mặt bằng. Tìm hiểu cho thấy, hầu hết những mặt bằng cho thuê tại đây có giá từ 80 - 500 triệu đồng/tháng. Trên tuyến Lê Thánh Tôn gần đó cũng ghi nhận tình trạng tương tự, cửa đóng và treo biển cho thuê. Tuy nhiên, giá thuê mặt bằng tại đây vẫn cao, từ 110 - 500 triệu đồng/tháng.
Tuyến đường Đồng Khởi trước kia rất khó tìm mặt bằng, nay cũng đang có gần 20 mặt bằng đóng cửa, treo biển cho thuê suốt 2 năm nay. Giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi từ 150 - 400 triệu đồng/tháng. Một người dân ở đây cho biết, hầu hết mặt bằng cho thuê ở đây đã được trả lại từ lâu, đến nay chưa ai thuê lại. Nhiều người đến xem, muốn đàm phán giá thuê với chủ nhà nhưng không thành.
Ngoài ra, những tuyến đường như Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, khu vực Hồ Con Rùa… có thể bắt gặp hàng loạt các bảng quảng cáo, cho thuê, tỷ lệ đóng cửa mặt bằng ngày càng nhiều.
Nhu cầu thuê mặt bằng trung tâm giảm dần
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, trong quý I/2023, nhu cầu tìm thuê nhà phố TP. HCM có xu hướng giảm, nhất là tại khu trung tâm. Lượt khách thuê nhà phố Quận 1 giảm 40%, Quận 3 giảm 45%, những quận ngoài trung tâm như Quận 7 giảm 52%, Quận 10 giảm 48%, Phú Nhuận giảm 50% so với nhu cầu thuê ở quý IV/2022. Đáng chú ý, trong quý cuối năm ngoái, nhu cầu tìm thuê nhà phố nội thành liên tục giảm mạnh, đà giảm kéo dài từ quý II/2022 đến nay vẫn chưa phục hồi.
Tuy nhu cầu tìm thuê thấp, giá chào thuê mặt bằng kinh doanh vẫn tăng mạnh, nhất là trung tâm TP. HCM. Nhà mặt phố Quận 1 có giá thuê tăng 17%, Quận 3 tăng 13%, Quận 7 tăng 11%, Quận 10 tăng 2%, Phú Nhuận tăng 9% so với quý trước đó. Điều này thúc đẩy tình trạng ế ẩm nghiêm trọng hơn.
Lý giải xu hướng giảm nhu cầu thuê mặt bằng nhà phố tại trung tâm, chủ một doanh nghiệp tại TP. HCM cho hay, tình hình kinh doanh đang rất khó khăn, người dân đang tiết kiệm chi tiêu. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp kinh doanh phải tính toán lại các khoản chi phí, ngân sách để duy trì hoạt động.
Đa số các doanh nghiệp lớn đều đang tái cấu trúc, đóng cửa những địa điểm kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ hay chuyển dịch kinh doanh về khu vực đang phát triển nhằm đảm bảo nguồn thu và lợi nhuận. Các doanh nghiệp đã không còn chọn khu vực trung tâm là ưu tiên, mà phải quan tâm đến bài toán hiệu quả đối với từng cửa hàng, từng mô hình kinh doanh và chọn khu vực phù hợp để đầu tư.
Đồng thời, sau giai đoạn Covid - 19 đã bùng nổ xu hướng mua hàng trực tuyến và đặt dịch vụ giao hàng tận nhà ngày càng gia tăng. Doanh nghiệp hiện nay có xu hướng chuyển dịch cửa hàng ra ngoài trung tâm để có giá thuê rẻ hơn. Chi phí mặt bằng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vì thế mặt bằng giá thấp sẽ được ưu tiên. Trong thời gian tới, dự kiến làn sóng rút địa điểm kinh doanh ra khỏi khu trung tâm sẽ gia tăng.
Lý giải việc giá thuê vẫn cao dù đang ế ẩm, một chuyên gia trong ngành chia sẻ, hầu hết những mặt bằng cho thuê tại trung tâm đều do những đơn vị kinh doanh dịch vụ sang tay nhiều lần. Qua mỗi lần thì giá sẽ tăng lên, chủ cho thuê không muốn chịu lỗ nên không giảm giá. Đồng thời, giá bán nhà mặt phố cũng tăng qua từng năm khiến giá thuê cũng được điều chỉnh theo.
Theo chia sẻ của nhiều chủ nhà, không ít khách thuê đã yêu cầu giảm giá từ 30 - 40% và phải ký hợp đồng dài hạn từ 5 - 7 năm mà không tăng giá thuê. Điều này đã tạo sức ép lên chủ nhà vì nếu cho thuê như vậy, họ sẽ thất thu khi thị trường hồi phục.
Phần lớn các chủ nhà cho thuê tại trung tâm đều cho rằng, thời gian tới khi nền kinh tế phục hồi, khách hàng sẽ dễ dàng đồng ý mức giá thuê mà chủ nhà đưa ra, thậm chí còn cao hơn hiện tại. Do đó, phía chủ nhà có tâm lý thà để không một thời gian còn hơn phải ký hợp đồng cho thuê dài hạn với mức giá không tương xứng.
Các chuyên gia dự đoán, ít nhất là một năm nữa thì mới tái cân bằng bộ mặt trung tâm TP. HCM. Vì vậy, ở thời điểm này bên chủ nhà và bên thuê nên thương lượng, đưa ra mức giá hợp lý để hai bên cùng có lợi.