Piktina - startup thời trang "second-hand" của Co-founder Be Group: Gọi vốn thành công 1 triệu USD chỉ sau 4 tháng
BÀI LIÊN QUAN
ByteDance - công ty mẹ của TikTok: Dùng hàng tỷ USD để "mua" người dùng trên khắp thế giới, startup hiếm hoi bắt đầu có lãiKhởi nghiệp ở tuổi 56, người phụ nữ thành công thu về 940 triệu USD chỉ trong nửa năm: Startup chưa bao giờ là muộn!Tỷ phú Peter Thiel cùng cách đầu tư gây tranh cãi: Sẵn sàng chi tiền khủng đầu tư nếu startup chấp nhận bỏ học đại họcKhởi đầu mới của cựu lãnh đạo Be Group
Dù là nhà đồng sáng lập của Be Group, thế nhưng trước khi thay ông Trần Thanh Hải đảm nhiệm vị trí CEO, hầu như rất ít người biết đến bà Nguyễn Hoàng Phương. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm trở thành CEO Be Group, người phụ nữ này cũng quyết định “dứt áo ra đi” vào tháng 9/2021.
Sau gần 1 năm im hơi lặng tiếng, đến giữa năm nay bà Nguyễn Hoàng Phương cùng với người cộng sự lâu năm của mình (cũng từng có nhiều năm gắn bó với Be Group) là Trịnh Thanh Huyền cho ra mắt Piktina - một startup thời trang và sàn TMĐT chuyên về mua bán đồ cũ. Đến tháng 6/2022, Piktina đã chính thức ra mắt ứng dụng (app) của mình trên cả 2 hệ điều hành di động là Android và iOS.
“Sứ mệnh” của Piktina là kết nối những người mua và người bán đồ cũ lại với nhau, mục tiêu là hướng đến những người muốn “xử lý” quần áo cũ ở trong tủ quần áo của họ cùng với những doanh nghiệp chuyên về các mặt hàng thời trang đã qua sử dụng. Nếu chỉ nghe qua, ắt hẳn nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên, bởi bà Nguyễn Hoàng Phương lại chuyển từ mảng logistics và kinh tế sang thời sang - một ngành chẳng có gì liên quan. Thế nhưng, trước khi gia nhập Be Group, bà Nguyễn Hoàng Phương từng có hơn 10 năm kinh nghiệm gắn bó với ngành hàng thời trang cùng với hàng xa xỉ ở thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Tôn vinh giá trị bền vững trong việc tái sử dụng đồ cũ
Theo như giới thiệu từ chính startup này, Piktina là một nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) dành riêng cho những món đồ thời trang “second-hand” - tức là đã qua sử dụng. Được biết, một trong những nguồn cảm hứng của Piktina là Depop - đây là một công ty thương mại điện tử xã hội có trụ sở tại London, Vương quốc Anh. Depop từng được Etsy có trụ sở tại Mỹ mua lại với mức giá lên đến 1,6 tỷ USD vào năm 2021. Theo Depop, khoảng 90% người dùng đang hoạt động của công ty này có độ tuổi dưới 26.
Piktina với vai trò là một nền tảng công nghệ giúp kết nối một cách trực tiếp nhu cầu giữa mua và bán sẽ giúp khai phóng tủ đồ của mỗi cá nhân. Đồng thời, startup này cũng cung cấp giải pháp cho người sử dụng có thể kéo dài vòng đời sản phẩm. Thông qua đó, những điều này sẽ góp phần trở thành một mắt xích trong nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Cụ thể hơn, Piktina sẽ đóng vai trò là người trung gian, ở giữa và kết nối người bán cùng với người mua, đồng thời điều phối shipper để việc mua bán diễn ra thành công và dễ dàng hơn. Xét về nhiều khía cạnh, Piktina cũng giống như Tiki hay Lazada, thế nhưng startup này lại có phần gói gọn hơn nhiều bởi chỉ dành riêng cho mảng thời trang có liên quan đến việc bảo vệ môi trường, không làm hại đến môi trường xung quanh, ví dụ như đồ second-hand.
Đồng thời, Piktina đã và đang đặt cược vào miền đam mê ngày càng tăng của những người tiêu dùng Gen Z - tức là những người sinh ra trong giai đoạn 1997 đến 2012 - với việc mua sắm tiết kiệm hoặc yêu thích sử dụng những quần áo đã qua sử dụng. Cũng theo startup của bà Nguyễn Hoàng Phương, giá trị cộng dồn của những mặt hàng thời trang second hand tại thị trường Việt Nam tính đến năm 2026 ước tính sẽ rơi vào khoảng 5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Piktina cũng chú trọng tập trung vào việc tăng cường nhận thức của người tiêu dùng thời trang tại Việt Nam đối với những giá trị bền vững trong việc tái sử dụng những món đồ cũ, sản phẩm cũ, tiết kiệm tài nguyên cũng như bảo vệ môi trường. Công ty khởi nghiệp này cũng nhấn mạnh, giới trẻ Việt Nam hiện đang có xu hướng chuyển sang thời trang second-hand “không chỉ vì lý do tài chính”. Đáng chú ý, còn có một nguyên nhân khác hình thành nên xu hướng này và giúp nó phát triển nhanh chóng, đó chính là sự sành điệu mà nó mang đến hoàn toàn trái ngược với xu hướng thời trang nhanh.
Tận dụng nguồn vốn mới được huy động cùng với xu hướng này, Piktina sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển cùng với cải tiến mô hình kinh doanh của mình. Thời điểm hiện tại, công ty này đang tính phí hoa hồng lên đến 20% cho mỗi giao dịch thành công, ngoài ra còn cộng thêm cả chi phí xác thực bổ sung nếu được yêu cầu.
Gọi vốn thành công 1 triệu USD chỉ sau 4 tháng
Nhờ nền tảng tốt của 2 nhà sáng lập cùng với việc đi theo xu hướng và tiềm năng khổng lồ của mảng thời trang second-hand tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, trong khuôn khổ vòng gọi vốn hạt giống, quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone đã quyết định rót 1 triệu USD cho startup Piktina.
Với số vốn này, startup của cựu lãnh đạo Be Group sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm của mình ngày càng hoàn thiện hơn nữa, đồng thời tiến hành thử nghiệm mô hình kinh doanh, tăng trưởng người dùng app (ứng dụng) trong thời gian sắp tới. Với Piktina, 2 nữ doanh nhân Nguyễn Hoàng Phương và Trịnh Thanh Huyền mong muốn có thể khai phá tiềm năng của ngành thời trang second hand tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Chia sẻ về lý do khởi tạo startup Piktina, Co-founder Trịnh Thanh Huyền cho biết: “Mỗi năm sẽ có khoảng 100 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất mới trên thế giới, thế nhưng đến 80% số lượng trong đó lại không được tái sử dụng, cuối cùng trở thành rác thải và được chôn dưới lòng đất
Giờ đây, việc sử dụng thời trang secondhand đang dần trở thành một xu hướng vô cùng đặc biệt và được ưa chuộng với giới trẻ Việt Nam bởi tính kinh tế, khả năng thể hiện cá tính bản thân và đặc biệt là tuyên ngôn bảo vệ môi trường cũng như ủng hộ thời trang bền vững mạnh mẽ của nó”.
Co-founder Trịnh Thanh Huyền cũng cho biết, trong thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy đã khiến cho chi phí ngày càng bị đẩy lên cao. Điều này đã thúc đẩy sự thay đổi nhận thức cũng như hành vi của người tiêu dùng ngày càng nhanh hơn. Nếu như trước đây, khái niệm ‘cũ người mới ta’ thường được gắn liền với ý thức tiết kiệm triệt để hay ăn chắc mặc bền, hoặc khái niệm chỉ giới hạn trong những cộng đồng sưu tầm nhỏ thì nay đã hoàn toàn khác.
Thời điểm hiện tại, thương mại ngược (Recommerce) - loại hình kinh doanh bán lại những sản phẩm đã quay sử dụng - đang chứng kiến sự phát triển vượt trội trên khắp châu Á. Mới đây, gã khổng lồ internet Naver của xứ Hàn cũng đã ký kết một thỏa thuận mua lại Poshmark - một thị trường TMĐT thời trang đã qua sử dụng được niêm yết trên Nasdaq, với giá khoảng 1,2 tỷ USD. Trước đó, Naver cũng từng rót vốn cho Carousell hồi năm 2020.