Phát triển NƠXH gắn với thị trường bất động sản tại các địa phương
Chênh lệch nguồn cung NƠXH trên thị trường BĐS
Từ nhiều năm qua, bối cảnh chênh lệch nguồn cung vẫn là “đề tài nóng” trong thị trường BĐS. Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, trong khi phân khúc nhà ở thương mại chiếm đa phần trên thị trường, NƠXH cho người thu nhập thấp vẫn ghi nhận hạn chế trong dự án được đưa ra thị trường.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp địa ốc phát triển các dự án NƠXH, tình trạng khan hiếm về nguồn cung vẫn chưa thực sự được cải thiện bất chấp lực cầu ngày càng lớn từ công nhận và người có thu nhập thấp.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, trong quý 2 vừa qua, số lượng dự án nhà ở thu nhập thấp hoàn thành là 3 dự án với 1.134 căn hoàn thành tại Kon Tum, Ninh Thuận; bằng khoảng 75% so với quý 1/2022 và tương đương với cùng kỳ năm 2021.
Hiện số lượng dự án NƠXH đang triển khai xây dựng trên cả nước là 96 dự án với 123.514 căn; trong đó, riêng Bình Dương có 42 dự án; số lượng dự án bằng khoảng 98% so với quý 1/2022 và bằng khoảng 102% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam, chỉ có 4 dự án với quy mô 2.652 căn được cấp phép mới; số lượng dự án bằng khoảng 133% so với quý 1/2022 và so với cùng kỳ năm 2021.
Mặt khác, người lao động có thu nhập thấp còn phải đối mặt vấn đề về giá cả trong chuỗi cung ứng NƠXH hiện nay. Với đồng lương của họ, trong vòng 20 năm tới, để tiếp cận phân khúc nhà ở này là tương đối khó khăn.
Đứng trước những khó khăn kể trên, tại "Hội nghị thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp" ngày 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển NƠXH, nhà ở công nhân thông qua các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, phát triển NƠXH, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trong của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, những người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là những người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm thúc đẩy, phát triển NƠXH thực chất, lành mạnh và bền vững.
Thứ hai, Nhà nước khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển NƠXH cho công nhân, người có thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách hỗ trợ vấn đề về nhà ở cho các đối tượng kể trên tại các khu đô thi, khu công nghiệp nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, phương châm “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Thứ ba, gắn phát triển NƠXH, nhà ở công nhân tại các địa phương với thị trường BĐS nhà ở; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương cũng như đảm bảo tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Thứ tư, cần có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với trọng tâm, trọng điểm rõ ràng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội của các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để ngày càng thúc đẩy phát triển toàn diện hơn lĩnh vực NƠXH.
Thứ năm, phát triển NƠXH nhưng cũng cần chú ý xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà trọ đạt quy chuẩn về không gian, vệ sinh, môi trường phù hợp, văn minh. Song song, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài có động lực tham gia tích cực và đạt được hiệu quả hơn trong phát triển NƠXH cho công nhân, người lao động.
Cần những nỗ lực từ các địa phương nhằm phát triển NƠXH
Nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh Nhà nước, chính quyền địa phương cần có sự tính toán cân đối quy hoạch phát triển.
Nhấn mạnh, cần nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển NƠXH.
Cùng nhận định về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng, ở cấp địa phương cần thể hiện sự quyết liệt, sát sao trong thúc đẩy NƠXH, nhà ở công nhân được phát triển hoàn thiện hơn, nhất là ở các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai,...
Dưới góc độ quy hoạch, cần rà soát thực hiện quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án nhà ở thương mại khu đô thị nhằm đầu tư phát triển NƠXH. Đồng thời quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội theo quy định.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở chấp thuận đầu tư, đưa ra các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, NƠXH và nhà ở cho công nhân trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Đôn đốc đảm bảo chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo đúng tiến độ được phê duyệt.
Đáng chú ý, để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, thu hút chủ đầu tư khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng, tạo nguồn cung cho thị trường, các địa phương cần có phương án rút ngắn về thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất cũng như cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng,...
Doanh nghiệp mong muốn đưa NƠXH đến gần hơn với đối tượng có thu nhập thấp
Cũng trong "Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp" diễn ra sáng 1/8 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhiều “ông lớn” trong ngành địa ốc đưa ra cam kết sẽ xây dựng 1,2 triệu căn NƠXH, nhà ở cho công nhân trong những năm tới.
Phát biểu trong hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes thể hiện mong muốn của tập đoàn trong việc phát triển nhiều dự án nhà đẹp, khang trang, đủ tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Dù triển khai NƠXH sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng với ông Hoa, đây là ý nghĩa xã hội to lớn và bày tỏ tập đoàn Vingroup sẽ phấn đấu trong 5 năm tới đầu tư 500.000 căn NƠXH.
Theo ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Tập đoàn Novaland, chương trình "Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp" theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ là vô cùng thiết thực và nhân văn. Với kinh nghiệm và nguồn lực có sẵn, tập đoàn coi nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ là một mục tiêu sẽ hoàn thành để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết NƠXH.
Còn ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, đồng thời là Chủ Tập đoàn Him Lam cũng cho biết, doanh nghiệp của ông sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030 với quỹ đất đã có sẵn của doanh nghiệp.
Chia sẻ thêm, ông chủ Tập đoàn Him Lam cho biết, các doanh nghiệp hiện nay đều có “nghề”, có nguồn lực dồi dào nhưng để làm được vẫn gặp rào cản lớn về thủ tục phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành… Bên cạnh đó, quy hoạch dự án nhà ở thương mại chung với 20% dự án NƠXH còn nhỏ lẻ, manh mún và bất cập.
Theo ông Minh nên có phương án quy hoạch NƠXH tập trung, phù hợp ứng với từng địa phương, đặc biệt là tại các khu công nghiệp cũng cần có sự tính toán, quy hoạch cụ thể.
"Quan trọng nhất phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn và có chính sách để hỗ trợ người dân phát triển thì mới nhanh được, đáp ứng được nhu cầu đại đa số, lại giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, ông Minh nhận định.
Trên cả nước hiện đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân. Tổng quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Ngoài ra, có 401 dự án đang được đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 455.000 căn, tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2.
Trong đó, với NƠXH, 175 dự án quy mô xây dựng khoảng 93.000 căn hộ, tổng diện tích khoảng 4,6 triệu m2 đã hoàn thành. 274 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 293.000 căn hộ, tổng diện tích khoảng 14,6 triệu m2.