Ông chủ Phúc Long đổi đời ngoạn mục: Từ công ty gia đình đến khối tài sản 4.000 tỷ đồng nhờ nên duyên với Masan
BÀI LIÊN QUAN
Bí quyết xây dựng thương hiệu cá nhân dành cho các nhà môi giới bất động sảnSwan City Vietnam: Thông Tin SwancityBột trét tường loại nào tốt? Top 10 thương hiệu bột trét tường uy tínMasan thâu tóm 51% Phúc Long, định giá hơn 8.000 tỷ đồng
Tập đoàn Masan vừa thông báo đã mua thêm 31% cổ phần của chuỗi cà phê, trà sữa Phúc Long nổi tiếng. Cụ thể, thương vụ này đã hoàn tất vào tháng 1 vừa qua với mức giá 110 triệu USD (gần 2.500 tỷ đồng), nâng tỷ lệ sở hữu thương hiệu của Masan lên 51% cổ phần Phúc Long. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Masan chính thức trở thành công ty mẹ của thương hiệu trà sữa lâu đời nhất Việt Nam. Kết quả kinh doanh của hệ thống cũng sẽ được hợp nhất với báo cáo tài chính của tập đoàn.
Với mức giá 110 triệu USD để đổi lấy 31% cổ phần, thương hiệu Phúc Long được Masan định giá 355 triệu USD, tương đương hơn 8.000 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối tháng 5/2021, Masan cũng đã mua 20% cổ phần Phúc Long với giá 15 triệu USD. Thời điểm đó, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang định giá chuỗi cà phê và trà sữa này ở mức 75 triệu USD. Chỉ sau chưa đầy 1 năm, Phúc Long đã tăng gần 5 lần giá trị.
Sau đợt rót vốn đầu tiên, Masan đã tiến hành thí điểm mô hình ki-ốt bán cà phê, trà sữa bên trong hệ thống 50 cửa hàng VinMart+ (nay đã đổi tên thành Winmart+). Mục tiêu của Tập đoàn Masan là đưa mô hình ki-ốt trà sữa vào 1.000 cửa hàng bán lẻ trong vòng 12 tháng.
Thương vụ mua thêm cổ phần để chi phối Phúc Long cũng đánh dấu hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đầu tiên trong năm 2022 của Masan. Trong năm nay, theo dự báo của Tập đoàn, Phúc Long có thể đạt 2.000 - 3.000 tỷ đồng doanh thu sau khi mở rộng mạng lưới của cửa hàng riêng cũng như các ki-ốt bên trong những điểm siêu thị mini WinMart+ và đa dạng hóa danh mục sản phẩm.
Cũng theo Masan, năm nay tập đoàn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình mini-mall, tích hợp các dịch vụ mua sắm dược phẩm và sản phẩm tài chính cá nhân, dịch vụ giải trí, viễn thông vào bên trong các siêu thị mini WinMart+.
Ông chủ Phúc Long “đổi đời” nhờ nên duyên với Masan
Thương hiệu Phúc Long Coffee & Tea được thành lập từ năm 1968 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Khi đó, Phúc Long là một công ty gia đình và ông Lâm Bội Minh nắm giữ vị trí chủ chốt. Ban đầu, thương hiệu chỉ có hoạt động kinh doanh đơn thuần là bán và giới thiệu trà, cà phê.
Mãi tới năm 2012, Phúc Long mới chính thức mở rộng hoạt động trong ngành đồ uống bằng việc khai trương cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea tại quận 7, TP.HCM. Theo thời gian, Phúc Long dần trở thành thương hiệu, điểm đến được đông đảo tín đồ trà và cà phê yêu thích.
Tuy nhiên tới năm 2019, tốc độ mở rộng của chuỗi F&B này khá chậm. Đến năm 2019, Phúc Long mới bắt đầu Bắc tiến ra thị trường Hà Nội. Đến ngày 21/5/2021, Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage đã được thành lập và sở hữu thương hiệu Phúc Long. Thời điểm đó, công ty có vốn điều lệ là 260 tỷ đồng. Trong đó, ông Lâm Bội Minh sở hữu 94,5% vốn ban đầu. Dù là nhà sáng lập và chủ sở hữu của một thương hiệu vô cùng nổi tiếng nhưng vị doanh nhân 76 tuổi này lại khá kín tiếng về đời tư.
Trước khi bắt tay với Masan, Phúc Long là thương hiệu trà và cà phê đình đám. Tuy nhiên thực tế thì thương hiệu có lãi khá mỏng so với những anh em đối thủ trên thị trường. Cụ thể, vào năm 2019, chuỗi thương hiệu Phúc Long ghi nhận doanh thu khoảng 779 tỷ đồng, tăng 65% so với 2018 và gấp gần 3 lần so với kết quả năm 2016.
Những con số này giúp Phúc Long trở thành “quán quân” về doanh thu, vượt trội hơn hẳn những đối thủ khác của mình trong ngành cà phê, trà sữa như Tocotoco, Gong Cha, Koi Cafe, Bobapop hay Dingtea, Sharetea. Tuy nhiên, khi đặt bên cạnh những “ông lớn” cà phê như Highlands Coffee, The Coffee House hay Starbucks, Phúc Long vẫn có doanh thu khá khiêm tốn. Trong đó, Highlands Coffee đứng số 1 trong ngành này với với doanh thu lên tới 1.628 tỷ đồng vào năm 2018, còn năm 2019 là 2.200 tỷ đồng.
Xét về biên lợi nhuận, trong khi các chuỗi khác như Highlands Coffee đạt biên lợi nhuận gộp (gross margin) rơi vào khoảng 68%, trong khi đó The Coffee House là khoảng 70% thì Phúc Long chỉ đạt khoảng 35%, nhỉnh hơn Starbucks (19%). Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu Phúc Long chưa đến 50 tỷ đồng.
Vì thế, không ngoa khi nói ông chủ Lâm Bội Minh và cả thương hiệu Phúc Long đã đổi đời ngoạn mục khi nên duyên với Masan. Sau khi bán 51% cổ phần công ty Phúc Long cho Masan, ông Lâm Bội Minh và gia đình vẫn còn nắm chắc trong tay 49% cổ phần công ty. Con số này tương đương với khối tài sản khoảng 174 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng). Con số này đủ khiến nhiều người ao ước, cũng coi là “quả ngọt” của ông chủ Phúc Long sau hơn 50 năm miệt mài xây dựng thương hiệu.
Nhờ đứng trên vai “người khổng lồ” Masan, Phúc Long đã có điểm tựa vô cùng vững chắc, có nguồn lực mạnh mẽ để phát triển và tăng tốc trong cuộc đua với những đối thủ như Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên, Starbucks.
Thực tế, Masan đang giải quyết bài toán về nâng cao tỷ suất lợi nhuận hay áp lực chi phí mặt bằng cao khá tốt. Tất cả đều đến từ chiến lượng triển khai kiosk tại các điểm bán Winmart+ của tập đoàn. Do đó, trong khoảng thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt điểm bán Phúc Long mới được mở tại các tỉnh thành như Bắc Ninh, Nghệ An,...
Tính đến ngày 31/12/2021, thương hiệu Phúc Long đã đánh dấu cột mốc hơn 600 cửa hàng Phúc Long Kiosk & 90 cửa hàng Phúc Long truyền thống chính thức hoạt động tại 18 tỉnh thành khắp cả nước. Trong năm 2022, Masan dự kiến doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong Wincommerce và đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà, cà phê.