Ông Biden xoay xở tứ bề để cứu nền kinh tế Mỹ khỏi cơn bão giá
BÀI LIÊN QUAN
Không có tiền đổ xăng, người dân Mỹ phải gánh vác nhiều việc cùng 1 lúcLạm phát Mỹ liệu đã qua mức đỉnh sau khi giá các nguyên liệu thô bất ngờ hạ nhiệt?Đâu là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ trong thời điểm hiện nay?Khó khăn bủa vây nền kinh tế Mỹ
Theo Vietnambiz, đầu tháng 6, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản - mức tăng mạnh tay nhất kể từ năm 1994. Qua đó, ngân hàng trung ương Mỹ đã đưa lãi suất chuẩn lên phạm vi từ 1,5%-1,75%.
Sau số liệu lạm phát "nóng" của tháng 6, trong khi thị trường dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất lên tròn 100 điểm cơ bản để khống chế lạm phát cao kỷ lục, thì giới chức Fed đã báo hiệu về một đợt tăng 75 điểm khác vào cuối tháng 7 này.
Tuy nhiên, cái giá mà Fed phải trả để ghìm cương lạm phát có thể chính là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khả năng Mỹ sẽ rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ - tức là tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lạm phát dai dẳng kéo dài ngày càng lớn.
Bình luận về nguy cơ của nền kinh tế Mỹ, kinh tế trưởng của Nomura - ông Rob Subbaraman chia sẻ: "Fed sẽ đẩy nền kinh tế vào hố sâu suy thoái, nguyên nhân là bởi vì lạm phát hiện đang rất khó khống chế. Áp lực giá cả sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, rất khó để hạ gục nó".
"Chúng tôi dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 7 và sau đó là 50 điểm khác vào cuộc họp tiếp theo. Sau đó, ngân hàng trung ương này sẽ thực hiện một loạt đợt tăng 25 điểm cơ bản cho đến khi lãi suất chuẩn lên phạm vi 3,75% vào tháng 2 năm sau", ông Subbaraman nói thêm.
Tại Mỹ, Nomura dự báo xảy ra một cuộc suy thoái nông nhưng kéo dài trong 5 quý sẽ bắt đầu từ quý cuối cùng của năm nay. Trong khi chỉ vài tháng trước đó, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là 0%.
"Nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, tăng trưởng GDP hàng quý (so với quý trước) sẽ bắt đầu đi xuống từ quý IV năm 2022. Đây sẽ là một cuộc suy thoái nông nhưng kéo dài tương đối. Chúng tôi tin kinh tế sẽ sa sút trong 5 quý liên tiếp", ông Subbaraman đưa ra nhận định.
Tương tự đó, theo dự báo mới nhất của Bloomberg Economics, khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới là 38%. Tâm lý của người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lạm phát và lãi suất tăng cao.
"Khả năng xảy ra một cuộc suy thoái đã tăng lên. Suy thoái có thể xảy ra vào đầu năm sau", nhà kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics - bà Anna Wong nhận định trong một báo cáo gần đây.
Giữa lúc khó khăn bủa vây nền kinh tế và đe dọa cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ra sức hạ nhiệt giá cả bằng một loạt đề xuất, bất chấp kết quả có phần gây ra tranh cãi công chúng.
Giảm thuế xăng
Giá dầu là thứ dễ thấy nhất về việc lạm phát đang tăng lên.
Chẳng hạn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của Mỹ đã tăng vọt lên 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất kể từ cuối năm 1981. Phần lớn mức tăng đến từ giá xăng dầu. Giá xăng tháng 6 tăng 11,2% so với tháng 5 và cao hơn cùng kỳ năm 2021 xấp xỉ 60%.
Để giúp các tài xế Mỹ giảm bớt áp lực khi đổ xăng, hồi tháng 6, ông Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu để tạm dừng áp thuế xăng dầu liên bang trong ba tháng.
Khi đó, Nhà Trắng từng ra thông báo: "Tổng thống Biden hiểu rằng giảm thuế xăng dầu tự thân nó sẽ không thể kìm hãm đà tăng giá nhiên liệu mà chúng ta đang thấy trên khắp đất nước.
Song, ông Biden tin tại thời điểm này, khi cuộc chiến tại Ukraine tạo thêm gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình tại Mỹ, Quốc hội nên cố gắng làm những việc trong tầm tay để giúp đỡ người dân".
Việc tạm ngừng đánh thuế xăng dầu sẽ giúp giá xăng giảm khoảng 18,3 xu/gallon. Điều này đòi hỏi Quốc hội phải hành động mà Đảng Cộng hòa nhiều khả năng không muốn hợp tác còn tổng thống Mỹ lại không có quyền tự ban hành hay hủy bỏ thuế.
Tuy vậy, giá xăng trung bình tại Mỹ hồi tháng 6 là hơn 5 USD/gallon. Ngay cả khi đề xuất của ông Biden được Quốc hội thông qua thì việc này cũng không thể giúp ích gì mấy cho người Mỹ, bởi thuế liên bang chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá xăng.
Một báo cáo từ mô hình ước tính ngân sách Penn Wharton trong đầu năm 2022 cho biết, nếu chính phủ miễn thuế xăng dầu liên bang trong 10 tháng thì người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được trung bình khoảng từ 16-47 USD, một con số không đáng là bao.
Chưa kể đến, giảm thuế có thể kích thích nhu cầu nhiên liệu hơn nữa. Qua đó, nguồn cung có thể trở nên eo hẹp hơn và càng làm phức tạp hóa bài toán chi phí của công dân Mỹ, giới chuyên gia lưu ý.
Giảm thuế cho các mặt hàng Trung Quốc
Mặt khác, chính quyền ông Biden cũng đang cân nhắc việc giảm thuế quan đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đây là thuế quan do người tiền nhiệm Donald Trump ban hành trong cuộc chiến thương mại hơn hai năm trước.
Theo Bloomberg, Tổng thống Biden có thể sớm thông báo hạ thuế quan đối với một số hàng hóa tiêu dùng không chiến lược của Trung Quốc nhằm khống chế lạm phát.
Vấn đề này cũng đã được nêu ra trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào giữa cuối tháng 6. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa tỏ rõ ý của mình.
Các tuyên bố mà Bắc Kinh đưa ra sau cuộc họp chỉ cho biết cuộc trao đổi giữa hai vị quan chức cấp cao mang "tính xây dựng" và "thực tế". Nội dung do Washington công bố cũng không đề cập gì đến vấn đề thuế quan.
Cắt giảm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc có thể giúp giảm giá của một số mặt hàng, ví dụ như vật liệu thô. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng tác dụng hạ nhiệt lạm phát của việc này sẽ không lớn được như kỳ vọng.
Ngay cả các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden cũng khá thận trọng. Bộ trưởng Yellen và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai không tin rằng chính sách thuế quan là thuốc chữa hiệu quả cho lạm phát.
Bên cạnh đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã nhận được hơn 400 đơn yêu cầu từ doanh nghiệp về việc giữ nguyên thuế quan. Điều này sẽ làm phức tạp thêm quá trình ra quyết định của ông Biden. Nếu dỡ bỏ thuế quan, ông có thể bị Đảng Cộng hòa lên án là yếu đuối trước Trung Quốc.
Vừa đấm vừa xoa các công ty dầu mỏ
Giá xăng tăng cao đã khiến cho một số quan chức chỉ trích rằng việc ngành công nghiệp dầu mỏ tập trung vào lợi nhuận chỉ mang lại lợi ích cho một số ít cá nhân, trong khi gây hại cho người tiêu dùng. Họ kêu gọi ông Biden nên áp thuế mạnh tay lên các công ty dầu khí.
Trong khi đó, các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ lại đang cân nhắc thiệt hơn giữa việc tăng chi trả cổ tức cho nhà đầu tư và rót vốn vào các dự án mới. Cuộc đánh đổi này đã khiến cho thị trường Mỹ mất gần 0,5 triệu thùng dầu mới mỗi ngày.
Thêm vào đó, từ khi nhậm chức, ông Joe Biden đã đưa ra một loạt quyết sách gây khó khăn cho các doanh nghiệp năng lượng như hủy giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL, dừng cho thuê đất công để khai thác dầu mỏ... Một bộ phận dân Mỹ cho rằng giá xăng đắt đỏ như hiện nay là do các chính sách môi trường của ông Biden.
Dù trước đây không ủng hộ dầu mỏ là vậy, song đứng trước áp lực từ công chúng và giới chức trong nước, ông Biden đã cáo buộc các công ty dầu mỏ đang cố tình ngừng khoan thêm giếng dầu để thổi giá "vàng đen" và cổ phiếu tăng cao.
Ông còn nêu đích danh ExxonMobil vì gặt hái lợi nhuận khổng lồ giữa lúc giá xăng dầu tăng nóng. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn kêu gọi :"Năm nay, Exxon kiếm được nhiều tiền hơn của Chúa. Exxon, bắt đầu đầu tư và đóng thuế đi".
Chuyến đi đến Arab Saudi
Ngày 15/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện chuyến công du tới Arab Saudi với mục đích thúc giục Riyadh bơm thêm dầu ra thị trường, bất chấp mối quan hệ nguội lạnh giữa ông và Thái tử Mohammed bin Salman.
Ông Biden cho biết chính quyền Riyadh cũng nhận thấy "sự cấp thiết" về việc tăng nguồn cung dầu thô. Ông hy vọng rằng hai bên sẽ đạt được "những bước tiến xa hơn" trong tương lai gần để bổ sung thêm nguồn cung năng lượng cho thế giới.
Tuy vậy, sau đó các quan chức Arab Saudi đã nhấn mạnh rằng bất kỳ quyết định cung ứng thêm dầu nào cũng sẽ phải thực hiện trong khuôn khổ OPEC+ và dựa theo tình hình thị trường.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Hoàng tử Faisal bin Farhan chia sẻ rằng: "Chúng tôi luôn lắng nghe các đối tác và bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước tiêu thụ dầu thô lớn. Tuy nhiên, suy cho cùng, OPEC+ chúng tôi phải tuân theo các điều kiện thị trường và chỉ cung ứng thêm dầu thô khi thấy cần thiết".
Có thể thấy, chuyến thăm của ông Joe Biden thực chất không tạo ra được quả ngọt nào. Trái lại, giá dầu có vẻ đang hồi phục. Trước chuyến công du, giá dầu quốc tế đã tụt xuống dưới mốc 100 USD/thùng do lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái. Còn ghi nhận vào cuối ngày 20/7 cho thấy, giá dầu Brent đã vọt lên khoảng 106,9 USD/thùng.