Nutifood “ra mặt” tại Đường Quảng Ngãi, tham gia cuộc đua thâu tóm Vinasoy
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp ngoại đua nhau “rót” tiền, M&A bất động sản sôi độngPhân khúc “nóng” trên thị trường M&A nửa đầu năm có gì?Hàng loạt thương vụ M&A liên tục “khuấy đảo” thị trường bất động sản Việt NamTheo Viettimes, mới đây CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood Bình Dương (Nutifood Bình Dương) đã có báo cáo về việc trở thành cổ đông lớn của CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã chứng khoán: QNS). Cụ thể, Nutifood Bình Dương đã hoàn tất việc mua vào 2 triệu cổ phiếu QNS, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại đây lên 6,2 triệu đơn vị, tương đương với 1,74% vốn điều lệ. Được biết, thương vụ này đã được thực hiện vào ngày 2/8/2022.
Điều đáng nói, trước khi giao dịch, CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) – công ty mẹ của Nutifood Bình Dương – đã nắm giữ 12,8 triệu cổ phiếu của Đường Quảng Ngãi, con số này tương đương với 3,6% vốn điều lệ. Có thể thấy, nhóm cổ đông liên quan đến Nutifood đã nắm giữ trực tiếp 5,33% vốn điều lệ của QNS. Điều này khiến Nutifood trở thành một trong những cổ đông lớn của nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Theo Nhịp sống kinh tế, dù Nutifood với tỷ lệ sở hữu là 5,33% vẫn chưa cao, tuy nhiên đây là một tín hiệu cho thấy doanh nghiệp này đang muốn có những bước đi mới tại Đường Quảng Ngãi. Một năm trước, một công ty chứng khoán lớn với nhiều khoản đầu tư khủng vào lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng tiết lộ đang nắm giữ khoảng 4% cổ phần của QNS. Điều này chứng tỏ, bên cạnh Nutifood thì nhiều “ông lớn” khác cũng đang âm thầm chạy đua để có được tiếng nói đáng kể trong cuộc đua gia tăng sở hữu tại QNS nói chung và Vinasoy nói riêng.
Tham vọng từng bước “thâu tóm” Vinasoy
CTCP Đường Quảng Ngãi hiện đang có vốn hóa thị trường lên tới gần 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm cũng ổn định ở mức hơn 1.000 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, Đường Quảng Ngãi đang là doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn nhất cả nước mà không nằm dưới sự kiểm soát của một nhóm cổ đông nào.
Chưa kể, cơ cấu cổ đông của Đường Quảng Ngãi còn khá phân mảnh khi ban lãnh đạo cấp cao chỉ nắm giữ gần 18% cổ phần. Cổ đông lớn nhất của Đường Quảng Ngãi là Thành Phát với tỷ lệ sở hữu là 15,6%. Vì là công ty con của QNS, bản chất quyền biểu quyết của công ty này vẫn do ban lãnh đạo hiện hành của công ty quyết định.
Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ gần 18% của Đường Quảng Ngãi trong đó có nhóm VinaCapital sở hữu 7%. Với vị thế đầu ngành khi chiếm hơn 80% thị phần sữa đậu nành đóng hộp với thương hiệu Vinasoy quen thuộc, ngoài ra còn có thương hiệu Fami cùng với nguồn thu lớn từ đường, bia... cùng với cơ cấu cổ đông phân mảnh, từ lâu QNS đã được nhiều tổ chức đầu tư, tập đoàn hàng tiêu dùng đưa vào tầm ngắm M&A, trong đó có Nutifood.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Đường Quảng Ngãi đã xuất hiện một động thái đáng chú ý. Cụ thể, một chuyên gia M&A của Chứng khoán Rồng Việt (VDS) là ông Nguyễn Văn Đông đã tham gia vào HĐQT của QNS. Được biết, ông Đông nhận ủy quyền cho một nhóm cổ đông hiện đang nắm giữ 29,35 triệu cổ phiếu, tương đương với 8,2% vốn điều lệ của Đường Quảng Ngãi. Tính đến thời điểm ngày 30/6/2021, Chứng khoán Rồng Việt cũng nắm giữ 3 triệu cổ phiếu QNS. Đồng thời, Chứng khoán Rồng Việt còn là đơn vị tư vấn cho CTCP Cà phê Phước An (mã chứng khoán: CPA) – thành viên của Nutifood.
Về phần của Nutifood, nếu đơn vị này thực sự muốn nhanh chóng thâu tóm Đường Quảng Ngãi và cụ thể là Vinasoy, điều này cũng không có gì để khó lý giải. Có thể thấy, Nutifood liên tục phải chịu sức ép cạnh tranh từ “ông lớn ngành sữa Việt” Vinamilk trong việc trực tiếp giành thị phần ở phân khúc cao cấp trong khi mức sống của người dân đang ngày càng tăng lên; thay vì cạnh tranh trực tiếp thì Nutifood thâu tóm Đường Quảng Ngãi được xem là phương án tối ưu hơn. Đồng thời, đây cũng là mảnh ghép lý tưởng cho mục tiêu mở rộng thị phần cũng như đa dạng hóa sản phẩm của Nutifood.
Thời điểm hiện tại, Đường Quảng Ngãi sở hữu nhiều sản phẩm đa dạng, từ đường, sữa đậu nành (Fami, Vinasoy), bia (Dung Quất), nước khoáng (Thạch Bích) cho đến bánh kẹo (Biscafun). Trong đó, mảng kinh doanh nổi bật nhất vẫn được duy trì đến tận thời điểm này chính là sản phẩm sữa đậu nành.
Công ty sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy có tiền thân là nhà máy sữa Trường Xuân. Công ty này thuộc Đường Quảng Ngãi, chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2005 và nhanh chóng trở thành “gà đẻ trứng vàng” của doanh nghiệp. Đến năm 2010, Vinasoy đã nhanh chóng vươn lên vị thế dẫn đầu, trở thành “ông hoàng bà chúa” trên thị trường sữa đậu nành Việt khi chiếm đến hơn 80% thị phần.
Trong nhiều năm qua, doanh thu khổng lồ từ sữa đậu nành vẫn đóng vai trò nòng cốt đối với CTCP Đường Quảng Ngãi. Năm 2021, chỉ tính riêng doanh thu từ sữa đậu nành đã là 4.090 tỷ đồng, so với năm 2020 đã ghi nhận mức tăng 5,6% và đóng góp khoảng 55,5% tổng doanh thu của Đường Quảng Ngãi. Trong quý 2 năm nay, mảng sữa đậu nành ghi nhận mức tăng 230 tỷ đồng trong khi lãi ròng đạt 265 tỷ đồng. Điều này khiến sữa đậu nành tiếp tục là nguồn thu trụ cột và chiếm 60% doanh thu Đường Quảng Ngãi.