Những điều cần biết về gạch bê tông đặc
BÀI LIÊN QUAN
Gạch đặc nung là gì? Tìm hiểu về các loại gạch đặc nungGạch đặc là gì? Những điều bạn cần biết về gạch đặcSo sánh gạch đặc và gạch lỗ qua ưu nhược điểm của mỗi loại gạchGạch bê tông đặc là gì?
Gạch bê tông đặc là gạch không nung có thành phần cốt liệu gồm xi măng, đá mi bụi, cát. Cốt liệu này được trộn với nước tỷ lệ thấp, rồi rót vào khuôn thép của máy rung định hình. Thành phẩm gạch sau đó được phơi khô và dưỡng hộ đến khi đạt độ cứng theo yêu cầu.
Thông thường, thời gian dưỡng này sẽ kéo dài từ 10 – 20 ngày thì gạch đảm bảo có thể thi công. Gạch đặc thường được chế tạo dạng viên hình hộp chữ nhật, là một khối đặc, với kích thước của viên gạch tiêu chuẩn 220mm x 110mm x 60mm.
Ưu điểm gạch bê tông đặc
Gạch bê tông nói chung và gạch bê tông đặc nói riêng là loại gạch được sử dụng phổ biến trong số các loại gạch không nung hiện nay. Sở dĩ như vậy bởi vì dòng gạch này sở hữu rất nhiều ưu điểm vượt trội. Cụ thể như sau:
+ Loại gạch này có thành phần cốt liệu và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Gạch không trải qua quá trình nung nên không thải những chất nguy hiểm, độc hại ra môi trường.
+ Gạch được sản xuất với độ chính xác cao, hình dáng nguyên khối giúp việc thi công nhanh chóng, đơn giản. So với gạch truyền thống, dòng gạch này sẽ giúp tăng năng suất lao động từ 3 – 6 lần.
+ Gạch bê tông đặc có kết cấu ổn định, bền chặt nên độ bền tương đối cao, chống thấm tốt. Do đó, có thể sử dụng gạch ở các không gian ngoài trời, hay tại các khu vực cần chịu tải trọng,...
+ So với gạch đặc nung thì trọng lượng gạch bê tông đặc không quá lớn giúp cho vận chuyển dễ dàng, giảm áp lực khi thi công tại các mặt bằng dễ bị lún, sụp, v.v… Từ đó sẽ giúp đảm bảo độ bền, tuổi thọ cho công trình.
+ Kích thước gạch lớn nê việc thi công nhanh chóng, tiết kiệm vữa xây…
Nhược điểm gạch bê tông đặc
Bên cạnh đó gạch bê tông đặc cũng có các nhược điểm sau:
+ Khối lượng thể tích của gạch cao làm tăng tải trọng công trình.
+ Độ hút nước cao hơn gạch đất sét nung.
+ Kích thước viên gạch lớn dẫn đến gây khó khăn cho công nhân khi xây.
Ứng dụng gạch bê tông đặc
Xây dựng phần khung nhà
Công dụng đầu tiên và cũng là phổ biến nhất của loại gạch bê tông đặc chính là để xây nên phần khung nhà cho các công trình. Với ưu điểm là giá thành tương đối rẻ, chất lượng gạch tốt, tuổi thọ cao, gạch bê tông được xem như một trong những lựa chọn hàng đầu của các gia đình khi lựa chọn gạch xây dựng.
Làm mái và tường cách nhiệt cho ngôi nhà
Trải qua quá trình sản xuất công nghệ cao, các viên gạch bê tông có khối lượng tương đối nhẹ, độ bền cao vượt trội so với loại gạch đất nung truyền thống. Hơn thế, với khả năng cách nhiệt tốt của gạch bê tông giúp cho nhiệt độ bên trong ngôi nhà luôn được duy trì thấp hơn so với bên ngoài.
Lát những công trình yêu cầu khả năng chịu lực cao
Được tạo nên nhờ quy trình rung ép thuỷ lực, gạch bê tông đặc có độ kết dính giữa các hạt nguyên liệu cao, gần như không thể tách rời. Cũng chính vì vậy, khả năng chịu lực của gạch bê tông đặc cũng tăng lên đáng kể so với dòng gạch đất nung truyền thống. Bởi vậy, gạch bê tông đặc được xem như là sự lựa chọn hoàn hảo cho các công trình yêu cầu khả năng chịu lực cao.
Công nghệ sản xuất gạch bê tông
Hiện nay có 2 công nghệ sản xuất gạch bê tông là công nghệ rung – ép và công nghệ ép tĩnh.
Công nghệ rung – ép có công suất lớn, có thể sử dụng đa dạng nhiều loại cốt liệu có kích thước khác nhau.
Công nghệ ép tĩnh phù hợp với phối liệu sử dụng cốt liệu mịn, có quy mô công suất nhỏ. Gạch sản xuất theo công nghệ này có bề mặt nhẵn, hình dạng và kích thước tương tự như gạch đất sét nung truyền thống. Nhược điểm của công nghệ này đó là: Khó thay đổi mẫu mã sản phẩm và không sản xuất được sản phẩm có kích thước lớn.
Vữa dùng cho gạch bê tông
Cốt liệu chính của gạch bê tông là mạt đá, xi măng. Cốt liệu chính của vữa xây trát thông dụng đó là cát và xi măng. Do đó, gạch xi măng cốt liệu hoàn toàn sử dụng vữa xây trát thông thường và độ kết dính của lớp vữa với gạch rất bền vững.
Gạch bê tông có kích thước lớn, đồng đều, bề mặt phẳng nên rất tiết kiệm vữa xây trát.
Cường độ chịu lực của gạch bê tông rất cao nên không gặp rủi ro với bất kỳ loại vữa nào: Nguyên lý căn bản là mác gạch cần phải lớn hơn mác vữa thì bức tường xây mới an toàn. Nếu gạch yếu, vữa khỏe thì khi thời tiết thay đổi (như độ ẩm, nhiệt độ thay đổi), độ co khô của vữa lớn có thể sẽ gây ra một số hậu quả như là bong tách lớp vữa, nứt tường...
Thi công hệ thống điện nước đối với tường xây bằng gạch bê tông
Độ bền vững của gạch bê tông cao hơn các loại gạch khác nhưng việc thi công hệ thống điện nước ngầm hiện nay đều dùng đến máy khoan cắt nên mọi việc đã trở nên đơn giản hơn.
Gạch bê tông được hình thành từ việc liên kết các hạt đá nhỏ nên khi thi công khoan cắt tường, gạch sẽ không bị rạn hoặc vỡ loang.
Lưu ý khi thi công gạch bê tông đặc
Việc thi công gạch bê tông nhìn chung khá đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao. Song, để đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như độ bền, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây.
+ Khi xây gạch, bạn cần đặt viên gạch theo từng lớp thẳng và phẳng theo cả hai phương.
+ Luôn đặt gạch theo đúng hướng để giữ các viên gạch thẳng hàng, cân bằng nhau.
+ Sau khi đã xây được khoảng 2 – 3 lớp gạch, bạn cần tiến hành miết mạch vữa giữa các lớp đã xây.
+ Sử dụng bay xây gọt phần vữa thừa và tái sử dụng lại để tránh lãng phí vữa.
+ Khi vữa chưa khô, bạn có thể dùng búa cao su để căn chỉnh lại các viên gạch chưa thẳng hàng.
+ Nên tránh đụng chạm vào các hàng gạch mới xây vì có thể làm lệch các viên gạch.
+ Chú ý đến khả năng chịu lực của các hàng gạch bê tông mới xây trước khi tiến hành xây hàng gạch mới.
+ Mạch vữa cần phải có độ dày đạt chuẩn và liền mạch vì nó có ảnh hưởng đến sự thấm nước của tường.
Phân biệt gạch bê tông cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt
Gạch bê tông cốt liệu
Gạch bê tông cốt liệu hay gạch block, được tạo thành từ xi măng, đá mạt và các chất phụ gia khác.
Qua quá trình rung ép thủy lực, hay ép tĩnh các hạt cốt liệu được lèn chặt trong khuôn thép thành những sản phẩm có hình dạng theo khuôn mẫu, và sau đó dưỡng hộ cho đến khi cứng đạt mác tương ứng với cấp phối.
Gạch này trước đây được sản xuất và sử dụng nhiều nhất trong những loại gạch không nung. Tuy nhiên, gạch cốt liệu tương đối nặng, không phù hợp với xây dựng những công trình cao tầng. Hơn thế nữa, gạch block còn thấm nước rất mạnh và nguy cơ gây nứt cho nhiều công trình.
Gạch bê tông khí chưng áp
Gạch bê tông khí chưng áp hay còn gọi tắt là gạch AAC (viết tắt của cụm từ Autoclaved aerated concrete).
Gạch AAC được sản xuất từ các loại vật liệu gồm xi măng, cát nghiền mịn, vôi, nước và bột nhôm - chất tạo khí (có thể thay cát bằng các khoáng silic hoạt tính như là xỉ bazơ dưới dạng nghiền mịn).
Gạch AAC sản xuất bằng cách trộn đều hỗn hợp vật liệu và đổ vào khuôn thép để tạo hình. Bọt khí của bê tông chưng áp được tạo ra trong thời gian bắt đầu đông kết, nhờ vào phản ứng sinh khí của bột nhôm. Các bọt khí này tạo thành lỗ rỗng làm cho hỗn hợp bê tông nở, do vậy bê tông có khối lượng thể tích thấp.
Sau khi đóng rắn sơ bộ sản phẩm sẽ được tháo khuôn, dùng máy cắt chuyên dụng cắt thành từng block theo kích thước được yêu cầu và được đưa vào thiết bị chưng áp (autoclave), tại đó sản phẩm phát triển cường độ ở trong môi trường hơi nước bão hoà có nhiệt độ, áp suất cao.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng và thi công thực tế, gạch AAC vẫn cho thấy một số khuyết điểm như độ thấm nước cao, độ giãn nở kém nên hay xảy ra các hiện tượng nứt tường.
Gạch bê tông bọt
Bê tông bọt khí là một loại bê tông nhẹ chứa nhiều các lỗ rỗng khí nhỏ li ti được phân bố đồng đều.
Thành phần chủ yếu của bê tông bọt gồm xi măng, tro bay nhiệt điện, sợi tổng hợp, chất tạo bọt, một số chất phụ gia khác. Cấu tạo của gạch bê tông bọt khí có hàng triệu bọt khí li ti độc lập với nhau tạo nên hệ thống dạng tổ ong kín với kích thước siêu nhỏ.
Chính vì cấu tạo đặc biệt này mà gạch chống thấm rất tốt, hơn hẳn gạch bê tông chưng áp và bê tông cốt liệu. Bê tông bọt khí còn có khả năng cách âm, cách nhiệt và chống cháy cực kỳ tốt cho các công trình.
Là một loại vật liệu không nung ra đời muộn hơn so với gạch bê tông cốt liệu và bê tông khí chưng áp cho nên bê tông bọt đã cải tiến và khắc phục được các nhược điểm của 2 loại gạch trên. Hơn nữa, bằng việc thêm cốt sợi và các loại phụ gia khác, gạch bê tông bọt không bị co ngót, chống thấm và chống nứt tường tốt hơn hẳn.
Lời kết
Với những ưu thế vượt trội, gạch bê tông đặc nói riêng và gạch không nung nói chung hiện được đánh giá là sản phẩm thay thế hoàn hảo cho gạch đất sét nung, đem lại sự bền vững cho các công trình và các lợi ích tổng hòa khác cho xã hội.