Những điểm nổi bật trong mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng trong năm 2023
BÀI LIÊN QUAN
5 quyết định giảm lãi suất của ngân hàng giúp thị trường sớm phục hồiCó được thế chấp vay vốn ngân hàng khi còn nợ tiền sử dụng đất?Làn sóng doanh nghiệp phá sản có thể là “quân domino” tiếp theo sau cuộc khủng hoảng ngân hàngNhiều ngân hàng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt
Theo Doanhnhan.vn thông tin, VIB năm nay tiếp tục là ngân hàng tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) sớm nhất và cũng là ngân hàng đầu tiên chốt phương án chia cổ tức của năm 2022.
Cổ đông của VIB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 35%, trong đó 20% bằng cổ phiếu cùng với 15% bằng tiền mặt. Mới ngày 3/3, ngân hàng này đã ứng trước cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, 5% còn lại sẽ được chi trả vào ngày 5/5 tới đây.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, trước giai đoạn Covid-19, ngân hàng này thường xuyên chia cổ tức thành 2 phần, bao gồm cổ phiếu thưởng cùng với tiền mặt. Sau đó, đúng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng nói chung và VIB nói riêng trong 3 năm qua đã dành toàn bộ nguồn lực để phòng ngừa rủi ro cũng như phát triển. Do đó, ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Dư địa VIB năm 2023 có thể chia cổ tức ở mức 38%; tuy nhiên ngân hàng chỉ trình mức 35%, bao gồm 15% bằng tiền mặt.
Cũng theo ông Đặng Khắc Vỹ, ngân hàng sẽ cân nhắc nhằm đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR). Có thể kỳ vọng cổ tức năm 2023 ở mức 30% trở lên tính theo lợi nhuận năm đạt được nếu như cơ quan quản lý không thay đổi chính sách. Đồng thời, ngân hàng cũng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 21.077 tỷ đồng lên mức 25.368 tỷ đồng thông qua các hình thức phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu cùng với 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên (ESOP), tỷ lệ phát hành lần lượt là 20% và 0,36%.
Trong khi đó, ngân hàng ACB dự kiến chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 25%, trong đó có 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 506 triệu cổ phiếu nhằm chia cổ tức cho năm 2022 với tỷ lệ 15%; đồng nghĩa với việc mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3 năm nay. Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của ACB dự kiến sẽ tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng. Đáng chú ý, Dragon Financial Holdings Limited vẫn là cổ đông lớn duy nhất của ACB khi nắm giữ 6,92% vốn điều lệ ngân hàng.
Trong một diễn biến khác, VPBank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tức là mỗi cổ phiếu ngân hàng sẽ được nhận về 1.000 đồng. Dự kiến, ngân hàng sẽ chi 7.934 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt đợt này, dự kiến thực hiện vào quý 2 và quý 3 năm nay. Đồng thời, VPBank cũng dự kiến bán 1,19 tỷ cổ phiếu cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation - nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, con số này tương đương với 15,005% vốn điều lệ của ngân hàng này sau khi phát hành. Giá chào bán dự kiến là 30.159 đồng/cổ phiếu, sau khi thành công sẽ thu về 35.904 tỷ đồng, giúp vốn điều lệ của VPBank tăng từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự kiến thu về 302,2 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 30,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP), với giá là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Một số ngân hàng như Techcombank, MSB và PG Bank dự kiến sẽ tiếp tục không chia cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2023. Theo HĐQT MSB, tình hình cổ phiếu nhiều biến động cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất và yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao đến từ cơ quan quản lý, ngân hàng mong muốn có thể giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu cũng như vốn điều lệ nhằm tạo nên bước đệm vững chắc cho mình. Khi tình hình thị trường khởi sắc, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức và cổ phiếu thưởng sao cho phù hợp.
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi
Techcombank bất ngờ đặt kế hoạch lợi nhuận 2023 giảm so với năm trước, mức giảm cụ thể là 14%. Cụ thể, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay là 22.000 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là 25.568 tỷ đồng. Dự kiến, dư nợ tín dụng của “nhà băng đỏ” đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ngoài ra, huy động vốn cũng phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng thực tế, từ đó tối ưu hóa được nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ thấp hơn 1,5%.
Bên cạnh Techcombank, NCB cũng dự kiến năm 2023 sẽ đạt 16 tỷ đồng lợi nhuận, so với thực hiện năm trước đã giảm 42 tỷ đồng. Theo đánh giá của NCB, ngành ngân hàng năm nay vẫn đối mặt với nhiều thách thức, ví dụ như rủi ro vỡ nợ chéo từ trái phiếu trong khi bộ đệm an toàn vốn còn mỏng.
Đối với những nhà băng khác, lợi nhuận trước thuế năm 2023 vẫn dự kiến tăng mạnh. Đáng chú ý, trong nhóm những ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh trong năm nay, Eximbank là cái tên đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất. Cụ thể, mục tiêu của Eximbank là đạt 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, so với năm 2022 đã tăng 34,8%. Tổng tài sản năm 2023 dự kiến tăng 13,55 và ước đạt 210.000 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng đạt 146.00 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2022 và có thể sẽ điều chỉnh tùy theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, huy động vốn ước tính tăng lên mức 165.000 đồng, tương ứng với mức tăng 11%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng được kiểm soát dưới mức 1,6%.
Những ngân hàng tiếp theo là ACB, VIB và VPBank cùng mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 dự kiến đạt lần lượt 17%, 15% và 13%. Trong khi đó, MSB, Nam A Bank và PG Bank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng dưới 10%.
Kế hoạch sáp nhập ngân hàng
Trước thềm ĐHĐCĐ, một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng MSB tiết lộ, nhà băng này đang chuẩn bị phương án sáp nhập thêm một ngân hàng, dự kiến trình cổ đông thông qua và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng tiết lộ, một trong những ngân hàng mà họ đang quan tâm là PG Bank.
Không lâu sau đó, ngân hàng này đã nhanh chóng công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường xuyên của năm 2023 cùng kế hoạch sáp nhập một tổ chức tín dụng. HĐQT ngân hàng cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng, đó là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường tại Việt Nam cùng với các tiêu chí về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường và có chất lượng tín dụng tốt.
Theo ngân hàng này, mục đích của việc sáp nhập nằm ở việc tận dụng được hệ thống mạng lưới và nhân sự và các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập với mục đích tăng quy mô hoạt động của MSB cũng như triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng.
HĐQT cũng quyết định trình ĐHĐCĐ thông qua việc uỷ quyền cho HĐQT thực hiện toàn bộ công việc cũng như nội dung liên quan đến việc triển khai và thực hiện nhập sáp nhập.