Nhu cầu vốn lớn, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn khi tín dụng thắt chặt
BÀI LIÊN QUAN
Ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chịu áp lực vì nhu cầu sụt giảm mạnhLũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt 2,6 tỷ USDNăm 2023, đơn hàng của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực sụt giảm nghiêm trọngĐang dần “thấm đòn” dưới áp lực của lạm phát
Tình trạng lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng gia tăng đã khiến cho nhu cầu sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh vào nửa đầu năm, thủy sản đang dần “thấm đòn” và lâm vào tình trạng khó khăn chung giống như nhiều ngành hàng xuất khẩu khác.
Bên cạnh yếu tố thị trường, ngành thủy sản còn bị ảnh hưởng bởi những bất ổn trên thị trường tài chính trong nước thời gian gần đây. Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Văn Tấn - Tổng giám đốc Công ty CP Camimex Group cho biết, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp thủy sản hiện nay chính là việc các ngân hàng thương mại cắt giảm hạn mức tín dụng.
Cụ thể, ông Huỳnh Văn Tấn cho biết: “Đối với các doanh nghiệp thủy sản, bao gồm cả Camimex, nhu cầu về vốn là rất lớn. Thế nhưng hiện tại, nhiều tổ chức tín dụng và ngân hàng nhà nước đã thắt chặt vấn đề giải ngân; nhiều doanh nghiệp dù còn hạn mức nhưng thay vì tiếp tục giải ngân, ngân hàng lại cắt đi hạn mức của doanh nghiệp. Trong khi hiện tại đang vào mùa cao điểm của sản xuất và xuất khẩu để cho các khách hàng có thể bán vào dịp cuối năm. Vì thế, nhu cầu vốn càng cao nên việc ngân hàng không giải ngân cũng như thu hồi loạt khoản tín dụng cũ đã khiến các doanh nghiệp càng thêm khó khăn”.
Điều đáng nói, đây không phải là khó khăn riêng của một đơn vị nào đó. Trong công văn được VASEP gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã báo cáo rõ ràng những khó khăn và vướng mắc của các doanh nghiệp. Công văn này cũng nêu rõ, nhiều chi nhánh của các ngân hàng thương mại ở nhiều địa phương kể từ giữa năm 2022 cho đến nay đã cắt giảm tín dụng mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp thủy sản, dù hạn mức tín dụng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ giải ngân được 60% đến 80% nhưng vẫn không được giải ngân.
Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp lớn với nhu cầu vốn nhiều lại không có đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản và vật tư cho sản xuất. Thay vào đó, những doanh nghiệp này buộc phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng cũng như xuất khẩu của ngành. Nhiều doanh nghiệp dù đang triển khai những dự án sản xuất thủy sản nhưng vì thiếu vốn nên đã phải ngừng thi công.
Mặt khác, tình hình xuất khẩu tại nhiều thị trường chủ chốt trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ hay EU cũng đang chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Tình trạng lạm phát ngày càng cao, đồng tiền ở nhiều thị trường bị mất giá so với “đồng bạc xanh”, sức mua của người tiêu dùng giảm sút đã ảnh hưởng lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp thủy sản trong nước.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng giám đốc Camimex Group cho biết: “Thị trường nhập khẩu của nhiều nước gần như bị ngưng trệ, một số khách chưa dám nhập nhiều hàng để phục vụ cho dịp lễ Giáng sinh cùng với Tết Dương lịch sắp tới. Không những thế, người dân tại châu Âu đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho vấn đề năng lượng so với ăn uống khiến đơn hàng sụt giảm, nhiều nhà máy chỉ hoạt động với công suất khoảng 30%”.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, sức tiêu thụ giảm trong khi lượng tồn kho lớn đã khiến nhiều khách hàng tạm dừng nhận các đơn hàng hoặc yêu cầu giao hàng chậm hơn dù đã ký kết hợp đồng. Trước tình trạng này, các doanh nghiệp bị tồn kho ở Việt Nam, tiền nằm trong hàng sẽ không có tiền về hoặc dòng tiền về sẽ giảm sút đáng kể.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đang đối mặt với tình cảnh “đói vốn”. Tuy nhiên, việc tiếp cận với hỗ trợ của Chính phủ, điển hình như gói hỗ trợ lãi suất 2% lại không hề đơn giản. Cụ thể, Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có nêu rõ, để nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp phải không có nợ xấu, có doanh thu và có lợi nhuận, đồng thời phải có tài sản đảm bảo mới được tiếp cận.
Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Cafatex nhận định: “Chúng tôi cần rất nhiều vốn để có thể sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, thế nhưng lại không thể tiếp cận gói ưu đãi dù tổng tài sản của doanh nghiệp thậm chí lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn phải vay và chi trả theo mức lãi suất thương mại. Khi doanh nghiệp đề cập về việc muốn tiếp cận vốn vay ưu đãi, ngân hàng nói phải chờ. Chúng tôi không biết phải chờ đến bao giờ, trong khi công ty vẫn phải chi trả tiền hàng, tiền nhân công, điện, nước và các chi phí khác”.
Giải pháp nào để “gỡ rối” cho ngành thủy sản?
Trước tình hình khó khăn như hiện tại, ông Huỳnh Văn Tấn cho rằng để gỡ rối cho ngành thủy sản thì các doanh nghiệp liên quan cần phải được nới room tín dụng. Ngành thủy sản được biết đến là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn mang đến lượng ngoại tệ lớn, thế nên các doanh nghiệp thủy sản càng cần phải được tiếp cận dễ dàng hơn với những ưu đãi về thuế và về lãi suất…, đặc biệt trong thời điểm khó khăn như hiện nay.
Xét trong góc độ hiệp hội, mới đây nhất VASEP đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cũng như có giải pháp về việc nâng cao mức tín dụng cho ngành nói chung và cho xuất khẩu thủy sản nói chung. Cụ thể, VASEP cũng đã có kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo đối với các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp thủy sản có thể tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường trong giai đoạn xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi cũng như tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay và cả trong năm tới.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ với mục đích bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn và con giống nuôi thủy sản, giá năng lượng cho khai thác; đồng thời điều chỉnh tỷ giá đồng USD một cách linh hoạt và phù hợp, có lợi hơn đối với việc xuất khẩu; đặc biệt cần tiến hành giảm chi phí logistic trong nước. Nguyên nhân bởi, dưới tác động của lạm phát toàn cầu cùng với chênh lệch tỷ giá đã khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam đắt đỏ hơn so với các đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn khác như Mỹ và EU; lượng đơn đặt hàng ghi nhận xu hướng sụt giảm rõ rệt, lượng hàng tồn kho tăng lên trong khi khâu bảo quản cùng với logistics vẫn là điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp trong ngành.