Nhiều tài xế xe công nghệ đua nhau tắt app, chạy chui
BÀI LIÊN QUAN
Hệ lụy đợt sa thải nhân sự ồ ạt của Shopee: ShopeeFood bị tụt lại phía sau, chuyên gia cảnh báo khó đạt tăng trưởng doanh thu trong vài năm tớiApple đối mặt với vụ kiện “cố tình” làm chậm iPhone, nguy cơ thiệt hại gần 1 tỷ USDVinFast cố định giá thuê pin ô tô điện tại Việt Nam không điều chỉnh theo giá xăng dầuTheo Zing News, ngày 21/6, giá hai loại xăng E5 RON 92 và RON 95 tiếp tục lập đỉnh mới, tăng lần lượt lên 31.302 đồng/lít và 32.873 đồng/lít. Trong hơn nửa đầu năm nay, giá xăng trong nước tăng tổng cộng 13 lần. So với mức điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng hiện nay đã tăng thêm 37%.
Để hỗ trợ đối tác, hầu hết các ứng dụng gọi xe công nghệ đã rục rịch tăng giá cước từ đầu năm. Bên cạnh đó, hãng còn triển khai các chương trình đảm bảo thu nhập, thưởng hoạt động hay tăng phiếu xăng cho tài xế.
Tuy nhiên, trước một số bất đồng về lợi ích, nhiều tài xế công nghệ đang rủ nhau tắt app, chạy chui, thậm chí còn bật app nhận đơn nhưng hủy ngay sau đó như một cách lên tiếng phản đối chính sách của hãng và đòi quyền lợi.
Chiết khấu cao
"Giá xăng tăng từ đầu năm đến nay gần chục nghìn đồng rồi nhưng hãng vẫn trừ tài xế ngần ấy chiết khấu, phụ phí, giá cước thì chỉ nhích nhẹ 1.000-2.000 đồng. Điều này ảnh hưởng đến túi tiền lẫn tâm lý của đông đảo anh em", Văn Cảo, một tài xế công nghệ đang hoạt động tại Hà Nội bức xúc chia sẻ.
Anh cho biết với mỗi cuốc xe, ứng dụng sẽ trích ra khoảng 30% doanh thu, bao gồm phí sử dụng ứng dụng, phí nền tảng, phí dịch vụ và thuế (VAT kèm thuế TNCN). 70% doanh thu còn lại thuộc về tài xế.
Trên thực tế, tổng tỷ lệ khấu trừ của các hãng thường dao động từ 25-31%, bao gồm chiết khấu và thuế. Các khoản còn lại như phí nền tảng, dịch vụ sẽ do khách hàng chi trả (đã cộng gộp vào giá cước).
7:3 cũng là công thức chia doanh thu chung của nhiều hãng như Grab, Gojek hay be. Hiện nay, Grab, Gojek đang cố định mức chiết khấu 20% đối với tài xế xe hai bánh và 25% đối với tài xế xe bốn bánh. Trong ba hãng gọi xe dẫn đầu thị phần cả nước thì be là hãng duy nhất không niêm yết cụ thể chiết khấu.
"Mức chiết khấu, phụ thu quá cao. Có những cuốc chỉ 15.000-17.000 đồng nhưng hãng thu mất 6.000-7.000 đồng thì khác gì làm không công. Anh em cố chạy, tránh hủy để tích điểm và duy trì hiệu suất, cuối ngày nhận thưởng chứ những cuốc này không mang lại thu nhập", anh Cảo cho hay.
Theo ghi nhận, tại một số bến xe như Giáp Bát, Nước Ngầm hay xung quanh khu vực bệnh viện Bạch Mai, Da liễu Trung ương (Hà Nội), tình trạng tài xế công nghệ chủ động bắt khách, tự thỏa thuận giá cước thay vì thông qua ứng dụng diễn ra tương đối phổ biến. Ngoài lực lượng xe ôm truyền thống thì hầu hết các lái xe công nghệ cho biết đây là cách tránh bị hãng trừ chiết khấu và kiếm thêm thu nhập.
"Các cuốc đi từ đây thường có lộ trình xa, hành khách và xế tự thỏa thuận giá tiền, hợp lý thì đi. Khách có thể bật app lên so giá nếu sợ chặt chém. Kể cả giá thỏa thuận có thấp hơn trên app thì tôi vẫn tiết kiệm được 10.000-15.000 đồng", Minh Hải, một lái xe công nghệ đang hoạt động tại khu vực này kể.
Hải chủ yếu bắt khách ở khu vực này vào giờ thấp điểm. Mặt khác, vào các khung giờ cao điểm, anh quay lại app bởi điểm tích lũy và giá trị cuốc xe thường cao hơn.
Bất đồng với chính sách hỗ trợ của hãng
Với tài xế công nghệ, khoản thưởng hoạt động cuối ngày từ ứng dụng rất quan trọng. Đây được xem là một trong những nguồn thu chính giúp tài xế cải thiện thu nhập cũng như bù đắp vào chi phí nhiên liệu và ăn uống hàng ngày.
Để nhận được khoản này, tài xế cần đáp ứng đủ hai điều kiện gồm hiệu suất hoạt động và số điểm tích lũy do hãng quy định. Mỗi mốc điểm tích lũy khác nhau sẽ có giá trị tương ứng.
Tại Hà Nội, tài xế beBike có mức thưởng tối thiểu là 25.000 đồng và tối đa là 250.000 đồng vào các ngày trong tuần. Trong khi đó tài xế GrabBike được thưởng ít nhất là 40.000 đồng và cao nhất là 360.000 đồng.
Song, việc ứng dụng Gojek thay thế chính sách này bằng chương trình đảm bảo thu nhập khiến cho tài xế xe hai bánh bức xúc. Theo chương trình mới, nếu đạt đủ tổng điểm tích lũy nhưng không đạt doanh thu ổn định thì hãng sẽ cộng phần tiền còn thiếu cho tài xế.
Ví dụ, mốc 30 điểm tích lũy có mức doanh thu ổn định là 200.000 đồng. Nếu tài xế đạt 30 điểm nhưng doanh thu chỉ có 150.000 đồng thì ứng dụng sẽ bù thêm 50.000 đồng.
Một số tài xế khẳng định rằng, chương trình mới của Gojek đang gây ra nhiều thiệt hại hơn là đem lại lợi ích. Phần lớn đều chung quan điểm rằng hãng đang gián tiếp cắt thưởng của tài xế.
"Chương trình này đã áp dụng một năm trước ở TP.HCM. Khi ấy tình hình dịch căng thẳng, tài xế không có khách cũng không đủ đơn nhưng thu nhập vẫn được đảm bảo. Nay nhu cầu tăng trở lại, giá xăng đắt, chiết khấu cao, giá cước rẻ, anh em tài xế cố chạy để có thưởng gỡ tiền xăng nhưng giờ thì vỡ mộng", Quang Ngọc, tài xế Gojek trần tình.
"Trước đây có thưởng, tôi chạy khoảng 35-40 đơn được trên 95 điểm, kiếm trên dưới 1 triệu đồng, trừ đi 200.000-250.000 tiền xăng còn 800.000 đồng", anh nói thêm.
"Thông thường mỗi ngày tôi chạy 14-15 tiếng, còn giờ không có thưởng nên nản lắm, chạy được 300.000-400.000 đồng/ngày là về", Quang Ngọc cho hay.
Hiện Gojek vẫn đang áp dụng chương trình thưởng hoạt động cho dịch vụ GoCar trong khi lái xe hai bánh chỉ còn ưu đãi đảm bảo thu nhập. Trước khi có chính sách này, hãng thưởng 35.000-170.000 đồng cho tài xế nếu đạt đủ điểm tích lũy.
Đánh giá thêm về chương trình đảm bảo thu nhập, Đức Huy - một tài xế khác của Gojek - cho rằng, mức doanh thu đảm bảo ổn định hãng đề ra quá thấp. Do vậy, khi đạt điểm tích lũy, tài xế có thể dễ dàng vượt mức doanh thu này và không nhận được thưởng.
Các ứng dụng nói gì?
Về vấn đề chiết khấu, các hãng đều khẳng định rằng giá cước đã được tính toán trên cơ sở có lợi cho người dùng lẫn tài xế. Trong bối cảnh giá cả nhiên liệu tăng cao, ứng dụng vẫn sẽ tiếp tục tung ra chương trình hỗ trợ và chưa có kế hoạch điều chỉnh thêm chiết khấu.
Hiện tại, be là ứng dụng duy nhất thông báo giảm chiết khấu đối với dịch vụ di chuyển bằng ô tô tại một số tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Đại diện hãng cho biết, ứng dụng không thể lập tức tăng giá cước theo giá xăng vì sẽ ảnh hưởng tới khách hàng. Tuy nhiên, hãng sẽ tiếp tục theo dõi thị trường để cân bằng lợi ích cho tài xế cùng người dùng.
"Chúng tôi không bao giờ khuyến khích tài xế và khách hàng thực hiện chuyến đi ngoài ứng dụng vì chính sự an toàn của hai bên nếu chẳng may xảy ra sự cố hay va chạm giao thông nghiêm trọng", đại diện be lưu ý tài xế và khách hàng đều được hưởng chính sách bảo hiểm tai nạn.
Trong khi đó, đại diện của Gojek cho biết mức phí dịch vụ được tính toán dựa trên nhiều yếu tố với mục tiêu đảm bảo tính công bằng và cạnh tranh trên thị trường, đồng thời cũng cân đối các khoản đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khuyến mãi nhằm kích cầu, từ đó giúp cho tài xế có thêm trải nghiệm và chương trình hỗ trợ.
"Chúng tôi đã và đang theo dõi các biến động thị trường để có giải pháp điều chỉnh mức giá cũng như phân bổ nguồn cung phù hợp", đại diện Gojek chia sẻ.
Tương tự đó, Grab thông báo sẽ xem xét tổng thể thu nhập của đối tác và tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ khác nhau để cân bằng lợi ích cho tài xế lẫn người dùng.