Nhiều chủ đầu tư địa ốc muốn được làm nhà ở xã hội
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì xảy ra khi “cánh cửa” tín dụng cho nhà ở xã hội được “mở cửa”?Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Không dễ tiếp cậnNhiều địa phương kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội: Những áp lực và động lựcSáng 17/2, Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trong hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước đã họp cùng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, sau đó đi đến thống nhất sẽ dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Lãi suất của gói này sẽ thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc có một gói tín dụng riêng dành cho lĩnh vực bất động sản là vô cùng cần thiết, từ đó tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giảm tình trạng mất cân đối trong thị trường bất động sản.
Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại, dành cho những dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân vay. Gói này sẽ thực hiện theo phương thức tái cấp vốn, tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016. Nếu gói này được thông qua, 50% gói tín dụng (tương đương 55.000 tỷ đồng) sẽ dành cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ở mức ưu đãi. 50% còn lại dành cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cho những khách hàng cá nhân là người mua hoặc thuê.
Trước đó không lâu, trong báo cáo của Bộ Xây dựng gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng nhấn mạnh cần phải hoàn thiện, ban hành cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả đối với đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Nhiều chủ đầu tư địa ốc muốn được làm nhà ở xã hội
Theo Doanhnhan.vn, trước những chính sách của Nhà nước về việc khuyến khích phát triển nhà ở xã hội từ năm 2021 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn nộp đơn đăng ký, đề xuất thực hiện các dự án nhà ở xã hội ở nhiều địa phương.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng đã lên tiếng phản hồi về việc CTCP Địa ốc Kim Thi đề xuất tham gia đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội khu quy hoạch 5B – CC5, TP Đà Lạt. Tỉnh đã đề nghị doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục để được cấp chứng thư số, đồng thời nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Được biết, dự án này thuộc khu vực phường 3 và phường 4 của TP Đà Lạt, tổng diện tích lên đến gần 20.950 m2. Ngoài ra, tổng chi phí thực hiện dự án dự kiến là 418,4 tỷ đồng; chi phí này không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư. Trong đó, gần 83,7 tỷ đồng là vốn góp nhà đầu tư.
Theo tìm hiểu, Địa ốc Kim Thi được thành lập vào ngày 26/3/2014, có trụ ở tại TP Vinh, Nghệ An. Lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp này là đầu tư, xây dựng và phân phối bất động sản. Đồng thời, Kim Thi cũng là đơn vị chuyên xây dựng và phân phối nhà ở xã hội tại Nghệ An.
Ngày 10/2, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phản hồi về văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại KCN Phú Hội của CTCP Đầu tư Nhà An Bình. Tỉnh đã chuyển cho Sở kế hoạch và Đầu tư chủ trì cũng như xem xét đề xuất của Công ty Nhà An Bình; đồng thời hướng dẫn công ty thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Vị trí của dự án nhà ở xã hội này ở Khu dân cư – Công nhân KCN Phú Hội, thôn Pré, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng; quy mô 17.959 m2 cùng tổng vốn đầu tư là gần 206 tỷ đồng, trong đó có 41,1 tỷ đồng vốn góp nhà đầu tư. Bên cạnh dự án này, Nhà An Bình còn đang thực hiện dự án Khu nhà ở xã hội Phía tây đường Trần Nhân Tông (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn). Dự án này có diện tích đất khoảng 14.145 m2 cùng với tổng mức đầu tư 858 tỷ đồng. Trong đó, hơn 34 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu tham gia.
Giữa tháng 1 năm nay, liên danh CTCP Viet Incons – CTCP Vinaconex 21 – CTCP Đầu tư và Thương mại Hà Nội cũng đã đăng ký đầu tư dự án nhà ở xã hội tại phường Nam Ngạn, TP Thanh Hoá. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022, diện tích là khoảng 2,8 ha với tổng chi phí thực hiện là khoảng 3.721 tỷ đồng.
Tháng 10/2022, CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods, mã chứng khoán: VDL) dù là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm nhưng cũng đăng ký trở thành chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Ladofoods đề xuất thực hiện dự án nhà ở xã hội tại số 31, 32 Ngô Văn Sở, phường 9, TP Đà Lạt. Tổng diện tích dự án lên đến 8.593 m2. Đây là trụ sở làm việc, kho cùng với cơ sở sản xuất của công ty theo Hợp đồng thuê đất, hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Cuối tháng 9 năm ngoái, tỉnh Bình Phước cũng tổ chức hội nghị nhằm kêu gọi đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022. CTCP Sản xuất - Xây dựng - Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương tại hội nghị cho biết, dự kiến doanh nghiệp sẽ xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2025-2030, diện tích khoảng 15 ha.
Trong giai đoạn đầu (2023 - 2025), dự kiến Hải Vương sẽ xây dựng khoảng 500 căn nhà ở xã hội, diện tích khoảng 5,5 ha. Đến giai đoạn 2026 - 2030, công ty sẽ triển khai phần còn lại. Theo tìm hiểu, Hải Vương công ty thành viên của Tập đoàn Sikico - chủ đầu tư KCN Minh Hưng - Sikico ở xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, Bình Phước.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Địa ốc Cát Tường, liên danh CTCP Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa và CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Đô thị Tân Thái Bình Dương cũng mong muốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Nhiều “ông lớn” BĐS đăng ký làm hơn 1,2 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Đáng chú ý, nhà ở xã hội còn là phân khúc thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong một năm trở lại đây. Trong Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp diễn ra vào ngày 1/8/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký xây dựng 1.281.000 căn nhà ở xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes, cho biết doanh nghiệp phấn đấu đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội Happy Home trong 5 năm tới. “Tập đoàn mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Việc triển khai nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội có thể không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng lại có ý nghĩa xã hội to lớn”, vị này bổ sung.
Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Novaland cũng cam kết đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ giá rẻ ở nhiều tỉnh thành phía Nam, trọng điểm là TP.HCM và Đồng Nai. “Novaland tin tưởng, nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn nhà ở xã hội là một mục tiêu tập đoàn sẽ hoàn thành, góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động”, ông Bùi Xuân Huy cho biết.
Theo ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group, doanh nghiệp vinh dự khi được tham gia đồng hành cùng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội cũng mong muốn được cam kết với Chính phủ cùng các địa phương để tham gia đầu tư được nhà ở xã hội…
Ông Dương Công Minh - đại diện Tập đoàn Him Lam, nhấn mạnh: “Đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi sẵn sàng tham gia. Đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế và chính sách cụ thể để chúng tôi có thể tham gia”.
Trong khi đó, đại diện của Becamex IDC cho biết, doanh nghiệp này đã hoàn thiện xây dựng 64.000 căn nhà ở xã hội, mỗi căn hộ có diện tích tối thiểu là khoảng 30m2, tiến tới mục tiêu 120.000 căn hộ. Theo đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được phê duyệt bởi UBND tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp này sẽ dành 105 ha để tiếp tục xây dựng các căn hộ này.