Nhà ở xã hội: Niềm ước mong của nhiều người
BÀI LIÊN QUAN
Nhà ở xã hội: Giấc mơ quá đỗi xa vời của người lao độngGiá nhà ở xã hội sẽ cao bằng giá nhà ở thương mại?Cả năm 2022 chỉ có một dự án nhà ở xã hội hoàn thành, TP Hồ Chí Minh kiến nghị “gỡ khó”Việc người lao động sống chung nhau trong một căn phòng trọ chật hẹp ở các thành phố lớn không phải là hình ảnh hiếm thấy, nhất là những khu vực gần các khu công nghiệp. Và hầu hết với những người lao động, công nhân có thu nhập thấp, họ đều mơ ước có một căn nhà để đảm bảo được cuộc sống và căn nhà này phải phù hợp với thu nhập. Thế nhưng, giấc mơ này đôi khi cũng không dám mơ ước vì nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp đang vô cùng khan hiếm trên thị trường. Và giấc mơ này càng ngày càng xa vời thực tế hơn.
Anh Lê Đình Tiến (37 tuổi, Nghệ An) hiện đang làm cho một khu công nghiệp tại Bắc Ninh. Thuê một căn phòng trọ bé ở cùng vợ và con trai, thu nhập của anh Tiến tầm khoảng 15 triệu đồng/tháng (nếu như có tăng ca). Thế nhưng mặc dù đi làm hơn 10 năm, anh vẫn chưa từng dám mơ ước có cho mình một căn nhà cho vợ con.
“Nhiều người nói ước mơ chỉ là ước mơ mà thôi, thật sự đúng là như vậy. Vợ chồng tôi lấy nhau hơn 10 năm, có với nhau một đứa con trai. Gia đình ở quê giục giã rất nhiều về việc sinh thêm vì cháu đã lớn thế nhưng chúng tôi vẫn không dám, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền thực sự làm chúng tôi khá lo lắng.
Và ước mơ mua một căn hộ giá rẻ để “an cư” cũng càng khó khăn hơn. Với thu nhập hiện tại của gia đình tôi, thực tế khó lòng mà kham nổi chi phí mua chung cư hiện nay”.
Câu chuyện của anh Tiến không phải là câu chuyện hiếm gặp. Bởi lẽ, không chỉ ở những địa phương có các khu công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Thái Nguyên…, mà những công nhân ở những địa phương có khu công nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp phải tình trạng tương tự. Đi làm gần 20 năm thế nhưng để có thể mua một căn nhà dường như là điều không thể.
Không chỉ có công nhân, người lao động mà ngay cả những người làm việc trí óc cũng không dám ước mơ về một căn nhà. Vợ chồng chị Hoàng Đinh Nga (42 tuổi, Nghệ An) đang làm việc cho một công ty về xuất nhập khẩu ở Hà Nội. Vợ chồng chị Nga làm việc gần 20 năm tại Thủ đô thế nhưng tới nay, cả gia đình vẫn đi thuê phòng trọ.
“Để tìm được một căn hộ giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập dường như rất khó khăn. Tổng thu nhập của vợ chồng tôi khoảng tầm 30 triệu/tháng, thế nhưng tính toán chi phí sinh hoạt, con cái hàng tháng hầu như là chiếm tới 2/3. Nếu như lựa chọn một căn hộ gần trung tâm tầm 3 tỷ đồng thì khả năng chi trả hầu như không có. Chính vì thế, gia đình tôi mong muốn tìm kiếm một căn chung cư tầm 1 tỷ đồng để có thể mua được và chi trả được”, chị Nga tâm sự.
Thực tế, tỉ lệ người lao động khó khăn trong việc tìm kiếm cho mình một căn hộ phù hợp với thu nhập là điều không hiếm. Đặc biệt, trong giai đoạn đô thị hóa phát triển quá nhanh, bất động sản tăng giá chóng mặt, số lượng nhà ở thực tế vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn cho phần đông số người dân có thu nhập thấp. Nhất là hiện trạng “di cư” từ nông thôn và thành thị ngày một tăng cao như hiện nay.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng đã chỉ rõ, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp chỉ mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu. Theo đó, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 tương đương 93.090 căn hộ, còn nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 tương đương 62.700 căn hộ.
Đối với nhà ở cho công nhân, theo báo cáo từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện tại cả nước có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại 370 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, nhu cầu an cư, lạc nghiệp của hàng triệu con người này là rất bức thiết. Thế nhưng, nhà ở phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, chỉ có khoảng 5% công nhân được tiếp cận nhà ở do doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và tổ chức đoàn thể đầu tư xây dựng. 95% còn lại vẫn phải thuê nhà ở tạm bợ hoặc chưa có chỗ ở. Và 95% công nhân ngoại tỉnh hiện đang làm tại các khu công nghiệp tập trung phải thuê trọ của tư nhân. Thực tế đã ghi nhận, phòng trọ tư nhân hầu hết đều chật hẹp, diện tích sử dụng bé, không đảm bảo các điều kiện tối thiểu… gây nên ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như năng suất lao động.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất phương án bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thay vào đó, Bộ Xây dựng yêu cầu bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Cụ thể, UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ, phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.
Phương án trên đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình bởi hiện tại, vẫn tồn tại song song cả 2 quy định trên. Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được phép nộp tiền để hoán đổi phần diện tích 20%, thay vì phải giữ lại để xây dựng nhà ở xã hội. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn việc nộp tiền nên dẫn đến việc phân khúc sản phẩm nhà ở xã hội vốn đã thiếu, nay lại càng thiếu trầm trọng. Thực hiện đề xuất trên sẽ phần nào cải thiện được nguồn cung nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của công nhân, người thu nhập thấp.
Thế nhưng, bên cạnh việc không ít doanh nghiệp nộp tiền hoán đổi phần diện tích 20% đó thì nhiều doanh nghiệp khẳng định rất muốn tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, vì đây không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn là trách nhiệm với xã hội, nhưng họ lại gặp nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc.