Nhà đầu tư ngậm đắng khi "kẹt hàng" dù từng tự tin về khả năng phán đoán thị trường
BÀI LIÊN QUAN
Bán vàng chạy theo "sốt đất", nhiều nhà đầu tư mất ngay tiền tỷLượng nhà đầu tư tham gia thị trường "nóng" tăng mạnh, cao thứ ba trong lịch sửNhà đầu tư "ôm" đất khóc ròng khi “cò đất” rời đi sau cơn sốt đất ảoChấp nhận "kẹt hàng" dù từng tự tin về những phán đoán đầu tư của mình
Chia sẻ lại bài học của chính mình, anh Nguyễn Khoa, một nhà đầu tư đã có 9 năm kinh nghiệm trên thương trường tâm sự, quãng thời gian làm nghề của anh Khoa được phân ra làm 2 giai đoạn.
Từ 2013 - 2016, với anh Khoa là giai đoạn mới bước chân vào nghề, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm đầu tư như cách huy động vốn, phương pháp đẩy hàng cũng như bí quyết "chốt" sản phẩm.
Từ 2017 - 2021 được ví như giai đoạn trưởng thành, "đánh đâu thắng đó". Nhà đầu tư này chia sẻ, từ năm 2017 trở lại đây, anh đầu tư vụ gì cũng thắng lớn. Kinh nghiệm tích lũy từ những năm trước giúp anh có thể phán đoán được tiềm năng của một mảnh đất và các yếu tố tác động đến sản phẩm của khu vực đó.
"Tôi nắm được chắc chắn các thông tin về quy hoạch, đặc điểm của nhà đầu tư xuống tiền, "khẩu vị" của người dân khu vực đó. Ví dụ như có nơi, nhà đầu tư chỉ thích loại hình bất động sản có đặc thù như mặt tiền rất rộng, không nằm trong khu vực tâm linh… Hay lại có nơi, nhà đầu tư dễ tính, chỉ cần thấy hợp lý đã xuống tiền ngay", anh Khoa kể.
Thế nhưng đến năm 2021, anh Khoa bất ngờ rơi vào thương vụ "kẹt hàng" đáng nhớ trong quãng đường đầu tư của mình. Cụ thể, vào tháng 3/2021, anh quyết định xuống tiền vào một lô đất lớn tại Vĩnh Phúc. Khi đó, anh nhận định khu vực này chưa có cơn sốt giá quá đà, xung quanh lại chuẩn bị có dự án.
Tự tin chưa từng thất bại trên thương trường, anh Khoa mạnh dạn rót hơn 10 tỷ đồng vào đất và dự tính khoảng nửa năm sau, khả năng thoát hàng và thu lời 20% là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, trái với suy đoán của nhà đầu tư này, đến thời điểm hiện tại, tức 1 năm sau khi xuống tiền, lô đất của anh Khoa vẫn trong tình trạng không người hỏi thăm.
Tương tự như trên, chị Loan (nhà đầu tư Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng từng rất chắc chắn về những phán đoán đầu tư của mình. Tuy nhiên, gần đây chị lại đang bị "mắc kẹt" 2 lô đất tại Quảng Ninh. Thời điểm quyết định xuống tiền, chị Loan nhẩm tính, khoảng 1 tháng đã tìm được người mua mới bởi lô đất có vị trí đắc địa, nằm ở khu vực có tiềm năng tăng giá tốt. Thế nhưng, 8 tháng đã trôi qua, lô đất của chị Loan vẫn nằm im, chưa tìm được người trả gái cao hơn so với mức ban đầu.
"Có người còn trả thấp hơn so với giá ban đầu mà tôi mua. Tôi khảo sát các khu vực gần đấy, lượng giao dịch thật khá thấp dù phân tích tình hình, yếu tố xung quanh đều thấy có tiềm năng", chị Loan cho hay. Vì không đạt được mức giá như kỳ vọng, nhà đầu tư này đành ngậm ngùi chấp nhận chôn vốn với 2 lô đất có tổng giá trị lên tới 6 tỷ đồng.
Giai đoạn hiện nay không phải thời điểm tốt để lướt sóng mà chỉ dành cho đầu tư trung và dài hạn
Những câu chuyện như của anh Khoa và chị Loan không phải là hiếm. Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Triển vọng đầu tư 2022 – FiinGroup Invest Summit" mới đây, ông Phạm Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ tài chính bất động sản (FINA) cho biết, có những thị trường dù được đánh giá tốt về mặt vĩ mô nhưng trên thực tế vẫn có nhà đầu tư bị "kẹt hàng".
Theo ông Khôi nhận định, đa số nhà đầu tư bất động sản thưởng áp dụng cách phân tích từ trên xuống giống như chứng khoán, đó là phân tích vĩ mô, từng khu vực, sau đó mới đánh giá tác động cơ sở hạ tầng. Về lâu dài, những thị trường có ủng hộ của cơ sở hạ tầng đầu tư công sẽ được nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, đây không nhất thiết là điều kiện quan trọng nhất cần để ý tới. Vị chuyên gia này cũng cho hay, thị trường được đánh giá tốt về mặt vĩ mô nhưng nhà đầu tư vẫn "kẹt hàng" như thường nên cần phải rất cẩn thận với việc phân tích.
Cũng theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, giai đoạn hiện nay không phải thời điểm tốt để lướt sóng mà chỉ dành cho đầu tư trung và dài hạn. Ông Hiển cho rằng, giai đoạn 2005 - 2006 trước đó, việc lướt sóng thường thu được lợi nhuận cao. Nhưng đó là giai đoạn thông tin, hàng hóa còn ít nên việc lướt sóng đem lại siêu lợi nhuận. Nhưng hiện nay, với việc thông tin thị trường ngày càng minh bạch, dù cơ hội lướt sóng vẫn còn nhưng không còn dễ dàng mà phải dựa trên thông tin và sự quyết đoán của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, giá bất động sản nhiều khu vực đã tăng rất mạnh trong nhiều năm và cần giai đoạn đi ngang để tích lũy giá trị, ở những vùng mà giá cả đã tăng hơn giá trị.
Ngoài ra, đầu tư bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn do vấn đề lạm phát. Giới chuyên gia cho rằng, nếu lạm phát tăng cao vào năm 2022 thì áp lực tăng giá bất động sản cũng sẽ rất lớn. Từ quý 2/2022 trở đi, khi nền kinh tế hồi phục trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em thì bất động sản sẽ càng có tiềm năng tăng giá. Trong khi đó, cầu tăng mà cung chưa phục hồi thì việc tăng giá là điều hiển nhiên.
Các nhà đầu tư hiện nay không nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư rõ rệt. Trước đó, nhiều người quan ngại với việc Fed tăng lãi suất thì bây giờ lại có sự bất định của thế giới liên quan đến căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Với sự bất định như vậy, các tài sản khác rõ ràng đều bị ảnh hưởng rất mạnh. Do đó, người ta sẽ tìm một tài sản trú ẩn có thể trụ vững với các vấn đề ảnh hưởng từ lạm phát, giá dầu tăng,... Và bất động sản sẽ tiếp tục là một kênh trú ẩn được lựa chọn.